1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Shangri-La 14: Cơ hội để đối thoại và giải quyết bất đồng

Nhiều diễn biến lớn từ đầu năm đến nay liên quan đến tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang gây quan ngại nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt ở Đông Nam Á.

Chính vì thế, Đối thoại Shangri-La (SLD) thường niên lần thứ 14, diễn ra tại Singapore từ ngày 29-31/5, được xem là một dịp tốt để các bên gặp gỡ, đối thoại và tìm cách giải quyết bất đồng, qua đó đảm bảo duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.
 
Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 diễn ra ngày 30/5/2014 tại Singapore. (Ảnh minh họa:
Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 diễn ra ngày 30/5/2014 tại Singapore. (Ảnh minh họa: Lê Hải - TTXVN)

Theo kế hoạch, tối 29/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu dẫn đề khai mạc SLD 14 và đưa ra những trọng tâm thảo luận tại đối thoại năm nay. Dự kiến, những chủ đề chính sẽ là mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, động lực giữa các nước lớn, tình hình bất ổn định chính trị ở châu Á, và thách thức xuyên quốc gia nổi lên từ thảm họa cũng như mối đe dọa trên không gian mạng.

Đây không phải là những chủ đề mới, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, diễn biến nổi bật nhất từ đầu năm đến nay trong khu vực là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc thể hiện qua các sáng kiến kinh tế, cũng như hoạt động cải tạo, bồi lấp các bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông sẽ là những “điểm nóng” thực sự tại các cuộc thảo luận năm nay.

Dự kiến, các nước tham gia SLD sẽ đưa ra quan điểm mạnh mẽ của mình về những vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng này. Ông William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - đơn vị đăng cai SLD, nhận định Mỹ và Nhật Bản và một số quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chắc chắn sẽ đề cập sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế, kiềm chế sử dụng vũ lực và cưỡng ép trong khu vực. Ngoài ra, ông cũng cho rằng một số nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ đề cập sự cần thiết một số quốc gia liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông phải ngừng ngay các hoạt động cải tạo quy mô lớn hiện nay.

Trong những “điểm nóng” này, chắc chắn sự “đối đầu” căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Ông Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho rằng bất đồng công khai giữa người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại các lần SLD trước đây sẽ một lần nữa tái diễn. Đặc biệt trong bối cảnh quan điểm của Mỹ về vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông không những không thay đổi mà gần đây còn thường xuyên được các quan chức cấp cao của Mỹ đưa ra với ngôn từ rõ ràng hơn, trong khi phản ứng của Trung Quốc cũng rất mạnh mẽ.

Dù SLD không phải là nơi có thể giải quyết thích đáng các vấn đề nghiêm trọng mà khu vực đang phải đối mặt, song theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), những gì được thảo luận tại đây nhiều khả năng sẽ tác động đến quyết định được các nước đối thoại đưa ra sau đó. Do vậy, SLD sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa các nước đối thoại, củng cố sự hiểu biết về lập trường của nhau, và điều này sẽ rất có ích đối với các vấn đề trong khu vực, đặc biệt đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khu vực cũng là một trọng tâm thảo luận đáng chú ý tại SLD năm nay. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp - thuộc ISEAS, vấn đề khủng bố, chống khủng bố cũng như xử lý các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực Đông Nam Á lâu nay vẫn là một ưu tiên an ninh của khu vực.
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vai trò và sự trỗi dậy của IS ở Trung Đông đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của những quốc gia có đông dân số là tín đồ Hồi giáo trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Singapore. Việc một số phần tử Hồi giáo cực đoan đến từ ba nước này tham gia IS đang tạo ra mối đe dọa rất lớn với an ninh khu vực cũng như với ba nước. Các phần tử đó có thể sang Trung Đông tham gia thánh chiến, hoặc có thể tiến hành tấn công ở ngay trong các quốc gia này.
 
Trong bối cảnh đó, theo ông William Choong, Singapore có thể là một hình mẫu cho việc đưa các phần tử cực đoan hòa nhập trở lại với cuộc sống thường nhật, với nhiều biện pháp phi cực đoan hóa được nước này áp dụng đã phát huy hiệu quả để Singapore thực sự là nơi các tín đồ Hồi giáo có thể chung sống hòa bình trong một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo.
 
Không phải là diễn đàn an ninh chính thức, song với việc quy tụ rất nhiều quan chức quốc phòng cấp cao, chuyên gia và học giả trong khu vực, SLD thực sự có ý nghĩa quan trọng, bởi tại diễn đàn này các nước có thể bày tỏ quan ngại về các vấn đề an ninh khu vực, cũng như tìm cách hợp tác để giải quyết những vấn đề đó.
 
Như Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen đã phát biểu tại hội nghị tiền Shangri-La diễn ra đầu năm 2015, “trong thế giới tương thuộc ngày nay, điều cốt yếu là chúng ta phải thừa nhận rằng hòa bình và ổn định khu vực phụ thuộc vào ý chí tập thể, cũng như các nỗ lực chung thực sự của các nước để giải quyết những thách thức an ninh mà khu vực đang phải đối mặt”.