1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sĩ tử Trung Quốc và áp lực quá lớn của mùa thi đại học

(Dân trí) - Vào ngày 7-8/6 hàng năm, các rào chắn cảnh sát lại được dựng lên quanh các trường học và các công trình xây dựng lân cận được yêu cầu không gây tiếng ồn khi Trung Quốc bước vào kỳ thi đại học quốc gia kéo dài 2 ngày - được gọi là “cơn sốt Gaokao”.

 
Kỳ thi đại học quốc gia của Trung Quốc nổi tiếng là cạnh tranh khốc liệt.

Kỳ thi đại học quốc gia của Trung Quốc nổi tiếng là cạnh tranh khốc liệt.

Năm nay, 9,5 triệu học sinh trung học Trung Quốc đã đăng ký tham dự kỳ thi đại học nổi tiếng là khắc nghiệt.

Các nhà chỉ trích cho hay, với phần lớn các học sinh, kỳ thi là đỉnh điểm của một năm ròng luyện thi, ôn tập và phần lớn là học thuộc lòng.

Trên thực tế, hầu hết mọi người - các sinh viên, các bậc phụ huynh, giáo viên và các nhà hoạch định chính sách - đều thừa nhận rằng kỳ thi đang làm mất sự sáng tạo của các học sinh.

Nhưng bất chấp những chỉ trích, kỳ thi đại học của Trung Quốc vẫn diễn ra và mỗi năm lại có thêm những câu chuyện kinh hoàng.

Gần đây nhất, các bức ảnh được chụp tại một lớp học ở tỉnh Hồ Bắc đã cho thấy nhiều học sinh Trung Quốc được truyền nước ngay giữa lớp học để tăng cường sức khoẻ trước kỳ thi đại học.

Những giờ học kéo dài
 
Gia đình và sĩ tử lên chùa cầu may trước kỳ thi.
Gia đình và sĩ tử lên chùa cầu may trước kỳ thi.

Ma Li, 18 tuổi, là một trong những học sinh tham gia vào kỳ thi đại học năm nay. Chăm chỉ và thông minh, Ma Li thường dành thời gian 6 tiếng để học ở nhà sau khi kết thúc 10 giờ học ở trường.

“Cách học này khá mệt. Không có nhiều thời gian để thư giãn, nhưng tất cả các học sinh đều như vậy và chúng tôi phải phải động viên nhau”, cô tâm sự.

Ma Li hi vọng sẽ trúng tuyển vào ngày hậu cần vận tải tại Đại học hàng hải Thượng Hải, một ngôi trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng không khó tìm những sinh viên không hứng thú lắm với kỳ thi đại học.

Ở một khía cạnh nào đó, Ding Zhenwei là ví dụ trái ngược với khuôn mẫu các sinh viên ám ảnh bởi kết các kết quả thi cử của Trung Quốc.

Một số thông tin về kỳ thi đại học quốc gia tại Trung Quốc (Gaokao):

- Được tổ chức lần đầu tiên năm 1955

- Bị gián đoạn trong Cuộc cách mạng Văn hoá cho tới tháng 12/1977  

- Diễn ra vào ngày 7-8/6 hàng năm 

- 9,15 triệu học sinh trên khắp Trung Quốc tham gia cuộc thi năm nay

- Văn, Toán và một môn ngoại ngữ là những môn bắt buộc
 
- Các học sinh tại Hồng Kông, Macao và Đài Loan muốn vào học tại các trường đại học ở Trung Quốc đại lục phải tham dự một kỳ thi khác
 Ding đặt mục tiêu tương đối thấp và dự định học ngành thiết kế nội thất tại một trường đại học tư hạng hai.

Vì thế Ding đang thư giãn, tin tưởng rằng anh sẽ đạt được điểm Gaoko cần thiết, và hầu như ít khi học thêm ngoài thời gian học tại trường.

“Thậm chí nếu thi trượt, tôi vẫn có thể tìm một con đường khác để gặt hái thành công trong cuộc đời”, Ding nói.

Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ giáo dục bậc cao. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã ồ ạt mở rộng các trường đại học để đào tạo khoảng 30 triệu sinh viên, con số cao nhất trên thế giới cho tới nay.

Mặc dù sự thay đổi đó không giúp ích gì nhiều nhằm giảm bớt cuộc cạnh tranh vào các ngôi trường danh tiếng nhất, nhưng nó cũng có thể dẫn tới việc ít nhất một số sinh viên sẽ đặt câu hỏi về giá trị của việc luyện thi vì Gaokao. Và xét cho cùng, tất cả các áp lực và sức ép đó có ý nghĩa gì nếu sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường?

Kỳ thi đại học năm nay có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít hơn 1 triệu thí sinh so với cuộc thi đông kỷ lục năm 2008 và các nhà quan sát đang băn khoăn rằng liệu sự sụt giảm này có phải là kết quả của “sự mệt mỏi vì Gaokao” hay không.

Nhưng vẫn có những sinh viên coi kỳ thi đại học quan trọng tới mức muốn thi lại lần 2.
 
Người thân các học sinh nóng nóng chờ đợi bên ngoài các khu vực thi.
Người thân các học sinh nóng lòng chờ đợi bên ngoài các khu vực thi.

Wang Yu, 19 tuổi, đang học lại năm cuối tại Trường trung học số 8 Zhabei ở Thượng Hải vì không thi đỗ năm trước. “Tôi đã biết thế nào là nỗi xấu hổ của thất bại”, cô nói.

Wang quyết tâm làm tốt hơn lần này để có thể gặp lại các bạn cùng lớp vốn đã bắt đầu học đại học từ năm trước.

Cần thiết phải thay đổi

Các quan chức về chính sách giáo dục từ lâu đã thừa nhận những yếu điểm của Gaokao và đã có những bước đi, tuy còn hạn chế, nhằm cố gắng đưa ra một hệ thống giáo dục cân bằng và hoàn thiện hơn.

Bằng chứng là tại Trường trung học số 8 Zhabei ở Thượng Hải, các học sinh hiện đang được giáo dục để lĩnh hội kiến thức và áp dụng chúng vào các vấn đề của cuộc sống thực tại.

Các giáo viên của Thượng Hải được đào tạo bài bản hơn và các giờ học kéo dài cũng được cắt bớt.

Thượng Hải cũng là một trong những nơi đầu tiên tại Trung Quốc đưa ra quy định về lượng bài tập tối đa ở nhà và quy định tối thiểu một giờ hoạt động thể chất ở trường mỗi ngày.

Nhưng nhiều người cho rằng Trung Quốc vẫn tập trung quá nhiều vào việc chuẩn bị cho các kỳ thi và dành quá ít thời gian cho việc học từ thực tế và điều này cần được thay đổi.

An Bình
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm