1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rút hết tàu sân bay, Mỹ có chiến lược quân sự mới?

Việc lần đầu tiên Mỹ rút toàn bộ tàu sân bay về nước có thể được nhận diện là sự chuẩn bị cho một chiến lược quân sự mới của Washington...

Hãng tin Fox News ngày 30/12/2016 đưa tin Mỹ sẽ rút toàn bộ tàu sân bay của Mỹ về nước, đây là một sự kiện đặc biệt trong lịch sử quân sự Mỹ thời hậu Thế chiến II.

Hải quân Mỹ từ lâu đã được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ và kể từ Thế chiến II đến nay chưa khi nào Mỹ không có ít nhất một tàu sân bay neo đậu tại một khu vực nóng nào đó trên thế giới.

Vậy mà hiện nay dù khu vực Trung Đông nóng bỏng như vậy nhưng cũng không có hàng không mẫu hạm Mỹ túc trực.

Việc cắt giảm ngân sách được giới phân tích lý giải cho quyết định của Washington, bởi chỉ vì ngân sách cho Hải quân Mỹ bị cắt giảm mà khiến tàu sân bay mang tên George H.W. Bush phải nằm trong nhà máy đóng tàu với thời gian dài hơn dự kiến.

Tàu sân bay - biểu hiện sức mạnh của quân lực Hoa Kỳ đang bẻ lái
Tàu sân bay - biểu hiện sức mạnh của quân lực Hoa Kỳ đang bẻ lái

Tuy nhiên, lý giải đó xem chừng không có sức thuyết phục đối với các chuyên gia. Bởi lẽ chính ông Newt Gingrich, một chính trị gia nổi tiếng tại Mỹ đã nhận định: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt không phải là tiền. Thách thức lớn nhất chúng ta phải đối mặt là suy nghĩ. Đây là vấn đề của tư duy chiến lược”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Lực lượng Hải quân Mỹ Terry Shannon thì cho biết : "Chúng tôi không thể trả lời về thời gian hoạt động của các cụm tàu ​​sân bay của Hoa Kỳ vào và ra khỏi khu vực Trung Đông, đây là trách nhiệm của Bộ tư lệnh Trung ương Mỹ”.

Phải chăng việc rút toàn bộ tàu sân bay về nước là bước chuẩn bị cho một chiến lược quân sự mới của Washington?

Lầu Năm Góc hạn chế chia rẽ với Nhà Trắng khi tân Tổng thống Trump nắm quyền lực

Dưới chính quyền Tổng thống Obama, đã có sự chia rẽ giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về chiến lược cũng như sách lược quân sự của Washington. Sự kiện gần đây nhất thể hiện sự mâu thuẫn giữa chính quyền và giới quân sự là việc Nhà Trắng yêu cầu lãnh đạo quân đội Mỹ không nhận định Mỹ và Trung Quốc có cạnh tranh giữa các nước lớn về quân sự.

Sự kiện đó được báo Navy Times của Mỹ ngày 26/9 tiết lộ đã đặt ra nhiều hoài nghi về sự mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Giới phân tích đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt trong nhận diện vấn đề và đánh giá tình hình giữa chính quyền và giới quân sự như vậy? Do giới quân sự nhận định không chuẩn xác hay chính quyền né tránh sự việc?

Diễn biến thực tế về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc là phù hợp với đánh giá của Lầu Năm Góc về một thế lực lớn đang trỗi dậy.

Từ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Tư lệnh Hải quân John Richardson, Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford, đều khẳng định tồn tại cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vậy nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) lại chỉ thị cho các tướng lĩnh không phát biểu công khai về quan điểm này. Theo giới phân tích thì điều đó có thể được lý giải bởi hai nguyên nhân là Nhà Trắng muốn đảm bảo cho chiến thắng của ứng viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống và giảm thiểu rào cản từ Bắc Kinh cho việc xoay trục của Washington.

Tuy nhiên, đến nay ứng viên Hillary Clinton thì đã thất bại, còn chiến lược xoay trục của Mỹ từ Đai Tây Dương và Địa Trung Hải về Châu Á – Thái Bình Dương thì chắc chắn phải có những điều chỉnh rất lớn dưới thời chính quyền tân Tổng thống Donald Trump.

Thực tế này khiến Lầu Năm Góc phải có những quyết định tiền trạm với chính sách quân sự mới của ông Trump.

Quân đội Mỹ cải tổ cho phù hợp với quan điểm mới của ông Trump

Theo ông Newt Gingrich thì ngày 8/11/2016 đã đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng cho nước Mỹ, đó chính là việc ông Donald Trump – người chưa bao giờ giữ một chức vụ trong bộ máy công quyền hay trong quân đội – được người dân Mỹ lựa chọn làm tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đây là điều chưa từng diễn ra trong lịch sử đời sống chính trị Mỹ.

Ông Gingrich nhắc lại rằng, cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã từng nói: "Chiến tranh là chính trị nhuộm bằng máu, còn chính trị là chiến tranh mà không có đổ máu", dường như ông Trump đang nghiên cứu và sẽ có những thay đổi trong chiến lược quân sự cho nước Mỹ để có thể có “chiến tranh không phải đổ máu”.

“Và ông ấy có thể bắt đầu ý tưởng đó bằng việc thay đổi từ Lầu Năm Góc, từ đó tạo ra một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất về các vấn đề quân sự cho nước Mỹ… Lầu Năm Góc được xây dựng vào năm 1943 phục vụ cho 31.000 người làm việc với các phương tiện thủ công, song với công nghệ kỹ thuật cao thì Lầu Năm Góc có thể chỉ cần Lầu Ba Góc là phù hợp”, Fox News dẫn lời ông Gingrich.

Như vậy, việc tỷ phú Trump được bầu làm tổng thống Mỹ đã báo hiệu một sự thay đổi lớn về chiến lược quân sự của Washington, song vấn đề tiết kiệm tiền bạc không phải là yếu tố quyết định mà tính hiệu quả và hạn chế tối đa việc đổ máu trong các cuộc chiến tranh sẽ là nền tảng cho chiến lược ấy.

Có thể thấy rằng, những hàng không mẫu hạm, những chiến hạm dù là thể hiện niểm kiêu hãnh của quân lực Hoa Kỳ nhưng niềm kiêu hãnh đó lại không phù hợp với tư duy của tân Tổng thống Trump về tính hiệu quả, do vậy tự Lầu Năm Góc phải có những thay đổi cho phù hợp, nếu không muốn gặp bất lợi khi ông Trump vào Nhà Trắng.

Tân Tổng thống Trump có thể xây dựng chiến lược quân sự cho nước Mỹ theo phương cách mới
Tân Tổng thống Trump có thể xây dựng chiến lược quân sự cho nước Mỹ theo phương cách mới

Washington muốn đồng minh chia sẻ trách nhiệm

Việc Hải quân Mỹ là niềm kiêu hãnh của quân lực Mỹ luôn gắn liền với trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” của Washington đối với các đồng minh.

Điều đó gần như trở thành mặc định khiến sức nặng trách nhiệm đè lên những hàng không mẫu hạm, những chiến hạm của Mỹ ngày càng lớn hơn, song lợi ích của nước Mỹ có được từ trách nhiệm ấy dường như không tương xứng.

Do đó, có thể nhận diện Washington ngày càng muốn chia sẻ việc gánh vác trách nhiệm với các đồng minh, nhất là các thành viên có tiềm lực quân sự mạnh trong NATO.

Việc Washington cho rút toàn bộ tàu sân bay về nước khiến Trung Đông nóng bỏng “thiếu vắng niềm kiêu hãnh” của quân lực Hoa Kỳ, đặt ra yêu cầu với các đồng minh phải xuất hiện tại khu vực này.

Và “đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay của Mỹ vắng bóng tại khu vực Trung Đông. Mùa thu năm 2015, Hải quân Hoa Kỳ đã yêu cầu một tàu sân bay của Pháp lấp khoảng trống tại đây khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được rút về Mỹ”, theo tường thuật của Fox News.

Do đó, việc lần đầu tiên Mỹ cho rút toàn bộ tàu sân bay ở tất cả các khu vực trên thế giới về nước có thể được nhận diện là sự chuẩn bị cho một chiến lược quân sự mới của Washington.

Một “tổng thống doanh nhân” lãnh đạo nước Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt trong phương cách hoạch định chiến lược, vì vậy Lầu Năm Góc cần phải có những đổi thay phù hợp.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt