1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Rồng" Trung Hoa đấu "Samurai" Nhật Bản: Ai thắng? (1)

Cuộc chiến Senkaku/Điếu Ngư nếu nổ ra đối với Nhật không đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ, mà là chiến tranh giành vị thế địa chính trị trên toàn thế giới. Với Trung Quốc, ý nghĩa của cuộc chiến có khi còn hơn thế.

Đế chế mặt trời: Quá khứ và ước vọng

Những đảo trong vùng tranh chấp đã thuộc quyền quản lý của đế quốc Nhật Bản từ trước đại chiến thế giới lần thứ I. Sau khi bại trận trong đại chiến thế giới lần thứ II, Tokyo đã mất hầu hết những vùng lãnh thổ mà đế quốc Nhật Bản chiếm được vào tay quân đội Mỹ, vào những năm 1970-x nước Mỹ đã trao trả lại cho Nhật Bản đảo Okinawa cùng với quần đảo Senkaku.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tâm điểm căng thẳng Trung - Nhật thời gian gần đây.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tâm điểm căng thẳng Trung - Nhật thời gian gần đây.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Giáo sư Đại học Takushoku (Tokyo) Basil Molodyakov cũng có nhận xét Chính phủ Nhật Bản mua lại những hòn đảo đó từ tay các tư nhân không đơn thuần chỉ về tình thần dân tộc, mà còn là những lợi ích kinh tế của thềm lục địa quanh đảo. Một chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Viktor Pavlyatenko cũng cho rằng: Tiềm năng kinh tế của khu vực quần đảo Senkaku hiện chưa được đánh giá hết. Phần thềm lục địa gắn liền với nó, có thể, có những mỏ khí gas và dầu thô. Từ đó có thể nhận thấy rằng, quần đảo Senkaku cũng có những giá trị kinh tế nhất định.

Trên vị thế địa chính trị, những năm vừa qua Nhật Bản đóng vai trò của một cường quốc kinh tế, mở rộng đầu tư ra các châu lục, chiếm lĩnh và mang lại sự nổi tiếng cho những sản phẩm mang bản sắc của người Nhật. Nhưng Nhật Bản vẫn là một nước mạnh về sản xuất và chế tạo, tiếng nói và vị thế của Nhật Bản trong khu vực đơn thuần chỉ nẳm ở khả năng đầu tư sản xuất và phát triển thương mại. Một vị thế mạnh mẽ có ảnh hưởng đến tình hình chính trị trên thế giới và trong khu vực là thứ Nhật Bản khao khát vẫn chưa đạt được và đương nhiên do đó quyền lợi to lớn vẫn nằm ngoài tầm tay. Nhật Bản sẽ khó mà bảo vệ được lợi ích của mình ở ngoài lãnh thổ nếu thực tế tham gia khai thác tài nguyên khoáng sản trên thềm lục địa nước ngoài, cùng gánh vác những khoản đầu tư lớn vào các nước chậm phát triển hoặc hợp tác trong các lính vực quốc phòng – an ninh.

Sự kiện Senkaku đã đưa đến cho Nhật Bản một điều kiện tối ưu cho sự phát triển của mình, giấc mơ Đại động Á trước đây sẽ quay trở lại với những thị trường rộng lớn nhất mà Nhật Bản có thể phát triển được trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, vũ khí trang bị quốc phòng, truyền thông viễn thám…những lĩnh vực nhạy cảm về địa chính trị mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang làm mưa làm gió, còn Nhật Bản vẫn đứng vị trí nhà thầu thứ cấp.

Muốn làm được như vậy, Nhật Bản cần có sức mạnh. Về vấn đề công nghệ và năng lực sản xuất, Nhật Bản vượt xa cả Trung Quốc. Nhân công đã có các nước chậm phát triển, kinh tế tài chính Nhật Bản đứng hàng thứ 3. Nhưng sức mạnh quân sự - khả năng giải quyết các vấn đề địa chính trị vẫn bị hạn chế bởi Hiến Pháp. Nhật Bản cần nâng cao sức mạnh quân sự, cần có khả năng cân bằng lực lượng với Trung Quốc, ít nhất là trên phương diện vũ khí thông thường. Và đây là điều kiện tối ưu nhất mà Nhật Bản phải có được.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tâm điểm căng thẳng Trung - Nhật thời gian gần đây.

Tàu hải giám Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển khu vực Senkaku do Nhật quản lý khiến Nhật phải gồng mình đối phó (ảnh: Tàu tuần duyên Nhật tuần tra tại vùng biển tranh chấp).

Cuộc chiến Senkaku/Điếu Ngư (nếu có thể xảy ra) đối với Nhật Bản không đơn thuần là cuộc tranh chấp lãnh thổ, đây có thể là cuộc chiến dành vị thế địa chính trị trên toàn thế giới. Cuộc chiến Senkaku là chìa khóa để mở ra cánh cửa đến với quá khứ - tương lai. Một cường quốc Biển hùng mạnh với tiềm lực kinh tế quân sự ngang tầm thế giới. Tương tự như tham vọng của Trung Quốc, Nhật Bản sẽ quay lại với khối Đại Đông Á của đế chế mặt trời.

Con rồng trong vũng nước nhỏ

Trong giai đoạn trước năm 1979, Trung Quốc là cường quốc thứ 2 trong hệ thống các nước XHCN và rất tích cực tham gia vào những hoạt động quốc tế, giúp đỡ các nước trong hệ thống thuộc địa của các cường quốc phương Tây trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc. Nhưng trong những hoạt động mang tính quốc tế vô sản, chủ nghĩa dân tộc đại lục vẫn ẩn khuất trong những chính sách khác nhau – Trung Quốc vẫn lồng ghép tham vọng trở thành một cường quốc hùng mạnh, có khả năng dẫn dắt các nước nhỏ hơn về dân số và tiềm lực kinh tế đi theo chính sách đối ngoại của riêng mình.

Năm 1979 đánh dấu một thảm họa trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc với xung đột biên giới với Việt Nam. Người Trung Quốc nhanh chóng hiểu ra rằng, họ không thế có vị thế cường quốc ở châu Á nếu không có một nền kinh tế hùng mạnh và sức mạnh quân sự. Những cuộc xung đột biên giới và chiến tranh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không đem lại cho Trung Quốc những lợi ích cần thiết. Trung Quốc đã nhìn thấy sức mạnh của Mỹ bắt nguồn từ đại dương và con rồng đại lục tỉnh ngộ một điều. Muốn trở thành một quốc gia hùng mạnh, chi phối được thế giới, Trung Quốc cần có một lực lượng quân sự rất mạnh, ngang tầm sức mạnh quân sự của hai siêu cường Mỹ - Nga, và sức mạnh quân sự đó đòi hỏi một tiềm lực kinh tế khổng lồ.

Theo kinh nghiệm phát triển kinh tế Nhật Bản, người Trung Quốc hướng đến một nền công nghiệp toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ, với sức sản xuất của hàng trăm triệu người, Trung Quốc đã mở rộng các thị trường tiêu thụ sản phẩm ra toàn cầu bằng tất cả những phương pháp kinh doanh cả đen lẫn trắng. Và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như năng lực sản xuất và giá thành sản phẩm của Trung Quốc đạt ở mức đáng kinh ngạc. Đến năm 2010 Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, tính cả năm 2010, tổng GDP của Trung Quốc đạt 5,88 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2011. Đến tháng 1/2013 theo thống kê, Trung Quốc đạt tổng GDP là 8,39 nghìn tỷ USD. Mức độ tăng trưởng trong năm 2012 là 7,8%.

Để đạt được mức tăng trưởng đó, ngoài những vấn đề khác, một vấn đề vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, đó là nhiên liệu, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu khoảng 5.6 triệu thùng, chiếm 40% lượng dầu tiêu thụ trong nước. Và dầu thô đã trở thành sự sống còn của nền kinh tế Trung Quốc.

Năm 2009, Trung Quốc nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước, đã công khai trước thế giới một tầm vóc khổng lồ về quân sự của một siêu cường với 52 chủng loại vũ khí hiện đại, 90% trong số đó chưa hề xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với những phương tiện chiến tranh mới, số lượng vô cùng lớn và một lực lượng thường trực chiến đấu khổng lồ, Trung Quốc dường như cho rằng đã đến lúc không cần phải ẩn mình, thực hiện chính sách đối ngoại của một siêu cường.

 
Trung Quốc khoe dàn tên lửa DF-31 trong lễ diễu binh ở Thiên An Môn.

Trung Quốc khoe dàn tên lửa DF-31 trong lễ diễu binh ở Thiên An Môn.
Hiểu rất rõ vấn đề: Vũ khí hạt nhân trên thực tế chỉ là công cụ kiềm chế lẫn nhau, tương tự như giấc mơ Mỹ, giấc mơ Trung Hoa phải được thực hiện trên sóng nước đại dương bằng những hạm tàu. Chính sách kinh tế - địa chính trị của Trung Quốc nhằm vào mục đích vươn tới biển lớn, chia sẻ quyền lực với Mỹ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, nơi con đường huyết mạch vận tải thương mại của Trung Quốc, đến những vùng đất châu Phi màu mỡ mà Trung Quốc muốn dừng chân cắm trại, đến những thềm lục địa của khu vực Biển Đông mà theo tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ m3 và biển Hoa Đông có tới 160 tỷ thùng dầu.

Thực hiện giấc mơ thống trị Biển Đông, quản lý Hoa Đông và khai thác tài nguyên biển phục vụ cho sự phát triển của hơn 1.36 tỷ người. Trung Quốc với chiến lược phòng thủ ngoài khơi xa, dự kiến sẽ hất lực lượng Hải quân Mỹ, đồng thời là ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Hoa Đông, Biển Đông đến tận Guam. Chiến lược phòng thủ từ xa đặt ra mới 3 mục đích rõ ràng:

1- Giải quyết vấn đề thu phục Đài Loan theo nguyên tắc cũ đã áp dụng với Hongkong và Macao: Một nước 2 chế độ, bất chiến tự nhiên thành.

2- Xây dựng hệ thống vành đai phòng ngự tính từ bờ biển Trung Quốc ra đến 1000 hải lý, tuyến phùng ngự thứ nhất tính từ đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản đến sát Indonesia nhằm quản lý toàn bộ Biển Đông, tuyến phòng ngự cuối cùng là vành đai chớm đến đảo Guam của Mỹ. Từ đó có thể chia xẻ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà Mỹ đang coi như sân nhà.

3- Thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn đối với các nước trong vùng nước Biển Đông, đẩy lui ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ ra khỏi vùng biển này, từ đó có thể quản lý và tác động trực tiếp vào chính sách của khối ASEAN.

Những mục tiêu chiến lược có thể đạt được của Trung Quốc sẽ là một cơ hội lớn cho con rồng khổng lồ đại lục vùng vẫy ở biển khơi. Khối ASEAN với 4,46 triệu km², là 3% tổng diện tích đất của trái đất, dân số khoảng 600 triệu người, 8,8% dân số thế giới sẽ là thị trường tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm cả vũ khí trang bị quốc phòng, chỉ riêng hợp tác khai thác dầu và khí đốt trên vùng biển Đông, Trung Quốc có thể đảm bảo đến 85% nhu cầu tiêu thụ của mình. Với sức mạnh khổng lồ như vậy, Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua Nhật Bản, Ấn Độ, tạo thành sức ép nặng nề buộc Nga phải chia sẻ hoặc làm ngơ trước những tham vọng của Trung Quốc đối với các nước thuộc Liên Xô (cũ).

Không phải là một nước có uy lực mạnh mẽ như Mỹ, vốn là quốc gia đã chiến thắng trên biển Thái Bình Dương trong đại chiến thế giới lần thứ II, cùng không phải là cường quốc quân sự như Nga, từng thi hành hàng loạt những chính sách đối ngoại gây tranh cãi trong suốt giai đoạn từ 1950 đến 1980. Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lôi kéo các nước đi theo con đường phát triển kinh tế - đối ngoại chính trị của mình. Sự phát triển nóng của nền kinh tế giá rẻ, những nỗ lực sao chép công nghệ và phát triển công nghiệp đã khiến tình hình kinh tế chính trị trong nước gặp nhiều vấn đề phức tạp: Tham nhũng, hố sâu ngăn cách giàu nghèo, xung đột quyền lực và bất đồng chính kiến, cùng với những vấn đề phức tạp nảy sinh trong công nghệ, tốc độ sản xuất và chất lượng sản phẩm, giá thành, môi trường bị tàn phá nặng nề … là những vấn đề rất nan giải, tạo thành những đợt sóng ngầm chống phá. Để duy trì tình hình ổn định trong nước, Trung Quốc bắt buộc phải có đối sách chuyển sức ép ra bên ngoài nhằm định hướng dư luận và thực hiện định hướng chiến lược đề ra.

Tỏ ra nóng vội, bỏ qua chính sách 'thao quang dưỡng hối' của Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh đã lựa chọn một chính sách – chuyển từ tranh chấp đàm phán sang tranh chấp thực tế, kết hợp sức mạnh cứng (vũ khí trang bị) với sức mạnh “mềm” – áp lực từ trừng phạt kinh tế, gây bất ổn chính trị khu vực và thực hiện chiến thuật dành ưu thế theo cách truyền thống: Trường kỳ - Lực lượng vượt trội (biển người).

Nổi sóng Biển Đông – Hoa Đông
Chiến lược Biển Đông và Biển Hoa Đông là một thành phần quan trọng trong chiến lược đại dương nói chung của Trung Quốc bao hàm những nội dung:

1- Đẩy lùi sự hiển diện của Mỹ trên khu vực đã nêu, đồng thời cũng đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Hiệp hội ASEAN. Tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc lôi kéo Đài Loan vào vòng ảnh hưởng (đã từng có những thảo luận về việc quân đội Trung Quốc và Đài Loan hợp nhất để giải quyết vấn đề Biển Đông).

2- Biến từ không thành có, từ những văn bản, bản đồ được sinh ra ở Bắc Kinh, bằng thủ pháp tuyên truyền kiểu 'cả vú lấp miệng em' với các áp lực về kinh tế, chính trị. Từng bước biến nhưng tài liệu không có thực thành truyền bá rộng rãi và được coi như đã mặc nhiên công nhận. “Lập trường của chúng tôi đối với các biển Hoa Đông Trung Hoa và Biển Đông là chúng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đó là lập trường rất rõ ràng”. Trung tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc tuyên bố tại diễn đàn Shangri-La vừa qua.

3- Sử dụng ngoại giao pháo hạm trên biển Đông, Hoa Đông với mục đích ban đầu là gây xung đột ở mức va chạm với các lực lượng quân sự các nước có tranh chấp. Gây căng thẳng thường xuyên nhằm phá hoại các hoạt động kinh tế, gây bức xúc và phức tạp trong nội bộ chính trị của các nước. Song hành cùng với hoạt động gây xung đột thường xuyên trên biển và thị uy lực lượng, đe dọa sử dụng vũ lực và sẵn sàng sử dụng vũ lực trong điều kiện có thể nhằm thực tế hóa sự hiện diện lực lượng quân sự cũng như các ngành khác như ngư nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên biển như một minh chứng cho “chủ quyền không tranh cãi” “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc như thường tuyên bố.

 

Trung Quốc khoe dàn tên lửa DF-31 trong lễ diễu binh ở Thiên An Môn.

Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao pháo hạm, gây căng thẳng trển biển với hầu khắp các nước láng giềng.

4- Ngoại giao song phương nước lớn; bằng áp lực quân sự, các thủ đoạn cấm vận hoặc phá hoại kinh tế (đơn phương cấm đánh bắt – thăm dò tài nguyên….) những biện pháp can thiệp nội bộ, vận động hành lang nhằm tìm kiếm một sự thỏa hiệp ngầm minh chứng cho sự hiển diện – đồng nghĩa với công nhận “chủ quyền” song hành cùng những điều kiện kinh tế, mà kết quả của nó sẽ là bàn đạp cho các hành động xâm lăng tiếp theo.

5- Sẵn sàng sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo hoặc quần đảo trong điều kiện có lợi nhất, thời gian nhanh nhất (một trong những hành vi thường thấy) và tăng cường tranh cãi, chống lại Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tạo ra một sự đã rồi để thôn tính vùng thềm lục địa.

Kịch bản chiến tranh Trung -Nhật


Thực hiện chiến lược Hoa Đông – Biển Đông trong tình hình quốc tế hiện nay đang trở thành một vấn đề nan giải đối với Trung Quốc trong sự hiện diện ngày một tăng của quân đội Mỹ trong khu vực.

Rõ ràng, muốn hạ uy tín của Mỹ trên biển Hoa Đông và biển Đông, Trung Quốc cần có một chiến dịch hiệu quả. Mục tiêu của cuộc công kích này có thể là Senkaku, nhằm hạ uy thế của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, nâng cao vị thế hải quân Trung Quốc và gây sóng gió tiếp tục trên Thái Bình Dương.

Máy bay tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc. 

Máy bay tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc. 


Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc đã không ít lần lựa chọn thời điểm bất khả kháng của một quốc gia để xâm chiếm những gì không phải của họ. Là bậc thầy cơ hội, Trung quốc có thể vẫn tiếp tục vây ép Senkaku bằng lực lượng ngư dân, chiến hạm và các tàu ngư chính, hải giám dày đặc. Tiến hành các hoạt động khiêu khích căng thẳng để duy trì tình trạng kích động và định hướng dư luận theo chiều đối nghịch.

Khi thời cơ thuận lợi tới (sẽ rất khó định nghĩa “thời cơ thuận lợi”) PLA có thể lợi dụng cơ hội để đưa một lượng ngư dân lớn đến vùng nước Senkaku (hàng vài nghìn tàu cá), có thể tổ chức một lực lượng ngư dân đổ bộ lên đảo – phương pháp truyền thống – và gây xung đột với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Máy bay tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc. 

  Tàu cá được Trung Quốc sử dụng như lực lượng tiền trạm, vòng trong của chiến thuật 'cải bắp' gồm tàu cá, vòng ngoài là hải giám và ngư chính, ngoài cùng là chiến hạm sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần.

Để có thể tạo điều kiện cho phương pháp “dạy cho một bài học”, PLA sẽ chuẩn bị lực lượng tương đối mạnh để sẵn sàng công kích khi tình huống xảy đến. Lực lượng tham chiến trong chiến dịch công kích này có thể sẽ là: Lực lượng chiến hạm bao gồm từ 3 – 5 tàu khu trục trong đó có ít nhất là một tàu khu trục tên lửa phòng không trang bị tên lửa HQ-9, 10 – 16 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu đổ bộ hạng nhẹ mang máy bay trực thăng với khoảng 2 - 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ.

Không quân hải quân tham chiến có thể sẽ là một liên đoàn không quân tiêm kích từ 40 – 50 máy bay chiến đấu hiện đại J-10 và Su–27 có sân bay bên bờ biển. Tham gia chiến dịch có thể sẽ có thêm 2 - 3 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm. Các đơn vị tên lửa thuộc Lực lượng pháo binh tên lửa số 2 và các đơn vị không quân tiêm kích sẽ được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc trong vùng nước Senkaku/Điếu Ngư. 

Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc trong vùng nước Senkaku/Điếu Ngư. 

Kịch bản của chiến dịch cũng sẽ khá truyền thống: “Chiến tranh nhân dân trên biển” hay còn gọi là “Cuộc chiến ngư dân” (ở đây có thể có nhiều nghĩa để hiểu từ “ngư dân”). Các ngư thuyền sẽ đánh bắt cá hòa bình trên vùng nước thuộc “chủ quyền” thì bị các tàu tuần duyên biển của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xua đuổi. Số lượng tàu cá và các “ngư dân” sẽ tăng nhanh tạo ra xung đột với lực lượng duyên phòng Nhật Bản, có thể dẫn đến tổn thất các tàu cá và “sự giận dữ” của ngư dân sẽ tấn công các tàu tuần duyên Nhật Bản bằng các vũ khí có trong tay.

Sự kiện sẽ loang ra rất nhanh nhờ có sự có mặt của các tàu hải giám và bùng phát khi một số ngư dân Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku. Trước tình hình leo thang nhanh chóng, lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ điều động một số lượng chiến hạm lớp tuần biển và tàu hộ vệ xuất kích nhằm ngăn chặn tình trạng leo thang xung đột, đồng thời các máy bay F-15 và F–2 của Nhật cũng xuất kích.

 
Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc trong vùng nước Senkaku/Điếu Ngư. 

Do khoảng cách địa lý tương đương nhau, phi đoàn không quân chiến thuật của PLA cũng đồng thời xuất kích cùng với lực lượng hải quân công kích chủ lực tiếp cận khu vực đảo Senkaku. Cuộc xung đột dân sự sẽ nhanh chóng biến thành xung đột vũ trang với những tổn thất cho cả hai bên, lực lượng đổ bộ đường biển của lính thủy đánh bộ Trung quốc sẽ đổ bộ lên đảo dưới sự yểm trợ của tên lửa phòng không hải quân, máy bay tiêm kích và cố thủ giữ đảo nhằm bảo vệ “ngư dân và ngư trường…”.

Quân đội Trung Quốc thực hành diễn tập đánh chiếm đảo. 

Quân đội Trung Quốc thực hành diễn tập đánh chiếm đảo. 

Kịch bản của chiến dịch này sẽ diễn ra trong thời gian vài giờ và chấm dứt nhanh chóng sau khi Trung quốc sẽ đưa toàn bộ lực lượng pháo binh - tên lửa chiến lược số 2 vào trạng thái sẵn sàng phóng tên lửa về hướng Tokyo nhằm “dạy cho một bài học và kiên quyết bảo vệ chủ quyền”. Đồng thời các tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc cũng sẵn sàng phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu đã được định trước. Các hạm đội Trung Quốc sẽ tập trung tại các vùng nước thuận lợi trên biển Hoa Đông.

Cuộc xung đột vũ trang sẽ được tiếp tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, quanh quần đảo Senkaku tập hợp một lực lượng lớn hải quân xung kích của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hành động phản kích của Nhật Bản. Các sự kiện bùng phát nhanh chóng được Liên Hợp quốc kêu gọi kiềm chế và giải quyết những xung đột vũ trang bằng biện pháp hòa bình. Mỹ buộc phải tăng cường lực lượng quân sự trên đảo Okinawa. Nhật Bản cũng có những giải pháp nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và tuyên bố sẽ tiến hành chiến tranh đoạt lại quần đảo. Nhưng tình huống “đã rồi” trên đảo Senkaku có thể được coi là đạt được mục đích chiến lược với Trung Quốc…. và tranh chấp có thể tiếp tục kéo dài.

Nếu kịch bản đã nêu xảy ra, Trung Quốc bằng một kịch bản biến thể nào đó đổ bộ được lực lượng lên Senkaku dù có tổn thất lớn. Điều đó phải trả giá rất đắt nhưng có thể sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lớn trong nội bộ Trung Quốc và trên trường quốc tế. Dù bị thế giới lên án, chỉ trích…nhưng hải quân Trung Quốc lấy được sự tự tin và sẽ tăng cường sức mạnh lên chuỗi hơn 130 hòn đảo trên biển Đông đến Malaca, tạo áp lực chiếm bãi cạn Scarborough, tự tin quản lý và kiểm soát con đường vận tải thương mại dọc biển Đông và gây sức ép nặng nề với Hải quân Mỹ.

Kinh tế các nước ven biển sẽ suy sụp thảm hại. Đầu tư quốc phòng Trung Quốc tăng đột biến cùng với sự ủng hộ của Pakistan và Iran. Châu Phi cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với sức mạnh mới. Khối ASEAN sẽ rơi vào tình trạng phân hóa cục bộ. Người Mỹ buộc phải tăng cường lực lượng tới Hàn Quốc, Australia, Okinawa và sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên biển mới.

(còn tiếp)


Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm