QZ8501 đáp an toàn trên biển nhưng bị bão nhấn chìm?
(Dân trí) - Trang Daily Mail dẫn lời một chuyên gia hàng không đưa ra giả định rằng cơ trưởng chuyến bay QZ 8501 của hãng AirAsia có thể đã thực hiện thành công cú hạ cánh khẩn cấp trên mặt biển, nhưng có thể sóng biển quá cao đã nhấm chìm chiếc phi cơ.
Chuyên gia hàng không Dudi Sudiby cho rằng cơ trưởng giàu kinh nghiệm đã đáp chiếc máy bay QZ8501 nhẹ nhàng và không va chạm khiến bộ phát tín hiệu định vị khẩn cấp (ELT) không được kích hoạt
Trong khi chưa thể định vị hộp đen của chiếc QZ8501 đã rơi xuống biển Java trên chặng đường từ Indonesia đến Singapore vào ngày 28/12, việc không có bất kỳ dữ liệu ghi nhận va chạm nào được truyền về đài kiểm soát không lưu khiến các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng chiếc máy bay có thể đã hạ cánh an toàn trên mặt biển.
Giả thuyết mới nhất này được đưa ra bởi ông Dudi Sudibyo, biên tập viên cấp cao thuộc tạp chí hàng không Angkasa. Ông Dudi Sudibyo cho rằng: “Cựu phi công quân đội nhiều kinh nghiệm Iriyanto, cơ trưởng chuyến bay QZ8501, đã đáp xuống mặt biển thành công sau khi phải đối diện với một cơn bão lớn trên bầu trời vào ngày 28/12”.
“Bộ phát tín hiệu định vị khẩn cấp (ELT) sẽ được kích hoạt khi hạ cánh, dù trên đất liền, trên biển hay đỉnh núi. Theo phân tích của tôi thì bộ ELT trên máy bay QZ8501 đã không hoạt động bởi va chạm lúc hạ cánh không đủ lớn”, ông Sudibyo cho hay.
Sau nhiều phân tích, ông Sudibyo nhận định: “Cơ trưởng đã thành công đáp trên mặt biển”.
Giả thuyết này phù hợp với việc 2 trong số những mảnh vỡ đầu tiên được xác định là từ một cửa thoát hiểm và phao cứu sinh. Theo kênh CNA, ông Jusman Syafii Djamal, nguyên bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, nhận định điều này cho thấy có những hành khách đã mở cửa thoát hiểm để thoát ra ngoài.
Ngoài ra, cũng theo CNA, từ tình trạng còn khá nguyên vẹn của các thi thể, nguyên Tư lệnh không quân Indonesia Chappy Hakim khẳng định rằng máy bay đã không nổ tung trên không và cũng không bị va đập mạnh với mặt biển.
Trong khi đó, các chuyên gia điều tra tai nạn hàng không khác cho rằng máy bay QZ8501 đã tăng độ cao quá nhanh như một chiến đấu cơ và sau đó rơi gần như thẳng góc với mặt biển như thể bị một bàn tay khổng lồ vô hình vít xuống.
Chuyên gia phân tích hàng không Gerry Soejatman tỏ ra bối rối trước những dữ liệu rò rỉ từ nhóm điều tra vụ tai nạn, cho rằng chiếc máy bay này đã có những chuyển động “gần như phi logic”.
Mặc dù vậy, nguyên nhân thật sự của vụ rơi máy bay này chỉ có thể được xác định sau khi hộp đen của máy bay được tìm thấy và phân tích.
Hải quân Indonesia sử dụng tàu siêu tốc để di chuyển thi thể các nạn nhân QZ8501.
Sáng nay 2/1, bước sang ngày tìm kiếm thứ 6, Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) chính thức xác nhận tổng cộng 16 nạn nhân đã được tìm thấy, trong đó đã trục vớt 10 thi thể, đồng thời cho hay trong ngày hôm nay sẽ có thêm nhiều thi thể của chiếc máy bay AirAsia được vớt lên.
Cùng ngày, lực lượng tìm kiếm và trục vớt đã đưa các mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia về Pangkalan Bun bằng máy bay trực thăng vào sáng nay 2/1. Các mảnh vỡ mới được tìm thấy thuộc về phần bên trong chiếc máy bay gặp nạn, trong đó có một tay nắm cửa vẫn có thể hoạt động được.