1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc:

Ruồi nhỏ, hổ lớn đều khó lọt lưới

(Dân trí) - Thực tế Trung Quốc cho thấy ít có lãnh đạo nào thực hiện lời hứa chống tham nhũng triệt để như ông Tập Cận Bình. Vậy nhưng con số quan chức bị điều tra tham nhũng quá lớn cũng làm dấy lên những câu hỏi.

Ruồi nhỏ, hổ lớn đều khó lọt lưới - 1

Từ khi ông Tập Cận Bình cầm quyền đã có 100.000 quan chức bị điều tra. (Ảnh: liberation.fr)

Theo báo Le Monde ngày 29-12, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm đã có khoảng 100.000 quan chức lớn nhỏ hầu như ở khắp mọi cấp bị điều tra tham nhũng.

Hai trường hợp vừa được đưa tin trong tháng 12/2015 lại khiến dư luận xôn xao là: ông Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), Giám đốc Tập đoàn Phục Tinh (Fosun), và ông Thường Tiểu Bình (Chang Xiaobing), Chủ tịch Tập đoàn viễn thông Nhà nước China Telecom, bị bắt tạm giam vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - cụm từ thường được dùng để nói về tội tham nhũng của quan chức Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp, cổ phiếu của công ty do hai ông đứng đầu đã giảm từ 3% đến 7% trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Nhưng dường như vấn đề chứng khoán không phải là mối quan tâm của Bắc Kinh.

Vụ tạm giam ông Thường Tiểu Bình xảy ra đúng vào lúc Tập đoàn viễn thông China Telecom họp cuối năm để thông báo kết quả doanh thu thường niên của tập đoàn này là 45 tỷ euro. Ông Thường Tiểu Bình mới chỉ giữ chức chủ tịch tập đoàn cách đây ba tháng, sau 10 năm lãnh đạo một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là China Unicom.

Xem ra Bắc Kinh đang muốn chấn chỉnh lại ngành này, để tập hợp các công ty viễn thông lớn nhỏ lại thành một cơ cấu mang tên China Tower.

Từ ruồi nhỏ tới hổ lớn

Theo Le Monde, cách thức chống tham nhũng của Bắc Kinh lâu nay không có gì mới, chỉ khác về quy mô và cường độ. Sau khi "dọn sạch" guồng máy chính quyền cũng như quân đội, ông Tập Cận Bình dần chuyển chiến dịch "bàn tay sạch" sang các doanh nghiệp nhà nước, viễn thông, hàng không và tài chính. Khiến không chỉ giới chức các chính quyền địa phương, mà cả các giám đốc tập đoàn lớn đều lo sợ.

Hồi đầu tháng 10/2015, ông Tô Thụ Lâm (Su Shulin), cựu lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Nhà nước Sinopec bị bắt giữ. Một tuần sau, đến lượt ông Trương Khiết Mẫn (Jiang Jiemin) từng điều hành PetroChina bị kết án 16 năm tù giam. Đến tháng 11/2015, ông Tư Hiến Dân (Si Xian Min), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hàng không Phương Nam China Southern Airlines cũng bị điều tra về tội tham nhũng.

Ruồi nhỏ, hổ lớn đều khó lọt lưới - 2

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc: nhiều tỷ phú bị xét xử để làm gương. (Nguồn: Francetv.info)

Các nhân vật này có một điểm chung đó là tất cả đều từng thân cận với ông Chu Vĩnh Khang - nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương (2007-2012). Với chức vụ này, ông Chu Vĩnh Khang từng giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc.

Theo Le Monde, dù là trên danh nghĩa gì đi chăng nữa, nhân danh chống tham nhũng hay là chấn chỉnh cơ cấu các tập đoàn nhà nước, cả hai lĩnh vực này đều đưa đến cùng một kết quả là ông Tập Cận Bình đã đạt mục tiêu được cho là "loại trừ các phe nhóm" có thể "gây nhiễu" với chính quyền trung ương hiện thời (!?)

Điều đó có thể giải thích vì sao trong một thời gian chưa đầy 3 năm, số quan chức bị điều tra lại lên tới cả trăm ngàn, từ ruồi nhỏ tới hổ lớn đều không thể "lọt lưới"!

Quý Cao (theo Le Monde)