1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sáng kiến cạnh tranh trực tiếp "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Sáng kiến "Điểm xanh" (Blue Dot) của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc.

Sáng kiến cạnh tranh trực tiếp Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP).

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới đang leo thang, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden huy động sức mạnh của các đồng minh và đối tác để có thể đối đầu bước tiến công nghệ của Trung Quốc cũng như ngăn chặn ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của nước này.

Đặc biệt, Mỹ đã thúc đẩy nỗ lực hồi sinh cái gọi là "Mạng lưới Điểm xanh" (BDN), được công bố dưới thời Tổng thống Donald Trump nhưng lâu nay bị "bỏ quên", nhằm tạo thế cạnh tranh sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ

Điểm xanh là một sáng kiến chung giữa Mỹ - Australia - Nhật Bản, lần đầu tiên được công bố dưới thời chính quyền ông Trump tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương 2019 ở Bangkok, Thái Lan. Mỹ hiện đang thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản, đáng chú ý nhất là sáng kiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trị giá 4,5 tỷ USD. Chính quyền ông Biden cũng đặt mục tiêu tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương lớn khác, đặc biệt là Ấn Độ - quốc gia đã tẩy chay BRI - và cả Hàn Quốc - nước đang mở rộng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài theo "Chính sách hướng Nam" mới.

Mục đích cuối cùng của Mỹ là thành lập "G10" - các quốc gia công nghiệp G7 với Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc - nhằm cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Để thúc đẩy sáng kiến này, Bộ Thương mại Mỹ sẽ mở một cuộc điều tra về tác động an ninh quốc gia khi nước này phụ thuộc vào nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc, đặc biệt là đất hiếm nam châm neodymium.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẵn sàng đáp trả, gồm nỗ lực sớm thông qua dự luật trừng phạt trả đũa đối với các đối thủ phương Tây, cụ thể là Mỹ và các công ty lớn của họ. Hệ quả của những động thái "ăn miếng trả miếng" này là cuộc chiến tranh thương mại càng thêm căng thẳng.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội hồi tháng 4, ông Biden cảnh báo cuộc đối đầu kinh tế và công nghệ căng thẳng trong thế kỷ 21: "Trung Quốc và các nước khác đang phát triển nhanh chóng. Chúng ta phải nhanh hơn nữa để tiếp tục thống trị các sản phẩm và công nghệ của tương lai". Ông cũng nói rằng, Bắc Kinh đang nghĩ rằng không nước nào có thể cạnh tranh với họ trong thế kỷ 21. Theo ông chủ Nhà Trắng, nguyên nhân là do "chúng ta mất quá nhiều thời gian để đạt được sự đồng thuận" về các chính sách trọng yếu của quốc gia.

Những cảnh báo địa chính trị của Tổng thống Biden về Trung Quốc cùng với thực trạng cần phải có các biện pháp đối phó theo kiểu "toàn dân tộc" với Bắc Kinh làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt trong quốc hội lưỡng đảng của Mỹ, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc. Trong động thái thống nhất hiếm hoi, Thượng viện đã thông qua luật chính sách công nghiệp lớn để tăng cường đáng kể các khoản đầu tư vào công nghệ tiên tiến.

Các ông lớn công nghệ Mỹ cũng tham gia

Các ông lớn công nghệ Mỹ cũng tham gia vào sáng kiến này. Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Mỹ vào đầu năm nay, người đồng sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã cảnh báo về sự phát triển nhanh chóng các công nghệ thế hệ tiếp theo của Trung Quốc và kêu gọi chính phủ xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI).

"Mỹ đi trước Trung Quốc 1 hoặc 2 năm chứ không phải 5 hay 10… Bắc Kinh còn đi trước chúng ta rất xa trong các lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt", ông Schmidt nói trong buổi điều trần hồi tháng 2 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Ông cảnh báo thêm, "mối đe dọa là rất thực".

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, một gương mặt gốc Á nổi tiếng nhất trong chính phủ Mỹ, sẽ giám sát "lực lượng tấn công", xác định các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc "đã làm xói mòn các chuỗi cung ứng quan trọng" và đề xuất các biện pháp trừng phạt phù hợp.

Trong tuần này, Nhà Trắng cũng công bố bản đánh giá đặc biệt dài 255 trang về các vấn đề an ninh chuỗi cung ứng. Theo cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, đây là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nước ngoài (Trung Quốc), đặc biệt là trong các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn, đất hiếm và dược phẩm.

Trong một động thái quan trọng khác, bất chấp Trung Quốc phản đối gay gắt, chính quyền Biden xem xét thỏa thuận thương mại và đầu tư chưa từng có với Đài Loan - một trung tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 20 tỷ USD thiết bị máy tính và viễn thông cũng như 7 tỷ USD chip và chất bán dẫn từ hòn đảo này.