1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kinh tế Triều Tiên chuyển mình năng động dưới thời ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây tăng cường các chuyến thị sát tới một loạt nhà máy và cơ sở sản xuất tại Triều Tiên, song các chuyên gia cho rằng những ngành như thương mại, bán lẻ và dịch vụ mới là động lực phát triển chính của nền kinh tế Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un thị sát một công trình đường tàu tại Triều Tiên hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thị sát một công trình đường tàu tại Triều Tiên hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

“Tốc độ phát triển kinh tế của Triều Tiên đang diễn ra nhanh hơn trước đây với nền kinh tế thị trường được đẩy mạnh kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, ngay cả trước sức ép của các lệnh trừng phạt quốc tế. Chính thương mại, phân phối, du lịch và các ngành công nghiệp dịch vụ đang dẫn dắt cho sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên”, Lee Seog-ki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Toàn cầu, phát biểu tại diễn đàn của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) ở Seoul hôm 6/9.

Theo nhà nghiên cứu Hong Jae-hwan của KINU, sự phát triển của nền kinh tế thị trường tại Triều Tiên cũng thể hiện trong các lĩnh vực kinh doanh và lao động. Triều Tiên đang mở rộng tính tự chủ của các tập đoàn kinh tế, cho phép họ thực thi các nguyên tắc của kinh tế thị trường ở một mức độ nào đó, đồng thời vẫn thúc đẩy động lực đối với các tập đoàn và người lao động. Những thay đổi này bắt đầu diễn ra từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

“Nhà nước đã giảm bớt sự can thiệp, cho phép (các doanh nghiệp) tự chủ trong việc đưa ra kế hoạch phát triển và thực thi các kế hoạch đó theo năng lực thực tế của họ. Đối với một số sản phẩm, các doanh nghiệp được phép tự đưa ra quyết định về giá cả. Triều Tiên cũng đang tiến đến việc hợp thức hóa các quỹ huy động từ các nhà đầu tư tư nhân, hay còn gọi là các “donju”, vào các công ty”, chuyên gia Hong cho biết.

Động thái trên của Triều Tiên được cho là nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho các hoạt động thương mại và tài chính trong lĩnh vực đầu tư tư nhân.

Theo nhà nghiên cứu Joung Eun-lee tại KINU, Triều Tiên đang tìm cách cho phép những người chưa được hưởng quyền công dân được sử dụng dịch vụ ngân hàng trung ương, đồng thời quan tâm tới vấn đề tín dụng ngân hàng.

“Người Triều Tiên thường tránh làm việc với ngân hàng trung ương vì họ không thể rút tiền bất kể khi nào họ muốn. Tuy nhiên một số người đào tẩu Triều Tiên tôi gặp gần đây nói rằng họ từng gửi tiền vào ngân hàng trung ương và nhận lãi, mặc dù đây mới chỉ là những trường hợp hiếm hoi (tại Triều Tiên)”, Joung Eun-lee nói.

Theo nhà nghiên cứu Joung, những động thái trên của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy nước này đã gắn bó chặt chẽ hơn với nền kinh tế thị trường kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

“Triều Tiên đang tập trung vào khái niệm tín dụng, và hệ thống thanh toán bằng thẻ điện tử cũng đang được người dân sử dụng rộng rãi do có thuận lợi là không phải thanh toán tiền mặt. Việc lắp đặt các cây rút tiền cũng được tăng cường, không chỉ ở 500 khu chợ mà còn tại các cửa hàng”, chuyên gia Joung cho biết thêm.

Thay đổi trong đời sống người dân

Người Triều Tiên diễu hành ở quảng trường Kim Nhật Thành nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 9/9 (Ảnh: Reuters)
Người Triều Tiên diễu hành ở quảng trường Kim Nhật Thành nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 9/9 (Ảnh: Reuters)

Theo Jeong Eun-mee, nhà nghiên cứu tại Viện Hòa Bình và Thống nhất Soongsil (SSIPU), việc thịt bò xuất hiện trên các bàn ăn của người Triều Tiên cũng được xem là sự thay đổi đáng kể. Điều này cho thấy Triều Tiên đã không còn duy trì chính sách chia khẩu phần thực phẩm, ngoại trừ một số đối tượng nhất định như các công nhân làm việc trong các nhà máy.

“Trước đây rất khó để nghĩ đến việc có thể mua thịt bò, vì bò được xem là “công cụ làm việc” quan trọng trong ngành nông nghiệp (Triều Tiên)”, nhà nghiên cứu Jeong cho biết.

Cũng theo bà Jeong, người Triều Tiên bắt đầu xem xét tới việc sở hữu các căn hộ như một hình thức để phô trương sự giàu có và thành đạt của mình. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Cho Jeong-ah tại KINU cho biết các hoạt động cung cấp dịch vụ hiện nay đã lan sang cả lĩnh vực giáo dục ở Triều Tiên.

Theo nhà nghiên cứu Cho, dịch vụ gia sư đang phát triển tại một số thành phố lớn ở Triều Tiên và đây là dấu hiệu cho thấy người dân nước này bắt đầu coi giáo dục như một dịch vụ có thể trao đổi để đảm bảo lợi ích cá nhân, chứ không phải là dịch vụ công do nhà nước cung cấp.

“Dịch vụ giáo dục thường được thấy ở các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Điều thú vị đó là giáo dục đang được xem như một nấc thang để người dân có thể tiến lên tầng lớp cao hơn”, nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho biết.

Nhà nghiên cứu Park Young-ja đã chỉ ra rằng phụ nữ, chứ không phải đàn ông, mới là những người dẫn dắt sự thay đổi về kinh tế và xã hội tại Triều Tiên.

Theo bà Park, Triều Tiên trước đây từng theo đuổi chính sách Songun, trong đó ưu tiên quân đội là số một và người đàn ông giữ vai trò ở tiền tuyến còn người phụ nữ giữ vai trò ở hậu phương. Tuy nhiên đó là ở thời chiến, còn trong thời bình, những người đàn ông dường như không nhận thấy vai trò của mình, trong khi những người phụ nữ bắt đầu có tiếng nói mạnh hơn do đảm nhận nhiều vị trí gánh vác nền kinh tế đất nước.

Bà Park cho rằng Triều Tiên cũng đang chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức về việc kết hôn và sinh con. Nhiều cặp vợ chồng Triều Tiên hiện nay chỉ muốn sinh một hoặc hai con thay vì nhiều con như trước đây. Lý do giải thích cho điều này không phải vì họ nghèo đói, mà vì họ muốn cung cấp môi trường giáo dục tốt hơn cho con cái mình. Có thể nhận thấy xu hướng sinh ít con trong các gia đình có thu nhập cao ở Triều Tiên. Trong khi đó tỷ lệ ly hôn cũng tăng lên trong những năm gần đây tại Triều Tiên.

“Nhiều người phụ nữ (Triều Tiên) nhận thức được rằng họ không cần phải chịu đựng những người chồng đánh đập họ. Ly hôn chính là cách giành lại sự độc lập của phụ nữ”, nhà nghiên cứu Park cho biết.

Thành Đạt

Theo Korea Times