Quốc tế phản ứng sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga
(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên tiếng sau khi Mỹ đã đưa ra thông báo chính thức về việc rút khỏi hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký từ năm 1987 với Nga.
Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng tải thông báo chính thức tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân INF. Quá trình rút khỏi thỏa thuận sẽ kéo dài trong 6 tháng. Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước hạt nhân, viện dẫn tên lửa 9M729 (NATO định danh là SSC-8), có thể bay vượt mức 500 km quy định trong hiệp ước INF.
NATO đã ra thông báo ủng hộ động thái đơn phương của Mỹ, cáo buộc Nga và tuyên bố rằng Washington đã đưa ra quyết định “nhằm đáp trả mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương đến từ việc Nga thử nghiệm, sản xuất hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất”.
Trong khi đó, theo Spunik, việc Mỹ và Nga dừng hiệp ước hạt nhân đã khiến cho một số đồng minh của Washington bày tỏ quan điểm lo ngại.
Đức, một trong những nước hưởng lợi chính từ hiệp ước INF, bày tỏ quan ngại sâu sắc. Ngày 1/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo rằng Berlin sẽ làm mọi việc trong khả năng để cứu vãn hiệp ước trong 180 ngày tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell Fontelles cho rằng việc INF sụp đổ là tin tức không tốt lành, khiến tình hình thế giới trở nên bất ổn.
Pháp cũng bày tỏ quan ngại về việc Mỹ rút khỏi INF, kêu gọi Nga tiếp tục dùng 6 tháng tới để thương lượng và đàm phán. Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl nói rằng họ thấy quyết định rút khỏi INF của Mỹ là đáng tiếc.
Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini đã bày tỏ quan ngại về sự sụp đổ của INF: “Điều chúng tôi chắc chắn không muốn là chứng kiến châu lục của chúng tôi trở thành chiến trường nơi các cường quốc đối đầu nhau”.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng quan ngại, cho rằng việc kết thúc INF là điều thế giới không mong muốn. Trung Quốc, trong khi đó, cảnh báo về hậu quả của việc rút khỏi INF và khuyến khích các bên giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại có tính xây dựng.
Cáo buộc lẫn nhau
Thông báo ngày 2/2 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Theo luật pháp quốc tế, Mỹ đã đình chỉ các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF, có hiệu lực từ ngày hôm nay. Mỹ kết luận rằng việc Nga đã liên tục không tuân thủ INF đã gây ra nguy hiểm cho lợi ích tối cao của Mỹ và Mỹ sẽ không còn có thể bị hiệp ước hạn chế trong khi Nga công khai vi phạm”.
“Nếu Nga không tuân thủ hoàn toàn và có kiểm chứng theo hiệp ước bằng việc loại bỏ hoàn toàn các tên lửa 9M729, các bệ phóng, cùng các thiết bị trong 6 tháng, hiệp ước sẽ bị dừng lại”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Văn bản trên nói rằng Washington đã rất nỗ lực trong việc gìn giữ INF, liên lạc với các quan chức Nga hơn 30 lần trong 6 năm qua để bàn bạc về cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước. Mỹ đồng thời cảnh báo các hành động vi phạm sẽ phải nhận hậu quả.
Sau thông báo của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga đã đăng tải thông báo chính thức, lên án quyết định cả Mỹ.
“Nga đã làm hết sức có thể để cứu vãn hiệp ước. Chúng tôi đã cố gắng để cùng Mỹ thực hiện cuộc đàm phán chuyên nghiệp, đề xuất những sáng kiến để tìm giải pháp cho những cáo buộc từ 2 phía. Để tỏ bày thiện chí, chúng tôi đã cung cấp thông tin minh bạch chưa từng có tiền lệ, vượt quá cả những yêu cầu cả hiệp ước (về tên lửa 9M729). Tuy nhiên, tất cả mọi nỗ lực của Nga đã bị Mỹ ngăn chặn hoặc phớt lờ”, thông báo viết, đồng thời cáo buộc Mỹ có kế hoạch phá hoại INF nhằm loại bỏ những rào cản với tiềm năng phát triển tên lửa của Washington.
Ngày 1/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Washington đã không thể đưa ra các bằng chứng chứng tỏ Nga đã vi phạm INF ngoài “những dòng tweet”. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/2 thông báo rằng để đáp trả, Nga cũng sẽ dừng INF sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước.
Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc họ sở hữu tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng tấn công mục tiêu trong khoảng cách 500-5.500km. Theo các quan chức quân sự Nga, tên lửa 9M729 chỉ có tầm tấn công là 450km. Nga đồng thời cáo buộc ngược lại Washington là bên vi phạm hiệp ước.
Hiệp ước INF được ký từ năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ nhằm cấm các bên phát triển và triển khai tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 500km đến 5.500km.
Đức Hoàng
Theo Sputnik