1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sau cuộc chiến Libya, các bên lo gì?

(Dân trí) - NATO cùng Mỹ, Anh, Pháp chắc chắn đang cảm thấy nhẹ nhõm vì tin rằng không còn bị sa lầy ở Libya. Nhưng khi khói súng tan bớt, họ sẽ nhận ra những vấn đề phức tạp hơn trong thời kỳ tới: hỗn loạn trong nước, bất ổn khu vực, khủng bố quốc tế…

 
Sau cuộc chiến Libya, các bên lo gì? - 1
Phe nổi dậy ăn mừng tại quận Bahrah ở Tripoli.

Thời kỳ chuyển tiếp, vai trò NATO là gì?

Một khi ông Gadhafi ra đi, việc đánh bom sẽ không còn là một phương án lựa chọn với NATO. Có thể họ sẽ cần triển khai binh lính trên thực địa dưới hình thức một lực lượng quan sát viên của NATO/LHQ/Liên đoàn Arập.

Trong khi đó, lực lượng nổi dậy tại Libya đã có dấu hiệu miễn cưỡng trong việc cho phép bất kỳ sự hiện diện thường trực nào của quân đội NATO, mặc dù vẫn chưa rõ có nước phương Tây nào muốn cắt cử quân tới Libya hay không.

Các nước NATO còn phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan mà họ đã từng gặp lúc mở đầu cuộc xung đột này: phải hành động như thế nào để tránh đổ máu hơn nữa, khi nhiều khả năng chiến trường Libya sẽ tiếp tục diễn ra xung đột.

Khi phiến quân tiến vào thủ đô Tripoli, có nhiều khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn, cần sự chú ý ngay lập tức. Viện trợ tái thiết để xây dựng lại các thành phố, thị trấn đổ nát và cơ sở hạ tầng là cấp bách để hỗ trợ Libya thực hiện tiềm năng kinh tế của họ.

Còn có một loạt thách thức lớn khác: tổ chức lại lực lượng của phe nổi dậy, tìm được ban lãnh đạo có khả năng quản lý đất nước, quyết định cách thức phân phối các khoản đầu tư của Gadhafi …

Chế độ mới ở Libya, phương Tây có an toàn hơn?

Trên thực tế, chưa ai chịu trách nhiệm về Libya, trong khi tiến trình chuyển giao cũng sẽ đặt ra câu hỏi liệu chính phủ thay thế chính phủ của Gadhafi là chính phủ thân Mỹ hay là chính phủ chống Mỹ, đó là chính phủ Hồi giáo hay là dạng tôn giáo đặc biệt nào đó hay là sự pha trộn của các tôn giáo đó.

Nhà phân tích về các vấn đề Trung Đông của Fox News, ông Walid Phares nói: "Từ nay đến vài tuần nữa, chúng ta sẽ thấy tình hình căng thẳng giữa một nhóm Hồi giáo trong Hội đồng Chuyển giao với một nhóm theo tôn giáo đặc biệt nào đó của Hội đồng này".

NATO đã lên tiếng cảnh báo và lo ngại các loại vũ khí tối tân của Đại tá Gadhafi lọt vào tay các thành phần chống phương Tây; trong khi tại Paris, giới chức an ninh Pháp cho rằng khi ủng hộ TNC lật đổ Gadhafi, phương Tây đã dọn đường cho Hồi giáo cực đoan ở Libya, và rằng sự can thiệp của NATO gây ra nhiều hơn là giải quyết vấn đề ở Libya.

“Chế độ Gadhafi sụp đổ có nguy cơ dẫn đến sự ra đời của một chế độ chống phương Tây còn cực đoan hơn và không dân chủ hơn. Đằng sau những con người mới chỉ là các gương mặt cũ của chế độ cũ và những kẻ Hồi giáo cực đoan cố gắng không để lộ bộ mặt thật của mình. Tồi tệ nhất là Libya bị chia cắt gây bất ổn cho các nước như Nigeria hay Mali”, ông Y. Bonnet, quan chức cơ quan tình báo Pháp nói.

“Với Libya của Gadhafi, phương Tây có một cái chốt chắc chắn chống lại al-Qaeda và nạn di cư bất hợp pháp. Nhưng cái chốt đó vừa mới bật tung”.

Tướng về hưu Jack Keane, cựu Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu quân đội Mỹ, nói rằng vấn đề quan trọng nhất là duy trì an ninh ở Tripoli trong thời kỳ không có một chính phủ ổn định.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Mike Rogers thì khuyến cáo Mỹ phải tăng cường hoạt động để đảm bảo rằng lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ được bảo vệ, đặc biệt là phải đảm bảo rằng các kho vũ khí hiện đại của chính quyền Gadhafi cũng như vũ khí hóa học và chất nổ không được rơi vào tay những người không đúng đối tượng.

Lo ngại từ Syria

Báo chí phương Tây cho rằng sự ra đi của nhà lãnh đạo Libya Gadhafi “có thể dọn đường cho việc phương Tây chú ý nhiều hơn vào Syria và kích động thêm người biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad”.

Theo giới phân tích, có thể nói tuần qua ở Syria là giai đoạn đẫm máu nhất kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức 6 tháng trước đây. Vì vậy, không loại trừ khả năng là đang trên “đà” phấn kích trước tiến triển đạt được tại Libya, Mỹ và các đồng minh giờ đây bắt đầu quay sang gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hôm 22/8, ngay sau khi đối lập Libya tuyên bố tấn công vào Tripoli, lãnh đạo Mỹ Canada, Pháp, Anh và Đức đồng thanh lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo Syria từ chức để tránh một thảm kịch như đang diễn ra tại Libya.

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng "tương lai của Syria phải do người dân Syria quyết định". Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox thì khuyến cáo ông Assad rằng “đang có những thay đổi không thể tránh khỏi trong khu vực”. Tại Syria, thủ lĩnh chống đối lớn tiếng: "Cộng đồng quốc tế giờ đây sẽ phải nghĩ tới một sự can thiệp mạnh mẽ vào Syria để giải quyết tình hình".

Nhưng theo nhận định của các quan sát viên, Syria là trường hợp khác biệt so với những quốc gia Arập cũng bị rung động bởi làn sóng biểu tình trong năm nay.

Tại Syria, cho tới nay chưa có một đề xuất cho một cuộc can thiệp về quân sự. Ở Syria phe nổi dậy cũng chưa tìm được một thủ lĩnh nào đủ mạnh để tập hợp các lực lượng lại với nhau. Mỹ và các đồng minh cũng có ít lực đòn bảy để cô lập hơn nữa hoặc trừng phạt kinh tế đối với chế độ thân Iran của Assad.

Hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ, kịch bản không loại trừ?

Tình trạng bất ổn tại Libya -nước sản xuất dầu lớn thứ 3 ở châu Phi và là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)- đã tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính và hàng hóa của thế giới.

Tính đến tháng 1/2011, Libya là nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó Italia nhập khẩu trên 30% dầu mỏ của Libya; Đức chiếm vị trí thứ 2 (13,4%); Pháp và Trung Quốc chiếm vị trí thứ 3 (10%).

Điều đáng chú ý là Mỹ chỉ giành được 6%, trong khi trong những năm 1960, Mỹ và Anh chiếm phần lớn thị phần dầu mỏ của Libya. Vì thế, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ Mỹ và Anh nóng lòng trong việc sử dụng giải pháp quân sự là vì họ đang muốn lấy lại vị thế địa - chính trị hoàng kim mà họ đã mất ở Libya.

Các nước phương Tây cùng những tập đoàn dầu mỏ quốc tế lo ngại rằng lực lượng nổi dậy vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu. Một cuộc đấu đá chính trị sẽ khiến cho môi trường kinh doanh không thể trở lại như thời kì trước chiến tranh.

Nhưng trong khi các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra trên các đường phố ở Tripoli, thì các "sắp xếp" cho Libya thời hậu chiến rõ ràng đang được bắt đầu.

Trung Quốc và Nga vốn trước đây chỉ trích hoạt động hỗ trợ quân nổi dậy của phương Tây, thì nay nhanh chóng chuyển sang công nhận lực lượng này như là một chính phủ hợp pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Italia tuyên bố ông sẽ gặp thủ lĩnh quân nổi dậy trong những ngày tới - một động thái được coi là nỗ lực khá sớm của Italia nhằm giành quyền tiếp cận dầu mỏ tại Libya cho tập đoàn dầu mỏ ENI của Italia.

Các công ty khác như Total (Pháp), OMV (Áo) và BP (Anh) cũng đang tìm cách trở về với các tài sản và hoạt động trước đây của mình tại Libya.

Nguyễn Viết
Tổng hợp