Ramadi thất thủ phơi bày lỗ hổng chiến lược của Mỹ
Việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát toàn bộ hai thành phố Palmyra (Syria) và Ramadi (Iraq) đã giáng một đòn đau vào lực lượng liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu, trong bối cảnh chiến lược quân sự của liên minh này liên tục bị chỉ trích là sai lầm.
Cho đến tận những tuần vừa qua, chính quyền Washington, London và các nước Arab vẫn đều đặn báo cáo tình hình IS đã bị đẩy lui, chúng ngày một suy yếu vì thiếu nguồn tài chính và vũ khí trầm trọng. Tuy nhiên tình thế hiện nay đã phải khiến lãnh đạo quân sự của các bên phải nhìn nhận lại vấn đề.
Một quan chức giấu tên cho biết việc mất Ramadi là một lời cảnh tỉnh cho lực lượng liên quân. Robert Gates – cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thẳng thắn nhận định: “Chúng ta không hề có chiến lược. Cơ bản hiện nay chúng ta như đang đùa giỡn với cuộc chiến. Việc cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng mới cho quân đội Iraq chỉ là phản ứng tạm thời. Các vấn đề liên quan đến chính trị và quân sự lâu dài đều chưa được giải quyết".
Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đối với cuộc chiến chống IS tại Iraq là sự kết hợp giữa việc huấn luyện và tái xây dựng quân đội chính phủ, vận động chính quyền Baghdad liên kết với sắc tộc người Sunni, và dội bom các mục tiêu IS từ trên không mà không có bất kì sự hỗ trợ nào của bộ binh. Nhưng chính cách thức đó đã lộ điểm yếu của quân đội Iraq cũng như chỉ ra chiến dịch dội bom tuy hiệu quả nhưng không phải mang tính quyết định. Tháng 9 năm ngoái, Mỹ cùng các nước đồng minh đã triển khai nhiều cuộc không kích tấn công các mục tiêu IS. Các nhóm phi cơ đã tiến hành 2.200 cuộc không kích ở Iraq và 1.400 ở Syria.
Sau khi Iraq mất Ramadi vào tay IS, dường như Tổng thống Barack Obama vẫn kiên quyết không chịu cho lực lượng bộ binh nhúng tay vào cuộc chiến ở Iraq để cứu lấy thành phố này. Eric Shultz – người phát ngôn của Nhà Trắng cho hay Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động không kích và gửi cố vấn, người huấn luyện đến Iraq. Trong khi đó, Lầu Năm Góc vẫn khăng khăng việc thất thủ Ramadi chỉ đơn thuần là sự được mất thông thường trong chiến tranh, nó không hề phơi bày điểm yếu của lực lượng an ninh Iraq cũng như trong chiến lược của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích lại thể hiện quan điểm khác biệt. Stephen Biddle – một cố vấn quân sự đã từng làm việc ở Iraq cho rằng Tổng thống Obama đang cố gắng tách sắc tộc người Sunni khỏi tầm ảnh hưởng của IS trong khi hối thúc chính quyền Iraq hình thành, củng cố lực lượng quân sự không bè phái. “Điều này rõ ràng không đem lại hiệu quả như chúng ta mong đợi”, Biddle nhận định.
Viện nghiên cứu chiến tranh cho biết việc kiểm soát Ramadi là bước lật ngược thế cờ của IS trên mặt trận Anbar, cũng như là bước cản ngăn quân đội Iraq tái chiếm thành phố Mosul – thành trì của IS đồng thời là thành phố lớn thứ 2 tại miền bắc Iraq.
Ramadi là cửa ngõ vào Baghdad
Derek Harvey – một Thượng tá nghỉ hưu trong quân đội và là cựu nhân viên tình báo trong Bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết mặc dù nhóm phiến quân gặp nhiều vấn đề, song “chúng thích nghi nhanh và vẫn được trang bị đầy đủ vũ khí, cùng như nguồn tài khí dồi dào. Trong khi đó, tại mặt trận, các hoạt động của liên quân còn rời rạc, không tập trung cũng như thiếu chương trình khung hiệu quả.
Một trong những cách giải quyết hiện nay có lẽ nên thay vì cố gắng đẩy lui IS ra khỏi Iraq và Syria thì nên thử cách cô lập các mục tiêu. Điều này cần huy động sự phối hợp giữa các cuộc không kích và lực lượng đặc nhiệm. Trong thực tế, bước đi này đã chứng minh hiệu quả khi lực lượng đặc nhiệm Delta của Mỹ tại Syria đã tấn công và tiêu diệt Abu Sayyaf - tên thủ lĩnh cấp cao IS phụ trách hoạt động khí đốt và dầu mỏ. Nhiều quan chức cho rằng chiến lược này có thể trở thành một sự lựa chọn song đến giờ nó vẫn chưa được đem ra thảo luận.
Theo Hồng Hạnh/Guardian, AP/baotintuc.vn