1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Siêu tăng Mỹ tham chiến, tạo thế trận giúp Ukraine phá vòng vây của Nga?

Thành Đạt

(Dân trí) - Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất sẽ bổ sung thêm sức mạnh cho quân đội Ukraine khi Kiev tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch phản công nhằm đẩy lùi Nga.

Siêu tăng Mỹ tham chiến, tạo thế trận giúp Ukraine phá vòng vây của Nga? - 1

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận quân sự NATO tại Adazi, Latvia (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 25/9 xác nhận, các xe tăng M1 Abrams đầu tiên do Mỹ viện trợ đã đến Ukraine, tiếp sức cho các lữ đoàn của Kiev. Đây là một phần trong số 31 xe tăng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết gửi cho Kiev.

New York Times dẫn nguồn thạo tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục chuyển thêm các siêu xe tăng M1 Abrams cho Ukraine trong những tháng tới. Trong khi đó, một số đồng minh phương Tây của Ukraine đã cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực như Leopard 2 và Challenger 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, xe tăng Abrams sẽ "bổ sung thêm khả năng bọc thép đáng gờm khác để tham gia cùng các xe tăng Leopard đã có mặt trên chiến trường". Tổng thống Zelensky từng tuyên bố, xe tăng M1 Abrams sẽ đóng vai trò như "một bước tiến quan trọng dẫn tới chiến thắng cuối cùng cho Ukraine".

Lớp giáp cứng cáp và vũ khí mạnh mẽ của xe tăng M1 Abrams có thể giúp các lực lượng Ukraine đột phá tại các điểm nóng ở phía nam và phía đông.

M1 Abrams có hệ thống chỉ huy được tự động hóa, các ăng-ten được kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép kíp lái và sở chỉ huy biết chính xác vị trí mà phương tiện đang tác chiến.

Ngoài ra, xe tăng này còn được trang bị hệ thống báo động sớm. Xe tăng do Mỹ sản xuất có tầm hoạt động hơn 400km và có khả năng diệt mục tiêu ở cách xa 4km bằng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.

Với trọng lượng lên tới hơn 70 tấn, chiều dài 9,77m, rộng 3,66m và cao 2,44m, xe tăng M1 Abrams được điều khiển bởi kíp lái 4 người, bao gồm chỉ huy, pháo thủ, người nạp đạn và lái xe.

Xe được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng như pháo M1A2 cỡ nòng 120mm cùng nhiều súng máy đồng trục, qua đó tăng cường khả năng tấn công trước hỏa lực của đối phương.

Thách thức với Ukraine

Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, mặc dù sự xuất hiện của xe tăng Abrams "sẽ tăng thêm sức mạnh cho cuộc phản công của Ukraine", nhưng chúng sẽ chỉ hiệu quả nếu Ukraine sử dụng tốt Abrams cùng với các chiến thuật phối hợp vũ khí.

"Mặc dù xe tăng Abrams là sự bổ sung có giá trị cho Ukraine, nhưng 31 chiếc dường như không đủ để tác động đáng kể đến cuộc chiến", chuyên gia Peck nhận định.

Theo Newsweek, các chuyên gia cho rằng, khi chiến dịch phản công khốc liệt và tốn kém của Ukraine chuẩn bị bước vào mùa thu và mùa đông, quân đội Ukraine cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc đưa xe tăng M1 Abrams tham gia cuộc xung đột.

Khả năng tác chiến của Abrams sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết dọc chiến tuyến. Vào mùa đông, lực lượng Ukraine sẽ phải đối mặt với bùn lầy, trong khi các xe tăng Abrams sẽ hoạt động hiệu quả nhất trong điều kiện thời tiết khô ráo.

"Sẽ rất thú vị khi xem xe tăng hoạt động như thế nào trong các hoạt động tác chiến cơ giới hóa chuyên sâu trong điều kiện bùn lầy và tuyết, ở một khu vực có nhiều sông suối", chuyên gia Peck nói.

Một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về những lợi thế mà Ukraine giành được khi trang bị thêm một loại xe tăng mới trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

"Về mặt quân sự, tôi nghĩ có nhiều vấn đề hơn là lợi thế", Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học King (Anh), nhận định.

Tuy nhiên, Ukraine không có dấu hiệu dừng phản công. "Trong thời tiết lạnh, ẩm ướt và bùn lầy, việc chiến đấu càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, giao tranh sẽ tiếp tục, cuộc phản công sẽ tiếp tục", thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nhấn mạnh.

Các quan chức Ukraine cho biết mặc dù chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine tập trung vào khu vực Zaporizhzhia phía nam, nhưng Kiev gần đây đã giành lại quyền kiểm soát hai ngôi làng ở khu vực Donetsk phía đông, gần thành phố Bakhmut bị tàn phá.

Mặt trận Zaporizhzhia đã mang lại bước đột phá đầu tiên cho Ukraine trong chiến dịch phản công sau nhiều tháng vật lộn với hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Đầu tháng này, Ukraine cho biết lực lượng Kiev hiện nằm giữa tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai xung quanh thị trấn Robotyne, phía nam thành phố Orikhiv do Ukraine kiểm soát.

Ukraine kỳ vọng sử dụng xe tăng Abrams mới để tiếp tục tiến công về phía nam, đầu tiên là tới thành phố Tokmak do Nga kiểm soát, sau đó tới Melitopol và cuối cùng là tới Biển Azov.

"Việc sử dụng Abrams ở Zaporizhzhia sẽ kém hiệu quả hơn khi mùa mưa bắt đầu, vì những xe tăng này có thể bị mắc kẹt trong bùn. Các phương tiện hỗ trợ cũng có thể bị kẹt, điều này sẽ gây bất lợi cho Ukraine", chuyên gia Miron lập luận.

Ngoài ra, Ukraine cũng phải xem xét việc kết hợp ba loại xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau của phương Tây.

"Việc sử dụng ba loại xe tăng ở những nơi như Zaporizhzhia sẽ tạo ra thách thức về mặt hậu cần. Điều này sẽ gây áp lực cho hệ thống hậu cần của Ukraine mà Nga đang nhắm tới và nếu thành công, lực lượng của Nga có thể khiến các xe tăng Abrams, Challenger hoặc Leopard do các đồng minh phương Tây của Kiev tài trợ trở nên vô dụng", chuyên gia Miron cảnh báo.

Một thách thức khác đặt ra cho Ukraine là việc bảo trì xe tăng Abrams. Chuyên gia Miron cho biết, lực lượng Ukraine cần có các phụ tùng thay thế và các kỹ sư có khả năng sử dụng chúng cho các phiên bản khác nhau, cũng như đủ tự tin vào việc huấn luyện trên các xe tăng "tinh vi hơn nhiều" để sử dụng xe tăng đúng cách.

Ngoài ra, Abrams còn là loại xe tăng tốn nhiên liệu và điều này cũng đặt ra thách thức với Ukraine.

"Có một loại nhiên liệu cung cấp cho xe tăng Abrams và chúng tôi phải đảm bảo rằng nguồn nhiên liệu đó sẵn sàng cung cấp cho Ukraine", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói.

Một vấn đề nữa mà Ukraine cần cân nhắc là các loại đạn mà Kiev cần cho các loại xe tăng khác nhau.

"Không phải tất cả xe tăng đều sử dụng cùng một loại đạn và nguồn cung đạn dược luôn thiếu hụt. Vì vậy, nếu quân đội Ukraine không nhận được số lượng đạn dược cần thiết, điều đó sẽ làm suy giảm tính hữu dụng của xe tăng M1 (hoặc bất kỳ loại xe tăng nào khác)", chuyên gia Miron đánh giá.

Bên cạnh đó, xe tăng Abrams sau khi được triển khai ra chiến trường cũng phải đối đầu với hệ thống phòng thủ của Nga. Ukraine đã phải vật lộn với các hệ thống này từ đầu tháng 6.

"Rất khó để khẳng định xe tăng Abrams sẽ đối phó với các bãi mìn và phòng tuyến răng rồng của Nga như thế nào", chuyên gia Peck nói, đồng thời cho biết các lực lượng Nga có "rất nhiều vũ khí chống tăng và mìn chống tăng, từng gây tổn thất cho thiết giáp do phương Tây cung cấp của Ukraine", bao gồm xe tăng Leopard do Đức sản xuất và xe chiến đấu Bradley do Mỹ sản xuất.

Trong cuộc phỏng vấn với War Zone hôm 22/9, Kirill Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo của quân đội Ukraine, cho biết xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ cấp cho Kiev chỉ nên được triển khai trong các chiến dịch mang tính đột phá cụ thể và được chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không chúng sẽ nhanh chóng bị lực lượng Nga tiêu diệt.

Ông Budanov giải thích, việc các lực lượng Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi pháo và mìn đã "làm giảm khả năng sử dụng khí tài bọc thép trên thực tế ở tất cả các hướng chính đến mức tối thiểu".

"Nếu chúng ta triển khai một số tiểu đoàn xe tăng vào chiến trường, ngay khi chúng lọt vào tầm bắn của pháo binh, chúng sẽ bị tấn công", quan chức Ukraine cảnh báo.

Theo Newsweek, Reuters, Sputnik