Sau cảnh báo của Phó Tổng thống Mỹ, sinh viên Trung Quốc lo bị nghi là gián điệp
(Dân trí) - Sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc tổ chức hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc tại Mỹ (CSSA) có thể là cơ quan làm việc cho chính phủ Bắc Kinh, các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại sẽ bị nghi ngờ là gián điệp.
Trong bài phát biểu tại viện Hudson hồi tuần trước, Phó Tổng thống Pence đã cáo buộc 150 chi nhánh CSSA trên khắp các cơ sở đại học của Mỹ có nhiệm vụ cảnh báo các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc khi các sinh viên của nước này "đi chệch khỏi đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc".
Các sinh viên Trung Quốc đã phản bác cáo buộc của ông Pence, cho rằng CSSA không có liên quan tới chính phủ Trung Quốc, đồng thời quan ngại rằng họ sẽ phải chịu ảnh hưởng từ phát biểu trên.
“Bất cứ ai biết tôi sẽ thấy thật sai trái khi nghĩ tôi là gián điệp. Tôi không quá lo ngại về việc bạn bè cùng trường có thể đối xử với tôi khác đi vì điều đó nhưng tôi sợ rằng những thành kiến và sự bất an có thể biến chuyển thành hành vi thù địch (với người Trung Quốc)”, anh Huhe Yan, sinh viên năm cuối tại trưởng đại học Columbia, New York, cho biết.
Hiện thời, có hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học ở Mỹ, chiếm 1/3 toàn bộ sinh viên quốc tế tới theo học tại đây. Nhiều người trong số họ đang bày tỏ sự lo ngại rằng họ có thể bị hiểu sai hoàn toàn về con người thật.
“Tôi cảm thấy giận dữ về phát biểu của ông Pence. Chúng tôi không bao giờ cảnh báo đại sứ quán hay lãnh sự quán Trung Quốc về bất cứ thứ gì liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi không có nghĩa vụ làm điều đó và chúng tôi sẽ không bao giờ làm vậy”, SCMP trích lời cô Zhiyu Wan, người đang theo học tiến sĩ tại trường đại học Vanderbit, bang Tennessee, đồng thời là cựu phó chủ chủ tịch tổ chức CSSA tại đại học này.
Wan nói CSSA từng tổ chức một cuộc gặp với các quan chức lãnh sự quán tới thăm trường và họ nhân sự hỗ trợ tài chính từ Đại sứ quán Trung Quốc để chi trả cho 2 đêm tiệc thường niên, mở cửa cho cả sinh viên và công chúng.
Dù các sinh viên Trung Quốc có mạnh mẽ phản bác các nghi vấn trên, thì theo một người đàn ông Trung Quốc làm viêc cho một công ty quốc doanh tại Mỹ hơn 10 năm qua, người Mỹ đã có cách nhìn khác đi về người Trung Quốc. “Có một xu hướng là nếu như bạn là người Trung Quốc và bạn không kiếm được việc ở công ty Mỹ hoặc xây dựng quan hệ thông qua các cơ sở và quan chức ngoại giao Trung Quốc, sẽ có một ấn tượng rằng bạn là người của chính phủ”, người đàn ông giấu tên, cho hay.
Yezhen Tan, một sinh viên Trung Quốc và thành viên của tổ chức CSSA ở đại học Iowa cho biết: “Ảnh hưởng của Đại sứ quán Trung Quốc không quá mạnh mẽ như bạn vẫn nghĩ”.
Nhà nghiên cứu Adam Ni tại trường đại học Quốc gia Australia cho rằng dù các quốc gia khác cũng có hiệp hội sinh viên, nhưng riêng CSSA lại được xem là một tổ chức có hơi hướng chính trị.
“Trung Quốc dường như cho rằng việc kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng tới quan điểm của du học sinh là điều quan trọng và có bằng chứng cho thấy họ có liên hệ với những tổ chức này”, ông Ni nói.
Với các sinh viên, nỗi quan ngại lớn nhất chính là việc người Mỹ nhìn nhận họ như gián điệp. Tan nói rằng ở Iowa, bang đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế áp lên mặt hàng đậu tương xuất khẩu sang Trung Quốc, người Mỹ dường như thay đổi thái độ với người Trung Quốc học tập và sinh sống tại đây.
Tại các hội chợ việc làm, các công ty Mỹ thẳng thừng từ chối các hồ sơ của sinh viên Trung Quốc vì họ lo ngại những ứng viên này không thể “gắn bó lâu dài”. Vì vậy, CSSA buộc phải giúp họ tìm việc ở các công ty Trung Quốc tại Mỹ và “vòng luẩn quẩn” hiểu lầm dường như lại tiếp diễn.
Wan, người sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ, nói rằng anh quan ngại với tương lai. “Tôi lo ngại chiến tranh thương mại sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh lạnh mới và tôi sẽ phải rời Mỹ, không thể hoàn thành việc học tập. Tôi cũng sợ rằng người Mỹ sẽ coi sinh viên Trung Quốc là kẻ thù”, Wan nói.
Đức Hoàng
Theo SCMP