1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Scandal gián điệp Nga – Anh : Nước cờ cao tay

Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Patrushev cho biết nước này không trục xuất 4 nhà ngoại giao Anh, bị buộc tội làm gián điệp trong vụ án “liên lạc đá cuội” tại Moscow vừa qua.

Tuy nhiên, ông Nilolai Patrushev cho biết nếu những người này tiếp tục làm việc tại LB Nga, họ sẽ phải bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan An ninh Nga.

 

Cách đây vài tuần, khi được hỏi sau khi “vụ gián điệp đá cuội” bị lật tẩy, phía Nga sẽ đối xử thế nào với 4 nhà ngoại giao Anh liên quan, Tổng thống Nga Putin đã nói: Hãy để cho họ tiếp tục ở lại nước Nga và giữ các ghế của họ tại trung tâm tình báo. Sẽ là thú vị đối với chúng tôi nếu biết rằng chúng tôi kiểm soát được những con người này.

 

Tổng thống Putin từng làm việc 16 năm trong ngành tình báo đối ngoại thời Liên Xô, hoạt động ở Dresden (Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây) nên biết rõ cách ứng xử với các nhân viên tình báo nước ngoài khoác áo ngoại giao.

 

Cuối năm ngoái, cơ quan phản gián Liên bang Nga phát hiện 4 nhà ngoại giao làm việc trong sứ quán Anh ở Moscow trực tiếp liên lạc với một đặc tình người Nga thông qua một hộp thư giấu bên trong một hòn đá đặt chỏng chơ trên bãi cỏ trong công viên ngoại ô Moscow.

 

Một trong những nhà ngoại giao này bị bắt quả tang khi ông ta đang liên lạc với đặc tình thông qua máy thu phát bí mật giấu trong hộp thư chết là hòn đá. Đặc tình người Nga làm việc cho một tổ chức phi chính phủ đã nhận tiền của đại sứ quán Anh.

 

Sau khi “vụ gián điệp đá cuội” bị đưa ra ánh sáng, Bộ Ngoại giao Anh không thừa nhận việc các nhân viên của họ có hành vi hoạt động gián điệp. London cho rằng Moscow làm lùm xùm vụ này lên chẳng qua là muốn dẹp các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại LB Nga.

 

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Nga InterFax, Giám đốc FSB Nilolai Patrushev một lần nữa khẳng định rằng một trong 4 nhà ngoại giao Anh có liên quan tên là Marc Doe đã trực tiếp cung cấp tiền cho các tổ chức phi chính phủ ở Nga.

 

Ông Nilolai Patrushev cho biết, quan điểm của Moscow là những người Anh này đã phạm sai lầm lớn là để cho các nhân viên tình báo nhà nghề tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức phi chính phủ. Điều đó làm mất tín nhiệm đối với cả những sự giúp đỡ chân thành của Anh đối với sự phát triển một xã hội dân sự ở Nga.

 

Ngoài ra, ông Nilolai Patrushev còn chê trách Cơ quan tình báo Anh MI6 đã làm một việc phá vỡ luật bất thành văn trong nghề tình báo. Ông Nilolai Patrushev nói: MI6 đã thực hiện điều mà không cơ quan tình báo nào làm đó là các đại diện chính thức của cơ quan tình báo không bao giờ tham gia trực tiếp vào các hành vi gián điệp tại quốc gia mà người tình báo đó đang công tác nhiệm kỳ.

 

Ông Nilolai Patrushev còn chỉ đích danh một trong 4 nhà ngoại giao Anh liên quan đến vụ gián điệp đá cuội là Paul Crompton, Trợ lý Trưởng Trung tâm tình báo MI6 của Anh đóng tại Moscow.

 

Theo Đ.P

Tiền phong