1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc gia EU chỉ trích phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Croatia cho rằng việc phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài hơn và dẫn đến kịch bản nguy hiểm.

Quốc gia EU chỉ trích phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine - 1

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2021 (Ảnh: Getty).

"Tôi phản đối việc gửi bất kỳ loại vũ khí sát thương nào đến đó. Điều đó chỉ kéo dài chiến tranh. Mục tiêu là gì? Khắc chế nước Nga? Thay đổi chế độ? Họ đang nói về việc chia cắt nước Nga. Đó là sự điên rồ", Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Petrinja hôm 30/1.

Bình luận của Tổng thống Milanovic được đưa ra sau khi chính phủ Đức và Mỹ tuần trước thông báo quyết định gửi xe tăng chiến đấu chủ lực tới Ukraine.

"Những gì chúng ta đang làm, tập thể phương Tây, là cực kỳ vô đạo đức. Xe tăng Đức sẽ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Mục tiêu của tôi là tách chúng tôi (Croatia) khỏi việc này. Bất kỳ hình thức tham gia nào vào việc này đều nguy hiểm chết người", Tổng thống Croatia nói thêm.

Moscow đã cảnh báo việc viện trợ khí tài hạng nặng cho Ukraine sẽ tạo ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn, đặc biệt nếu vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công các thành phố của Nga hoặc tìm cách kiểm soát lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh NATO vẫn cam kết tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine trong thời gian lâu nhất có thể để giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ giành lại tất cả vùng lãnh thổ đã mất, bao gồm Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Milanovic khẳng định Crimea "sẽ không bao giờ là một phần của Ukraine nữa".

Crimea, vùng bán đảo ở Biển Đen, trở thành khu vực quan trọng giúp Nga mở chiến dịch quân sự trong năm 2022. Từ Crimea, Nga đã kiểm soát được một khu vực rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam Ukraine. Crimea hiện vẫn đóng vai trò như một căn cứ mà Nga triển khai máy bay và tàu chiến sát Ukraine.

Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, nhận định cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ trở nên khốc liệt hơn trong năm nay khi Nga dự kiến mở trận đánh lớn và phương Tây đang chuyển nhiều vũ khí tiên tiến hơn để viện trợ Ukraine. Ông Hodges nhận định, giai đoạn này có thể kéo chiến sự tới một lãnh thổ quan trọng của Nga về mặt chiến thuật: Crimea.

Ông Hodges cho rằng, trong vài tháng tới Ukraine sẽ đặt ra các điều kiện để giành lại Crimea từ Nga. Ông đồng thời nhấn mạnh, Ukraine "sẽ không bao giờ an toàn hoặc có thể tái thiết lại nền kinh tế chừng nào Nga còn nắm giữ Crimea".

Giới quan sát nhận định, nếu kịch bản cuộc chiến ở Crimea diễn ra, đó có thể là một cuộc xung đột rất đẫm máu cho cả hai bên. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cuối năm ngoái nhận định, khả năng Ukraine đẩy lực lượng Nga khỏi Crimea "về mặt quân sự là không cao".

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc kiểm soát trở lại Crimea có ý nghĩa sống còn với Ukraine, và diễn biến chiến sự trong thời gian qua cho thấy Kiev có đủ khả năng làm việc này. Việc gây áp lực cho Nga ở Crimea cũng có thể giúp Ukraine đạt được lợi thế lớn hơn trên bàn đàm phán trong tương lai.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm