1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sập bẫy chính mình?

Với Tuyên bố coi Venezuela là mối đe dọa với “an ninh quốc gia” và áp dụng biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức cấp cao của nước này, Mỹ đã giúp cho Tổng thống Maduro tránh được nhiều vấn đề nội bộ, tăng tỷ lệ ủng hộ và còn có cớ để ngăn chặn phe đối lập…

Sập bẫy chính mình?
Người dân Venezuela tuần hành phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ tại thủ đô Caracas (Nguồn: THX/TTXVN)

Phản tác dụng

Những từ ngữ được cho là phi lý và có phần cường điệu như Venezuela “đe dọa bất thường và đặc biệt với an ninh quốc gia” trong sắc lệnh của Tổng thống Barack Obama ngày 9/3 cho thấy có sự thay đổi trong chính sách của Washington sau một thời gian dài phớt lờ các tuyên bố chống Mỹ của chính phủ Venezuela. Không chỉ viện cớ để trừng phạt, một số nhân vật thuộc phái “diều hâu” Mỹ thậm chí còn công khai đe dọa trực tiếp can thiệp quân sự chống Venezuela và các nước “cứng đầu, cứng cổ” ở Mỹ Latinh.

Nhưng Venezuela có thực sự là nguy cơ với nước Mỹ? Mỹ và Venezuela được ngăn cách bởi vùng Trung Mỹ và Mexico với chiều dài hơn 1.600km. Số binh sĩ tại ngũ của Venezuela chưa đầy 100.000 người, và lực lượng không quân chỉ với 227 chiếc máy bay. Tất cả không là gì so với bộ máy quân sự hùng mạnh nhất trên Trái đất. Có vẻ không thuyết phục lắm khi Mỹ sốt sắng ngăn Carascas đổ quân đến Harlingen, bang Texas! Ngay cả phe đối lập ở Venezuela vốn thân Mỹ cũng phải ra một tuyên bố "Venezuela không phải là một mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào”, đồng thời phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Bởi thế, không ngạc nhiên khi ông Luis Vicente León, thuộc công ty thăm dò dư luận Datanalisis, cho biết 44% người dân Venezuela tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là “cái cớ để chuẩn bị cho một cuộc đảo chính” và kiểm soát kho dự trữ dầu khí khổng lồ của Venezuela. Ông này tin rằng trong bầu không khí hiện tại, Tổng thống Venezuela Maduro có thể nhìn thấy sự đảo ngược về tỷ lệ ủng hộ của mình. Cũng dễ hiểu khi ngay lập tức ông Maduro nhận được sự nhất trí của Quốc hội, trao cho ông quyền đặc biệt về an ninh để chống lại "hành động xâm lược tồi tệ nhất của Mỹ chống lại Venezuela trong lịch sử".

Trên khắp đất nước Venezuela, sự chống đối nổi lên trước đó đã rút lui trước khi làn sóng yêu nước - dân tộc bùng lên mà tác nhân khuấy động không ai khác là Washington. Không những vậy, ông Maduro đã tìm thấy một “cái cớ bằng vàng” để vô hiệu hóa các ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp sẽ diễn ra trong năm nay, đồng thời buộc tội phe đối lập là một phần trong kế hoạch của Washington, với âm mưu gây mất ổn định tình hình đất nước.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khá độc đáo, ông Carl Meacham, Giám đốc Chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho rằng chính quyền Obama chắc chắn nhận thức được việc ông Maduro sẽ sử dụng tuyên bố về lệnh trừng phạt để chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước. Bởi bản thân ông Obama cũng muốn “đánh lạc hướng” dư luận Mỹ trước nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, vốn bị xem là quá “mềm mỏng” hay nhượng bộ quá nhiều với các đối thủ lâu năm ở Mỹ Latinh.

Khó xung đột

Khu vực Nam Mỹ không lạ gì với sự can thiệp của Mỹ trong quá khứ, với các vụ đảo chính có bàn tay của Mỹ như ở Guantemala năm 1954, ở Chile năm 1973 và Panama năm 1989. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ cũng đã nhiều lần đưa ra các Lệnh hành pháp có nội dung tương tự như văn bản ngày 9/3 chống chính phủ Venezuela.

Nhưng một chiến dịch quân sự trực tiếp từ Mỹ không phải là khả năng lớn nhất có thể xảy ra, dù tất nhiên cũng không thể loại trừ, đặc biệt là bối cảnh Mỹ Latinh hiện tại.

Một cuộc xung đột nếu xảy ra trong khi ông Obama vẫn còn đương nhiệm cũng sẽ mang lại hậu quả kinh tế khủng khiếp, có thể hạ gục nền kinh tế Mỹ vốn đã lung lay. Và tiếp đó là vấn đề di sản của ông Obama khi ông gần kết thúc hai nhiệm kỳ và không muốn phát động thêm một cuộc chiến tranh hao tâm tổn trí.

Còn về phía Venezuela, nếu có bước đi đáp trả sai lầm sẽ gây tổn hại tới ổn định chính trị của Venezuela không kém gì những âm mưu của Mỹ và các đồng minh. Chưa kể, ông Maduro phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử cơ quan lập pháp sẽ diễn ra trong năm nay. Và quan trọng nhất, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu dầu mỏ số một của Venezuela mang lại nguồn thu chính cho các chính sách dân túy của nước này.

Bởi vậy, giữa hai quốc gia có tư tưởng trái ngược này sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến một quyết định mạnh tay. Những ngôn từ có vẻ “đao to búa lớn” một lần nữa gợi nhớ những tuyên bố mạnh mẽ thời kỳ cố Tổng thống Hugo Chavez còn nắm quyền, và mọi việc có lẽ vẫn đang dừng ở thuật hùng biện được mỗi bên chứng tỏ trước công chúng mà thôi.

Mỹ đưa ra các Lệnh hành pháp có nội dung tương tự văn bản ngày 9/3 chống Venezuela lần đầu tiên với Triều Tiên năm 1950. Tại châu Âu, Mỹ chỉ áp dụng Lệnh hành pháp trên duy nhất với Nam Tư (cũ), hai lần vào các năm 1991 và 1998. Washington cũng áp dụng biện pháp này với Cuba (1963), Cộng hòa Dominica (1965), Iran (1979), Nicaragua (1982) và Iraq (hai lần 1990 và 2003).
 
Theo Thái An
Thế giới và Việt Nam