1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quyền lực của Chu Vĩnh Khang từng khủng khiếp ra sao?

Ở đỉnh cao quyền lực, Chu Vĩnh Khang kiểm soát các lực lượng cảnh sát, gián điệp, hệ thống tòa án và các văn phòng công tố ở khắp Trung Quốc.

Quyền lực của Chu Vĩnh Khang từng khủng khiếp ra sao?
 
Vị cựu lãnh đạo ngành công an cũng không ngại ngần dùng khối tài sản khổng lồ để đè bẹp người bất đồng quan điểm cũng như bất ổn dưới chiêu bài “vì sự ổn định xã hội”.

Thời điểm trước khi Chu nghỉ hưu năm 2012, sự bất bình đẳng thu nhập và tình trạng tham nhũng diễn ra ngày một tồi tệ ở Trung Quốc. Chu giám sát ngân sách an ninh thậm chí còn qua mặt cả quân đội với 2 triệu người.

Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan ra quyết định lớn nhất nước này – Chu là một trong 9 thành viên nắm quyền sinh quyền sát ở quốc gia hơn 1,3 tỉ dân. Bởi thế, dù đã rời xa chính trường, Chu và gia đình vẫn được cho là hưởng lợi khổng lồ từ vị trí của mình.

Sau nhiều tháng đồn đoán căng thẳng, Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc hồi tháng 7 đã công bố điều tra chính thức Chu vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Vào cuối tuần trước, Tân hoa xã thông báo, Chu chính thức bị khai trừ khỏi đảng và bị truy tố. 

Quyền lực của Chu Vĩnh Khang từng khủng khiếp ra sao?

Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông Chu còn đương nhiệm. Với vị trí là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đứng đầu ủy ban Chính trị-Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang từng được xem là người giữ quyền lực đứng thứ 3 của đất nước 1,3 tỷ dân này.

Vụ việc của Chu đã được chuyển tới cơ quan công tố tối cao – mở đường cho phiên xét xử khiến cho Chu trở thành vị quan chức cao cấp nhất Trung Quốc đối mặt với các tội danh tham nhũng trong lịch sử thành lập nước cộng hòa nhân dân.

Các điều tra viên cho biết, cựu Bộ trưởng Công an 71 tuổi này đã nhận số tiền hối lộ khổng lồ, lạm dụng quyền lực hưởng lợi bất chính cho gia đình và người thân, bạn bè, lộ bí mật quốc gia, ngoại tình, đổi quyền lực lấy tình và tiền...

Phá vỡ điều cấm kỵ

Rất nhiều người xem sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang như một khoảnh khắc bước ngoặt trong thế giới chính trị bí mật của TQ. Thế giới này hiện do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, ông là người đã tuyên bố chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào cả “hổ” và “ruồi” (quan chức cấp cao, cấp thấp).

"Điều quan trọng ở đây là ông Tập Cận Bình đã chứng tỏ ông có đủ sức mạnh để phá vỡ điều cấm kỵ là chưa từng buộc tội cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”, nhà phân tích Willy Lam thuộc Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nói.

Khác với ông Tập – vị thái tử với dòng dõi cách mạng, Chu Vĩnh Khang sinh ra trong một gia đình nghèo ở phía đông Trung Quốc. Cha ông là một nông dân mù chữ nhưng sẵn sàng vay mượn để con tới trường. Thông minh và chăm chỉ, Chu đã không làm cha thất vọng, và trở thành một trong số ít sinh viên địa phương trúng tuyển vào trường đại học danh giá ở Bắc Kinh.

 

Quyền lực của Chu Vĩnh Khang từng khủng khiếp ra sao?

Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là người đã phá vỡ luật chơi "bất thành văn" trong giới chính trị bí mật Trung Quốc khi lệnh bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang được đưa ra ngày 5/12/2014 vừa qua

Ngôi trường này giờ gọi là Đại học Dầu khí Trung Quốc, là cái nôi sản sinh ra những “ông trùm” ngành dầu khí quốc gia. Tốt nghiệp ngành khai thác đầu, Chu tới làm việc ở một khu khai thác phía đông bắc Trung Quốc và nhanh chóng thăng tiến từ cuối những năm 1960-1980.

Chu được nhớ tới vì những kỹ năng chính trị hơn là chuyên môn. Kỹ năng ấy được dịp phát triển khi ông chuyển tới Bộ dầu khí ở Bắc Kinh – sau này trở thành một tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ, cũng là căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang.

Vượt qua những đấu tranh phe phái trong bộ, Chu trở thành nhà lãnh đạo quyết định, chủ trương tập trung vào thăm dò khai thác dầu khí nội địa cũng như ở nước ngoài, một chiến lược hai hướng được nối tiếp tới tận ngày nay.

Tăng trưởng nhanh chóng từ các thương vụ nước ngoài khiến cho sự giám sát của Bắc Kinh trở nên khó khăn hơn, gieo mầm cho tham nhũng.

Năm 2001, sau thời gian làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên, Chu trở thành Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên – một trong những tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Báo chí nhà nước khi ấy mô tả Chu là nhà lãnh đạo có khả năng hùng biện, tầm nhìn rõ ràng, chủ trương thu hút các công ty công nghệ cao và hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.

Năm năm sau, Chu vươn tới đỉnh cao quyền lực bằng vị trí trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. “Triều đại” của Chu trùng hợp với nhiều sự kiện lớn cũng như cả bất ổn xã hội như: Olympic Bắc Kinh 2008, kỷ niệm 60 năm thành lập nước cộng hòa nhân dân năm 2009 và World Expo tại Thượng Hải năm 2010.

Người bảo trợ ngã ngựa

Khi Trung Quốc đặt ưu tiên an ninh và ổn định trên hết, Chu nhanh chóng mở rộng sức mạnh của lực lượng công an, hạn chế sự độc lập của tư pháp, củng cố danh tiếng như một nhà lãnh đạo cứng rắn.
 
Trong thời gian này, Chu trở thành người bảo trợ của Bạc Hy Lai – một ngôi sao chính trị đang lên ở Trùng Khánh.

 

Quyền lực của Chu Vĩnh Khang từng khủng khiếp ra sao?

 Chu Vĩnh Khang (trái) cùng với Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Trùng Khánh. Bạc Hy Lai đã "ngã ngựa" sau khi cánh tay mặt của Bạc là Vương Lập Quân chạy vào cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Thành Đô xin tị nạn chính trị. Án tù chung thân đã được tuyên với ông Bạc và vợ ông Bạc chịu án tử hình treo 2 năm. Ông Chu được xem là người bảo trợ cho ông Bạc về trên con đường chính trị. Ông Bạc thuộc nhóm "Thải tử đảng", con trai của ông Bạc Nhất Ba.

Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai năm 2012 đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả đây là ví dụ điển hình cho quyết tâm làm trong sạch đảng cầm quyền của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, có không ít nhà phân tích cho rằng, sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang cũng như Bạc Hy Lai là đấu đá phe cánh chính trị; rằng ông Tập Cận Bình không thể tìm ra lý do nào tốt hơn để loại bỏ các đối thủ chính trị hơn là cái cớ chống tham nhũng.

Những người thân cận với Chu cũng không thoát khỏi điều tra. Hàng chục thành viên gia đình của Chu cũng như các trợ lý thân tín hoặc bị điều tra, hoặc bị bắt giữ, lớn nhất là ở cơ quan an ninh, công nghiệp dầu khí và tỉnh Tứ Xuyên – ba nơi mà Chu từng thống trị.

Hầu hết câu chuyện hiện tại đều tập trung vào sự giàu có của gia tộc Chu Vĩnh Khang. Gia đình Chu được cho là hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ của ngành năng lượng và bất động sản.

Con trai cả của Chu, 42 tuổi, được cho là sở hữu rất nhiều bất động sản trị giá nhiều triệu đô la. Thậm chí ở tuổi 30, anh ta đã nhanh chóng thành công và thăng tiến sau khi thắng thầu nâng cấp hệ thống IT cho 8.000 trạm xăng khắp Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc còn đề cập tới việc em trai của Chu – từng là một nông dân – đã sử dụng ảnh hưởng của Chu Vĩnh Khang để hưởng lợi từ việc giúp người ra tù, người vào học viện cảnh sát, hay bán ống dẫn cho các khu khai thác dầu khí…
Theo giới phân tích, Chu và con trai có thể bị kết án tử hình treo.
 

Từ cậu bé bắt lươn, Chu Vĩnh Khang đã trở thành ông trùm an ninh với quyền lực đứng đầu 5 băng nhóm:

Nhóm đầu tiên là “bang Tứ Xuyên”: Từ 1999- 2002, Chu Vĩnh Khang là Bí thư Tứ Xuyên, tuy thời gian không dài, nhưng sau khi về Bắc Kinh giữ các chức trọng: Ủy viên thường vụ, Bí thư Trung ương, Bộ trưởng Công an, Bí thư Chính trị - pháp luật… nằm trong trung tâm quyền lực, ảnh hưởng của Chu ở quan trường Tứ Xuyên rất lớn. 13 tháng sau Đại hội 18, lần lượt Phó Bí thư tỉnh ủy Lý Xuân Thành, Phó tỉnh trưởng Quách Vĩnh Tường, Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Lý Sùng Hy và hơn 40 cán bộ cấp sở, ty của Tứ Xuyên lần lượt bị bắt hoặc mất chức…

Nhóm thứ hai là “bang Dầu khí”: Từ tháng 8/2013, “bang Dầu khí” của Chu Vĩnh Khang đã bị đánh sập, hàng loạt quan to như Chủ tịch Tập đoàn Tưởng Khiết Mẫn, các Phó TGĐ Vương Vĩnh Xuân, Lý Hoa Lâm, Nhuế Tân Quyền, Kế toán trưởng Tập đoàn Ôn Thanh Sơn… đều bị bắt.

Nhóm thứ ba – chân rết trong ngành Công an: Sau khi Thứ trưởng (hàm Bộ trưởng) Công an Lý Đông Sinh bị bắt ngày 18/12/2013, cuộc thanh lọc ảnh hưởng của Chu Vĩnh Khang trong ngành Công an bắt đầu.

2 tháng sau, Cục trưởng An ninh quốc gia Bắc Kinh Lương Khắc bị cách chức; ngày 20/7/2014 Cục trưởng Công an Thiên Tân Vũ Trường Thuận bị điều tra; Phó chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Cục trưởng Công an Hà Nam Tần Ngọc Hải bị tạm giữ để điều tra…

Nhóm thứ tư - “bang Thư ký”: Cùng ngày 2/7/2014, 3 quan chức là Ký Văn Lâm, Phó tỉnh trưởng Hải Nam, Phó Văn phòng Ủy ban Chính trị - pháp luật Dư Cương, Tham mưu trưởng Cục Cảnh vệ Bộ CA Đàm Hồng bị bãi chức, bị cách ly để điều tra.

Cả 3 đều từng là thư ký của Chu Vĩnh Khang. Trước đó, 3 người khác cũng từng là thư ký của Chu là: Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Lý Hoa Lâm, Bí thư đảng ủy Cty Dầu khí quốc tế Thẩm Định Thành cũng bị bắt.
 
Nhóm thứ năm - các thân nhân của Chu: Trước khi Chu Vĩnh Khang bị điều tra, bị bắt, hàng loạt người thân, họ hàng, thông gia đã bị bắt. Trong đó có: con trai lớn Chu Bân, con dâu Hoàng Uyển; vợ chồng thông gia Hoàng Dũ Sinh, Chiêm Mẫn Lợi; em trai thứ ba là Chu Nguyên Thanh và vợ là Chu Lệnh Anh, cháu là Chu Phong.

Theo Minh Anh
Pháp luật Việt Nam