1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sáu ngày và bốn mươi năm

(Dân trí) - Bốn mươi năm trước, Israel chiếm được các vùng đất từ Syria, Ai Cập và Jordan, Tuy nhiên, chiến thắng này đã không đem lại cho Israel một nền hòa bình lâu dài. Bốn mươi năm sau, nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến vẫn suy nghĩ về những cơ hội bị bỏ lỡ.

Giữa muôn trùng vây

 

Một số người cho rằng cuộc chiến bùng nổ ngày 5/6 tại Trung Đông 40 năm trước đây đã làm thay đổi toàn bộ khu vực khi nó kết thúc chỉ trong vòng sáu ngày. Số khác lại cho rằng cuộc chiến này trên thực tế chưa bao giờ kết thúc. Cho đến nay, trong số tất cả các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm được trong Cuộc Chiến Sáu Ngày, chỉ có duy nhất bán đảo Sinai của Ai Cập là được trả lại cho chủ cũ của nó.

 

Tại mặt trận phía Bắc của Israel, binh sĩ của nước này và những người định cư Do Thái vẫn đang chiếm đóng Cao nguyên Golan, chiếm được của Syria trong ngày thứ năm của cuộc chiến. Mặc dù, các lực lượng chính quy giữa hai nước có thể không còn trực tiếp giao chiến với nhau nhưng cuộc chiến giữa hai nước vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ, chỉ có điều nó tồn tại ở một hình thức khác, đó là chiến tranh ủy nhiệm, như cuộc chiến tranh hồi tháng 7/2006 tại Libăng.

 

Tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, Israel luôn phải duy trì hàng chục nghìn binh lính và cảnh sát bán vũ trang để kiểm soát 2,5 triệu người Palestine và bảo vệ 450.000 người định cư Do Thái.

 

Về phía Nam, tình trạng người Palestine cô lập tại Gada vẫn tiếp diễn, trước mắt Liên hợp quốc. Bảy năm qua đã xảy ra trên 100 vụ tấn công liều chết của người Palestine nhằm vào người Do Thái và nhiều vụ tấn công trả đũa dữ dội của quân đội Israel vào Bờ Tây và Dải Gada. Ngay cả việc Israel đơn phương rút khỏi dải Gada vào năm 2005 cũng không giảm bớt được tình trạng bạo động, khiến khu vực nghèo khó này trở thành thế giới hỗn loạn của những cuộc chiến băng đảng cùng với các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào Israel châm ngòi cho các hành động trả đũa.

 

Bốn mươi năm qua, người dân Palestine vẫn khốn khổ hàng ngày. Hàng trăm trạm kiểm soát của quân đội Israel không cho họ tự do đi lại ở Bờ Tây. Trong khi đó, Dải Gada gần bị cô lập với thế giới bên ngoài, nền kinh tế Palestine bị sụp đổ và cuộc sống của người dân ở đây bị phía Israel chi phối hoàn toàn.

Giá của sự bỏ lỡ

 

Ông Akiva Eldar, một nhà bình luận, nhà sử học Israel, từng là lính dự bị của tình báo quân đội Israel trong cuộc chiến trên, nói: "Tôi nghĩ chúng tôi đang ở ngày thứ Bảy của cuộc chiến. Chúng tôi đã giành chiến thắng trong sáu ngày đầu của cuộc chiến nhưng lại thất bại trong ngày thứ Bảy và có vẻ như, mọi thứ sẽ không thể cải thiện trong tương lai gần. Lần đầu tiên kể từ ngày lập quốc, Israel đã có cơ hội để giành được nền hòa bình với các nước Arab bằng cách trao đổi các phần lãnh thổ mà chúng tôi đã chiếm được từ Jordan and Syria and Egypt, nhưng chúng tôi đã để tuột mất cơ hội đó".

 

Cựu Thủ tướng Israel, Shimon Peres cũng có những tiếc nuối riêng. Ông này cho biết "nếu chúng tôi có thể chuyển chiến thắng trong Cuộc Chiến Sáu Ngày thành hòa bình, chúng tôi đã có thể ngăn chặn được cuộc chiến Yom Kippur (1973)".

 

Đối với người Palestine, cuộc chiến đã khiến họ mất tất cả. Palestine bị rơi vào ách chiếm đóng của Israel và giấc mơ của họ về một nhà nước độc lập đã vuột khỏi tầm tay.

 

Taysir Jamal, 33 tuổi, thành viên Fatah và là một trong những đội cận vệ của tổng thống cho biết kể từ Cuộc Chiến Sáu Ngày, tình hình tại Palestine đã thay đổi hoàn toàn. Anh này nói: "Ngày nay, mọi gia đình tại Palestine đều sở hữu súng AK, các phong trào kháng chiến mọc lên ở khắp mọi nơi và tiếng súng thì chẳng bao giờ dứt. Trước năm 1967, nếu người Ai Cập (lúc đó đang kiểm soát  Gada) bắt được anh bắn, dù một viên đạn, anh có thể bị xử tử. Khi đó, Palestine là một khối thống nhất, ngày nay chúng tôi đã bị chia rẽ sâu sắc, nào là các nhóm theo đường lối thế tục, các nhóm tôn giáo, ôn hòa, cực hữu, Fatah, Hamas….. Bạo lực xảy ra ở khắp mọi nơi".

 

Theo Jamal, Israel đã lãng phí mất nhiều cơ hội để thiết lập nền hòa bình với người Palestine trước khi Phong trào Hồi giáo theo đường lối cứng rắn Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi đầu năm 2006.

 

Giới phân tích đánh giá, việc Israel không biết tận dụng cơ hội trên đã gieo mầm cho phần lớn những rắc rối ngày nay tại Trung Đông.

 

40 năm sau cuộc chiến, Israel vẫn là kẻ đơn độc tại Trung Đông. Và dù có hay không có các hiệp định hòa bình với Israel, phần lớn các nước Arab vẫn coi nước này là một kẻ thù truyền kiếp. Và chừng nào vẫn còn là một kẻ chiếm đóng, Israel sẽ khó mà có được sự an ninh như họ mong muốn, kể cả khi nước này xây dựng một hàng rào an ninh (giống như đang xây dựng trên các vùng lãnh thổ của Palestine) bao bọc toàn bộ lãnh thổ của mình.

 

Kiến Văn