1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rắn' với Moscow, chính quyền ông Biden đang đẩy Nga xích lại gần Iran?

Những bình luận gần đây của các quan chức Nga đã dẫn tới những suy đoán rằng Moscow đang mong muốn một mối quan hệ đan xen gần gũi hơn với Tehran dưới thời ông Biden.

Rắn với Moscow, chính quyền ông Biden đang đẩy Nga xích lại gần Iran? - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong một cuộc họp báo năm 2019. (Nguồn: Reuters)

Một số quan chức Nga gần đây khẳng định Moscow luôn coi hai di sản chính sách của Chính quyền ông Trump tại Trung Đông - quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và khích lệ Israel thông qua các thỏa thuận hòa bình - là cơ hội để Nga thắt chặt mối quan hệ với Tehran và thúc đẩy vị thế cường quốc của mình.

Hơn nữa, các ứng cử viên cứng rắn rất có khả năng sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử sắp tới tại Iran. Điều này càng góp phần đẩy mối quan hệ Iran-Nga tiến xa hơn trong tương lai. Tuy nhiên, sự phức tạp của tình hình luôn đòi hỏi một cách tiếp cận "đa sắc thái" từ cả hai phía.

Những bình luận gần đây của các quan chức Nga đã dẫn tới những suy đoán rằng Moscow đang mong muốn một mối quan hệ đan xen gần gũi hơn với Tehran dưới thời ông Biden.

Nga hy vọng Iran sẽ không phớt lờ những nỗ lực trước đây của Moscow khi Trump thực hiến chiến dịch "sức ép tối đa" đối với Iran và không bắt tay với Mỹ mà làm phương hại tới mối quan hệ với Nga.

Moscow khẳng định những ủng hộ trước đây của Nga đối với Iran, nếu được quy đổi sang tiền, sẽ đáng giá "nhiều tỷ USD", và "Tehran biết rõ điều này".

JCPOA là "tấm vé then chốt"

Moscow luôn ủng hộ việc Washington quay trở lại JCPOA và gỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Đây cũng là chính sách, hoặc ít nhất là động thái bước đầu, mà ông Joe Biden đã tuyên bố sẽ áp dụng đối với Tehran.

Thoạt nhìn, Iran - với tư cách là đối tác gần gũi của Moscow - sẽ được tiếp thêm luồng sinh khí mới, và Nga dường như có thể sẽ ghen tị với điều đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tái khởi động đàm phán JCPOA giữa Tehran và Washington giúp Moscow đạt được hai mục tiêu quan trọng: khẳng định vị thế cường quốc của Nga thông qua việc nhấn mạnh những nỗ lực ngoại giao trước đây của Nga trong khuôn khổ đa phương, và chứng minh với Iran rằng Moscow không coi các biện pháp trừng phạt phi pháp của Mỹ nhằm vào Iran là một cơ hội hay một "quân bài chiến lược".

Bởi lý do đó, việc nhà nước Cộng hòa Hồi giáo thỏa hiệp với phương Tây trong các vấn đề như tên lửa và ảnh hưởng trong khu vực mà không dựa trên khuôn khổ đa phương sẽ trở thành điều đáng lo ngại đối với Điện Kremlin.

Không giống như chương trình hạt nhân Iran, vốn là một vấn đề toàn cầu, và Nga có khả năng gây tác động tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), chương trình tên lửa cũng như các hoạt động của Iran trong khu vực lại chỉ là vấn đề gây lo ngại đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Tehran và Moscow dường như có quan điểm rất khác nhau về giai đoạn hậu JCPOA và các hồ sơ khác của Iran ngoài vấn đề hạt nhân. Tehran bác bỏ hoàn toàn bất kỳ cuộc đàm phán hạt nhân mới nào hay các cuộc đàm phán về những vấn đề khác.

Trong khi đó, Moscow tin rằng việc "bình thường hóa" JCOPA không yêu cầu cần phải giải quyết vấn đề "chương trình tên lửa và hành vi trong khu vực" của Iran bởi vì hai vấn đề này "chỉ có thể được giải quyết trong bối cảnh khu vực rộng hơn" và không nhất thiết phải lồng ghép với hồ sơ hạt nhân. Nói cách khác, Nga cho rằng những vấn đề này là có thể thương lượng dưới những điều kiện nhất định và chấp nhận các yêu cầu của phương Tây.

Tuy nhiên, Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei lại cương quyết duy trì sức mạnh tên lửa và sự hiện diện của Iran trong khu vực, đồng thời từ chối mọi yêu cầu nhượng bộ.

Đây chính là điểm bất đồng giữa Tehran và Moscow. Iran theo đuổi việc gỡ bỏ cấm vận và mong muốn Mỹ quay trở lại JCPOA mà không có thêm các điều kiện tiên quyết, yêu cầu hay những điều chỉnh mới dựa theo tình hình. Nhìn chung, Tehran không mấy mặn mà với việc khôi phục lại JCPOA nguyên bản và đang chuẩn bị để leo thang hạt nhân hơn nữa.

Do vậy, mặc dù thỏa thuận này đem đến cơ hội để Nga thể hiện vị thế ngoại giao của mình với Nhà Trắng, nhưng việc đóng vai trò mang tính xây dựng trong thỏa thuận hạt nhân này theo cách khiến Iran hài lòng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Nga ngầm ủng hộ Iran đối phó với Israel

Bất chấp mối quan hệ gần gũi với Israel, Nga đã đưa ra một lập trường tương tự như lập trường của Iran về các thỏa thuận hòa bình gần đây giữa Israel và một số nước Arập. Mặc dù nhấn mạnh vai trò của mình trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông, song Moscow tuyên bố các thỏa thuận hòa bình do Mỹ là trung gian "không nên được sử dụng để thay thế cho một dàn xếp cho vấn đề Palestine".

Trong một diễn biến khác cũng quan trọng không kém đối với Iran, Đại sứ Nga tại Tel Aviv - ông Anatoly Viktorov - đã chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động của Israel trong khu vực. Ông Viktorov phát biểu trên báo chí Israel rằng vấn đề của Trung Đông "không phải là các hoạt động của Iran", mà chính là Israel - quốc gia "gây bất ổn khu vực" thông qua việc tấn công Hezbollah. Ông kêu gọi "Israel không nên tấn công các lãnh thổ thuộc chủ quyền của các thành viên Liên hợp quốc".

Lời chỉ trích của ông Viktorov xuất phát từ quan điểm chiến lược khôn ngoan. Từ góc nhìn của Nga, việc ủng hộ không giới hạn các chiến dịch quân sự và ngoại giao của Tel Aviv tại Trung Đông trong tình hình hiện nay có thể là một hành động phản tác dụng và dẫn tới sự suy giảm ảnh hưởng và chỗ đứng của Nga trong tiến trình hòa bình khu vực.

Hơn nữa, khi tiến trình bình thường hóa ngày càng phát triển đi kèm với các chiến dịch chống Iran ngày càng hung hăng của Israel, tiếng nói chỉ trích của Moscow đối với Israel ít nhất có thể ngăn chặn các hoạt động leo thang giữa Tehran và Tel Aviv.

Rõ ràng, khi căng thẳng càng leo thang, Iran càng có bằng chứng để biện minh rằng chương trình tên lửa và các hoạt động trong khu vực của họ là công cụ phòng vệ cần thiết để chống lại "kẻ thù". Điều này lại càng khiến Iran xa rời bàn đàm phán.

Moscow hiểu rõ việc đẩy mạnh bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Arập và Israel sẽ làm cho Iran càng bị cô lập hơn về mặt chính trị ở Trung Đông, và khiến Tehran nhiệt tình hơn đối với việc Nga tăng cường can dự vào khu vực.

Bởi vậy, việc tái cân bằng một số khía cạnh của môi trường khu vực theo hướng có lợi cho Cộng hòa Hồi giáo Iran chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ giới chính trị gia cứng rắn ở Tehran và đem lại cho Nga chỗ đứng kinh tế và quân sự lớn hơn tại Iran.