Raul Castro, người lính thầm lặng
(Dân trí) - Tháng 7/2006, quyết định của lãnh tụ Fidel Castro bàn giao các chức vụ cao nhất cho người em trai Raul Castro đã trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. 5 năm sau, “người lính thầm lặng” Raul đã lần nữa chứng minh quyết định của anh trai là sáng suốt.
Anh em nhà Castro trong phiên bế mạc đại hội Đảng Cộng sản Cuba ngày 19/4
“Người xây dựng giàn giáo”
Người lính Raul, người công nhân cần mẫn dựng giàn giáo giúp Fidel trụ vững suốt 47 năm sóng gió ở đỉnh cao quyền lực, người đã xây dựng và giám sát các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba trong gần nửa thế kỷ, có thừa cả kỹ năng quản lý lẫn kỹ năng lãnh đạo, bảo vệ đất nước và có lẽ quan trọng nhất là ngăn cản được ý đồ tấn công từ bất cứ thế lực nào. Lặng lẽ làm việc dưới tán cây đại thụ, ông luôn là giường cột của Đảng Cộng sản Cuba (PCC) và là nhân vật duy nhất được đánh giá có khả năng kế tục vai trò lãnh tụ tuyệt đối của Fidel.
Sinh ngày 3/6/1931 tại Biran, tỉnh miền Đông Oriente, Raul Castro Ruz sau đó học trường dòng tỉnh Santiago rồi chuyển lên thủ đô Havana học đại học và tham gia phong trào sinh viên chống chế độ độc tài Batista. Ông chỉ huy một mũi tấn công phá trại lính Moncada ngày 26/7/1953, cùng Fidel “vào tù ra tội”, cùng Fidel sống lưu vong, cùng anh trai bí mật đổ bộ về nước bằng tàu Granma và cùng Fidel chỉ đạo chiến tranh du kích trên núi Sierra Maestra với hàm tư lệnh một mặt trận.
Ngày cách mạng thành công 1/1/1959, Raul trực tiếp xây dựng Bộ Các lực lượng vũ trang (FAR) và đặc trách quan hệ với Liên Xô (cũ), đều là những lĩnh vực tối mật.
Nổi tiếng với biệt danh “Bàn tay thép”, Raul là nhà cách mạng triệt để, thậm chí còn giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin trước cả Fidel. Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí rất hiếm hoi năm 2003, Raul thổ lộ: “Tôi dành 90% cho PCC mà đa phần các hoạt động không được công bố, vì vậy tôi ít khi xuất hiện trên báo chí”. Tuy nhiên, những cộng sự gần gũi đều nói ông là ngươi rất thoải mái, vui tính và thực tế trong vai trò nhân vật thứ hai của chế độ.
Raul và vợ trong lễ cưới của họ ở Santiago năm 1959
Kể từ khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước vào ngày 24/2/2008, ông Raul bắt đầu thực hiện tiến trình cắt giảm bao cấp nhà nước. Việc ông Raul lên nắm quyền điều hành đất nước đã đem lại hy vọng về một cuộc cải cách cơ bản ở Cuba bởi ông thừa nhận với đồng lương khoảng 20 USD/tháng, người Cuba không thể sống nổi. Ông cũng cho phép người dân sử dụng điện thoại di động, vào nghỉ tại các khách sạn sử dụng đồng ngoại tệ, những điều mà trước đó hoàn toàn bị cấm. Sau đó, ông thông báo sẽ trả lương theo hiệu quả lao động và cho phép cấp đất hoang cho người lao động nhằm tăng sản lượng nông nghiệp.
Năm ngoái, ông tuyên bố cần phải loại bỏ tư duy bao cấp khiến người ta không có hứng thú làm việc hay nhu cầu cần phải làm việc để sinh sống. Trên tinh thần đó, chính phủ đang dần cắt giảm chế độ tem phiếu và cắt giảm lực lượng lao động dôi dư tại các cơ quan và xí nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng tuyên bố sẽ cắt giảm nửa triệu lao động trong năm nay.
Raul Castro (phải) và anh trai Fidel năm 1958, không xa ngày cách mạng thành công
“Người khai mở trang mới trong lịch sử Cuba”
Đại hội PCC lần thứ 6 vừa diễn ra là sự kiện có thể khai mở một trang mới trong lịch sử của Cuba, với những cải cách kinh tế và với một thế hệ lãnh đạo mới.
Đại hội này được xem là sự kiện quan trọng nhất kể từ Đại hội Đảng năm 1975, chính thức hóa việc áp dụng mô hình Liên Xô vào Cuba, một mô hình mà nay không còn thành công. Lần này, chủ đề duy nhất được chính thức ghi vào chương trình nghị sự là hiện đại hóa mô hình kinh tế Cuba, một nền kinh tế do Nhà nước chỉ đạo, đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Đại hội đã thông qua kế hoạch đổi mới kinh tế để “cập nhật hóa” mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được áp dụng từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước – đây là khúc quanh kinh tế mà Chủ tịch Raul Castro đề xướng. Dư luận Cuba hân hoan đón nhận kế hoạch này. Họ ý thức được rằng đây là điều cần thiết.
Ngoài việc phải quyết định mô hình kinh tế trong tương lai nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của đất nước và sau đó phát triển kinh tế, xã hội, Đại hội đã bầu chọn các ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bí thư thứ nhất và thứ hai. Tại đại hội, Raul - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đã được bầu là Bí thư thứ nhất PCC.
Với những cải tổ được thông báo nhân Đại hội ĐCS đang tiến hành, Cuba đang đứng trước một bước ngoặt mới, đặc biệt với việc giới hạn nhiệm kỳ của các lãnh đạo và viên chức quan trọng trong guồng máy chính quyền. Arturo López-Levy, giáo sư Đại học Denver (bang Colorado, Mỹ), cho rằng việc ông Raul đề xuất giới hạn các lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ nên giữ chức trong 2 nhiệm kỳ 5 năm là một bước tiến lịch sử trong đời sống chính trị tại Cuba.
Nhân dân Cuba đánh giá cao khả năng lãnh đạo, quý trọng bản tính nhân văn, quần chúng của của Chủ tịch Raul. Ông luôn dựa vào e kíp, khuyến khích các cộng sự tự chủ, độc lập trong công tác những cũng nghiêm khắc trừng trị những phần tử thiếu trách nhiệm. Trước đại hội, tháng 5 năm ngoái, ông Raul đã đối thoại với Nhà thờ Cuba và đã trả tự do cho hơn 100 tù nhân, điều chưa từng có tiền lệ ở Cuba. Mới đây, ông cũng đã mời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới thăm Cuba và tuyên bố Havana sẵn sàng đối thoại với Washington.
Chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Brian Latell, người bỏ nhiều năm nghiên cứu về ông Raul, kết luận trong cuốn sách xuất bản năm 2006: “Gần 5 thập kỷ nay, Raul Castro là nhân vật thực sự không thể thiếu của Cuba”. Frank Mora, một chuyên gia về quân sự Cuba của trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ tại Washington, cũng nhất trí rằng “ông Raul rất được kính trọng trong quân đội và rất có năng lực trong vị trí của mình”.
Nguyễn Viết