1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rời điện Elysee, Sarkozy thất nghiệp cùng tương lai mờ mịt

(Dân trí) - Ông Nicolas Sarkozy đã rời điện Elysee tráng lệ vào ngày hôm qua, chính thức bị thất nghiệp và đối mặt với tương lai khá mờ mịt sau 5 năm là tổng thống đầy năng nổ của một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới.

 
Rời điện Elysee, Sarkozy thất nghiệp cùng tương lai mờ mịt
Dù trời mưa nhưng ông Sarkozy vẫn đi chạy ngay sau khi chuyển giao quyền lực, duy trì sở thích bấy lâu của mình.

Sau khi trao mật mã kho vũ khí hạt nhân của Pháp và trao trách nhiệm gánh vác cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước cho tân Tổng thống Hollande, ông Sarkozy có một tháng được miễn trừ truy tố trước khi có khả năng đối mặt với các cuộc điều tra hình sự.

 

Nhưng đầu tiên ông muốn dành thời gian cho gia đình, người vợ thứ ba, cựu siêu mẫu Carla Bruni và cô con gái Giulia chào đời vào năm ngoái, trước thềm cuộc chạy khiến ông bị "ngã ngựa" trước đối thủ Francois Hollande.

 

Người bạn và là phụ tá của ông Sarkoz, Franck Louvrier, tuần trước cho biết ông sẽ “nghỉ ngơi cùng gia đình”, và nhiều khả năng là sống ở biệt thự của vợ ông tại Cap Negre ngay sau khi rời điện Elysee.

 

Ở tuổi 57, ông Sarkozy vẫn cả một sự nghiệp phía trước và phụ tá của ông cho biết ông muốn trở lại làm luật sư thương mại như trước khi ông trở thành bộ trưởng.

 

Ông hiện vẫn sở hữu cổ phần trong công ty luật Arnaud Claude. Tuy nhiên tương lai lâu dài của ông Sarkozy hiện vẫn chưa được rõ, sau khi ông tuyên bố sẽ rút khỏi tiền tuyến trong chính trường.

 

Nhưng dù sao, ông cũng sẽ không kiếm được hàng triệu đô như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhờ tham dự các sự kiện và đi phát biểu vòng quanh thế giới, bởi tiếng Anh của ông cũng không được tốt.

 

Khi không còn là tổng thống, ông cũng có quyền ngồi vào cơ quan hiến pháp cao nhất của Pháp, Hội đồng Hiến pháp, mặc dù ông Hollande cho biết trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể ngăn chặn “truyền thống đó”.

 

Hoặc có thể ông Sarkozy sẽ bị triệu tới tòa khi thời gian miễn trừ truy tố một tháng của ông chấm dứt vào ngày 15/6 tới, để trả lời cho các cuộc điều tra tham nhũng và vi phạm quy định tài chính tranh cử.

 
Rời điện Elysee, Sarkozy thất nghiệp cùng tương lai mờ mịt
Ông Sarkozy đối mặt với một tương lai với rất nhiều vụ điều tra cáo buộc hình sự.
 

Hàng loạt các cuộc điều tra chồng chất liên quan đến cáo buộc tài trợ bất hợp pháp của người phụ nữ giàu nhất nước Pháp Liliane Bettencourt, người thừa kết tập đoàn L'Oreal, cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy năm 2007 có thể sẽ “nhấn chìm” ông thêm.

 

Các công tố hiện cũng đang điều tra về vai trò của ông Sarkozy trong “Vụ Karachi”, liên quan đến tiền hoa hồng trong các vụ mua bán vũ khí.

 

Nghiêm trọng hơn, các công tố đang điều tra liệu vụ đánh bom năm 2002 ở Karachi, khiến 11 kỹ sư Pháp thiệt mạng, có phải là trả thù cho việc hủy bỏ tiền hối lộ được cam kết ngầm với các quan chức Pakistan hay không.

 

Cáo buộc cho rằng chính quyền lãnh đạo Libya Gadhafi tài trợ 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy năm 2007 cũng đã nổi lên trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Tuy nhiên, chưa có cuộc điều tra nào được tiến hành. Ông Sarkozy liên tục phủ nhận cáo buộc, nhưng dù sao sự việc cũng đã gây không ít ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử của ông.

 

“Nếu bạn yêu chính trị và “nghiện” tới mức không thể không nghĩ đến nó, bạn sẽ phải trở lại vào một ngày nào đó”, Philippe Braud, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chính trị ở Paris cho hay.

 

“Nhưng nếu ông ý bị buộc tội và kết án, sẽ không còn cơ hội cho ông ấy trở lại chính trường”.

 

Trong những tháng gần đây đã nhiều lần ông Sarkozy cho biết sẽ từ giã chính trường nếu bị thất bại trong cuộc chạy đua tổng thống và từ tận tháng 1 năm nay ông đã cam kết: “Các bạn sẽ không còn nghe thấy tôi nói nữa”.

 

Nhưng lời hứa “không bao giờ” trở lại chính trường của Sarkozy được cho là đã được hủy bỏ trong bài phát biểu chuyển giao quyền lực của ông, theo lời khuyên của Patrick Buisson, người từng làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông cùng Ngoại trưởng dưới thời của ông Alain Juppe.

 

Do chính trường thay đổi khôn lường, nên Buisson và Juppe đã khuyên ông Sarkozy “không nên làm tổn thương tương lai”.

 

Vũ Quý
Theo AFP