1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sài Gòn ngày 30/4 qua hồi ức sống động của nhà báo Anh

(Dân trí) - Sáng 30/4/1975, người Sài Gòn hân hoan trong tiếng nhạc chiến thắng vang lên từ các loa phóng thanh khắp đường phố. Vui mừng nhưng cũng bối rối, nhiều người không biết phải làm gì, có tiếp tục đi làm hay ở nhà, liệu chợ có còn bán thực phẩm hay không...

Trên đây một phần trong những hồi ức sống động của phóng viên Martin Woollacott của tờ báo Anh The Guardian, người đã chứng kiến toàn bộ thời khắc cuối cùng khi người Mỹ tháo chạy và chính quyền ngụy đầu hàng tại Sài Gòn ngày 30/4/1975. Trong bài viết nhân dịp 40 năm sự kiện trọng đại này, ông Woollacott đã thuật lại những cảm xúc như mới vừa diễn ra hôm qua.

Một nhóm lính ngụy bị bộ đội Việt Nam áp giải trên đường ngày 30/4/1975 (Ảnh: AFP)
Một nhóm lính ngụy bị bộ đội Việt Nam áp giải trên đường ngày 30/4/1975 (Ảnh: AFP)

Theo đó, một ngày sau khi những người Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn, thành phố bị đánh thức bởi bài ca chiến thắng. Trong suốt đêm trước đó, lính công binh của đoàn quân chiến thắng đã gắn lên hàng loạt loa phóng thanh. Và từ khoảng 5 giờ sáng, giai điệu giải phóng được phát lên không ngừng.

Đó là ngày 30/4/1975, và những ánh nắng ban mai mạnh mẽ chiếu sáng khắp những con phố hầu như vắng tanh của Sài Gòn, tại thời điểm mà thường ngày giao thông bắt đầu nhộn nhịp. Dù vậy, khi ấy không ai biết phải làm gì - liệu có đi làm hay không, liệu có thể mua thứ gì đó ở chợ không, và liệu có xăng dầu, hoặc những cuộc giao tranh mới nữa không.

Không chỉ có cuộc sống thường nhật của Sài Gòn bị đảo lộn. Vị trí của nó với tư cách thủ đô của Nam Việt Nam đã biến mất chỉ sau một đêm. Các binh sỹ, tướng lĩnh, chính trị gia và cả những viên chức đều đã biến mất. Tại thời điểm đó, họ đang đứng ngồi lố nhố trên boong của các tàu chiến trên Biển Đông, với những tấm chăn của hải quân Mỹ quàng trên vai.

Người Việt Nam đùa rằng quân giải phóng tiến Sài Gòn “mà không làm vỡ một cái đèn đường”. Điều đó không hề đúng, bởi thương vong là rất lớn với cả hai phía, nhưng giao tranh đã không nổ ra trong thành phố. Tại trung tâm, mối lo ngại lớn hơn chính là tình trạng cướp bóc và vô pháp luật.

“Phóng viên Stewart Dalby của tờ Financial Times và tôi đang đi dọc Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), một trong những phố chính của Sài Gòn, thì một người đàn ông trông hung dữ với áo cởi buộc ngang lưng quần bước tới. Ông ta để tay lên thắt lưng để ra hiệu có súng, và sau đó thoải mái nhấc chiếc máy ảnh đắt tiền ra khỏi cổ Dalby”, ông Woollacott nhớ lại. “Những vụ việc như vậy đủ để khiến hầu hết mọi người tin rằng bộ đội giải phóng tiếp quản hoàn toàn thành phố này sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Và vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, không còn người Mỹ nào tại tòa đại sứ trông như pháo đài trên đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), hoàn toàn trái ngược với cảnh sơ tán hỗn loạn một ngày trước đó, mà theo sau là cảnh cướp bóc.

Tại tòa thị chính lộng lẫy cũng không một bóng người. Không còn vị đại biểu nào tại nhà hát lớn kiểu Pháp, nơi quốc hội cũ từng nhóm họp. Và cũng không còn vị tổng thống nào tại dinh tổng thống. Nguyễn Văn Thiệu đã rời khỏi đất nước. Người kế nhiệm ông ta chỉ nắm nguyền một tuần trước khi bàn giao cho Dương Văn Minh.

Ông Minh đã nói với những sỹ quan đầu tiên của quân đội miền Bắc, những người vào dinh tổng thống rằng ông sẵn sàng bàn giao quyền lực. “Ông không thể bàn giao thứ mà ông không có”, các sỹ quan đáp lại trước khi dẫn giải ông ta đi. Ông Minh chỉ làm tổng thống có 2 ngày.

Một nhóm lính ngụy bị bộ đội Việt Nam áp giải trên đường ngày 30/4/1975 (Ảnh: AFP)
Giày và quân phục của binh sĩ chính quyền Sài Gòn bị bỏ lại trên đường (Ảnh: Internet)

Tại khắp các khu thảo cầm viên của thành phố, nơi người dân từng dạo bộ dịp cuối tuần với con cái, số tin đồn nhiều không kém số bước chân. “Người Pháp đang quay lại với 2 sư đoàn”, một người nói. “Người Mỹ sẽ sớm ném bom”, một người khác phao tin. “Sẽ có một chính phủ liên minh”, một người nữa nói.

Nhưng đến cuối những câu chuyện đó, tâm lý chung dường như là “chúng ta đều là người Việt Nam cả mà”, được nói ra với vẻ vừa như hy vọng, vừa như buông xuôi. Đó là suy nghĩ tự trấn an với nhiều người, nhưng không phải với các quan chức, hoặc những người có mối liên hệ với chính quyền cũ hoặc người Mỹ.

Họ sợ sự trả thù, hoặc ít nhất, bị chú ý do sự trung thành trước đây của mình. Một số người, theo chúng tôi, không đáng phải lo lắng đến vậy, nhưng bị cuốn theo sự điên loạn của thời khắc đó. Do vậy nhiều người tìm cách tháo chạy.

Các sỹ quan Mỹ chịu trách nhiệm điều phối việc di tản đã có những lựa chọn khó khăn. Để không làm suy yếu lực lượng bảo vệ miền Nam Việt Nam, họ phải hạn chế những đợt di tản sớm, nhưng cũng phải hứa hẹn ngày càng mạnh mẽ với những ai ở lại rằng “nếu mọi chuyện ổn cả” (chính quyền miền Nam Việt Nam còn tồn tại dưới một dạng nào đó), tất cả sẽ được đưa đi ở phút cuối.

Đó là lời hứa họ không thể giữ. “Tiếng la hét hoảng loạn trên điện đài của CIA vào ngày cuối vẫn còn giằng xé lương tâm tôi”, Frank Snepp, một trong những nhân viên của CIA tại Sài Gòn thuật lại nhiều năm sau chiến tranh.

Một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, từ nóc của Caravelle, một trong hai khách sạn hạng sang của thành phố, tôi và các phóng viên khác nhìn thấy một hàng người chờ đợi trong sự tuyệt vọng ngày một tăng tại một điểm sơ tán, và dần nhận ra rằng sẽ không còn chiếc trực thăng Mỹ nào quay lại.

Tại đại sứ quán Mỹ, sự tuyệt vọng là rõ hơn cả. Đám đông la hét ùa vào nơi này, van nài được vào trong, giữa lúc các binh sỹ kéo vào những ai có giấy giới thiệu phù hợp - một khuôn mặt phương Tây cũng có ích - còn đẩy ra những người còn lại.

Xe tăng của quân giải phóng tại sân dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh: AP)
Xe tăng của quân giải phóng tại sân dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh: AP)

Ngày hôm sau, những chiếc xe tăng tiến vào đầu tiên. Những nòng pháo dài vươn ra hướng về trung tâm thành phố và dinh tổng thống. Chiến tranh luôn đi kèm với lộn xộn, và một số xe bị lạc đường. Chúng tôi thấy một xe lùi lại và chuyển hướng. Bánh xe nó nghiến kèn kẹt và sau đó tiến về phía một bệnh viện cũ kiểu Pháp, rõ ràng không phải một mục tiêu quân sự. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, xe tăng đã đến cổng dinh tổng thống và chạy xuyên qua.

Những người lính mới, mà chúng tôi nhanh chóng học được cách gọi “bộ đội”, mặc bộ quân phục một màu xanh, hơi nhẹ nhàng và đội những chiếc mũ kiểu cũ. Trông họ thật nhẹ nhõm: chiến tranh đã qua, họ vẫn còn sống và đóng góp phần của mình vào một trang sử vĩ đại.

Vài ngày sau, một cuộc duyệt binh diễn ra và sau đó nhiều người rời Sài Gòn. Những người ở lại đều lịch thiệp và có chút gì miễn cưỡng. Họ xem những người nước ngoài da trắng đều là người Nga. Một số thì bất ngờ bởi sự phồn thịnh của Sài Gòn, hoặc thích thú với những chiếc đồng hồ, chỉ được phát cho các sỹ quan cấp tá trở lên, đặc biệt những chiếc có thể hiện ngày. Họ gọi những chiếc đó là “đồng hồ có cửa sổ”.

Nếu đi thành cặp, họ thường nắm tay nhau, một cử chỉ cảm động gây tò mò. Nhưng họ rõ ràng được huấn luyện bài bản đáng ngưỡng mộ. Khi một vài kẻ ngoan cố nổ súng về phía bộ đội miền Bắc gần công viên nằm giữa dinh tổng thống và nhà thờ lớn, các phóng viên ngay lập tức được thấy một màn dàn đội hình như múa ba lê.

Những binh sỹ đang nằm và hút thuốc chỉ một phút trước đó đột ngột nằm sấp xuống và bắn trả đầy khôn ngoan, trong khi các nhóm bên cánh áp sát những kẻ tấn công. Đó là lời nhắc nhở rằng thời chiến tranh giữa lực lượng du kích được trang bị thô sơ đối đầu với lực lượng quân chính quy đông đảo đã qua.

Các binh sỹ miền Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn với tất cả những gì một đội quân hiện đại muốn có. Họ có nhiều vũ khí và pháo binh - tất cả mọi thứ trừ không quân. Nhưng đến thời điểm đó những người Nam Việt Nam cũng hầu như chẳng còn sức mạnh không quân nào.

Thanh Tùng
Theo Guardian