1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Quân tốt” trên bàn cờ chính trị Mỹ - Trung trong vụ Huawei

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng cựu nhân viên ngoại giao Canada bị Trung Quốc bắt giữ gần đây là một “quân cờ” trong mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei.


Cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig (Ảnh: Reuters)

Cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, một diễn biến quen thuộc đã xảy ra trong những tuần gần đây: Canada bắt một công dân Trung Quốc đang bị truy nã ở Mỹ. Không lâu sau đó, một công dân Canada bị bắt ở Trung Quốc.

Bạn bè và các chuyên gia cho rằng cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig, người bị bắt giữ tại Bắc Kinh hôm 10/12, có thể là “con tin” hoặc “quân cờ” trong vụ việc căng thẳng giữa 3 nước Mỹ, Canada và Trung Quốc.

Ông Kovrig bị bắt chỉ 9 ngày sau khi bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei của Trung Quốc, bị bắt ở Vancouver (Canada) theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington với Iran. Sau khi trả khoản tiền 7,5 triệu USD, bà Mạnh được tòa cho tại ngoại trong thời gian chờ quyết định dẫn độ về Mỹ.

Trung Quốc đã cảnh báo Canada về “những hậu quả nghiêm trọng” khi bắt giữ giám đốc tài chính Huawei - hãng viễn thông khổng lồ và là niềm tự hào của Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc bắt giữ công dân Canada.

Mặc dù cả Trung Quốc và Canada đều không xác nhận, song các chuyên gia và bạn bè của ông Kovrig, người đang làm việc tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho rằng thực chất hai vụ bắt giữ này có liên quan đến nhau.

“Trong trường hợp này, rõ ràng chính phủ Trung Quốc muốn gây sức ép tối đa với chính phủ Canada”, cựu đại sứ Canada tại Bắc Kinh Guy Saint-Jacques nói với AFP.

Ông Saint-Jacques chỉ ra một vụ việc tương tự hồi năm 2014 khi cặp đôi Kevin và Julia Garratt, hai nhà viện trợ Cơ đốc Canada, bị bắt ngay sau khi giới chức Canada bắt một công dân Trung Quốc tên Su Bin do liên quan tới một vụ tấn công mạng ở Mỹ.

Bà Julia được thả và cho phép rời khỏi Trung Quốc vào năm 2016. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc ông Kevin tội gián điệp và thả ông này vào năm 2016, chỉ vài tháng sau khi Su Bin đồng ý tới Mỹ và nhận tội.

Mặc dù giới chức Trung Quốc chưa xác nhận tình trạng pháp lý của ông Kovrig song Beijing News, một tờ báo địa phương, đưa tin cựu nhân viên ngoại giao Canada đang bị điều tra vì nghi ngờ “có liên quan tới các hoạt động gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc” - cụm từ thường được dùng trong các vụ bắt gián điệp.

Ngoài Kovrig, Canada cho biết một công dân thứ hai của nước này cũng đang bị các nhà chức trách Trung Quốc thẩm vấn. Báo Globe and Mail xác định danh tính của người này là Michael Spavor, hiện sống ở Trung Quốc và điều hành Paektu Cultural Exchange, một chương trình thúc đẩy trao đổi thể thao và giáo dục với Triều TIên.

"Quân cờ" giữa lúc căng thẳng?


Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Theo AFP, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã đẩy Canada vào thế bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối đầu nhau về thương mại, gián điệp mạng và hàng loạt vấn đề khác.

Cựu Đại sứ Saint-Jacques nhận định cựu nhân viên ngoại giao Kovrig là “một nạn nhân” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Trung Quốc muốn thể hiện cho thế giới thấy rằng họ là siêu cường đối trọng với Mỹ và các nước sẽ phải lựa chọn đứng về phía Mỹ hoặc phía Trung Quốc. Cựu nhân viên ngoại giao Canada chỉ là một quân tốt (trên bàn cờ) và ông ấy sẽ bị mắc kẹt trừ khi bà Mạnh được thả”, Shaun Rein, tác giả cuốn sách The War for China’s Wallet, cho biết.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí đình chiến thương mại trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina hồi tháng trước và đồng ý dừng áp thuế bổ sung với hàng hóa của nhau trong 3 tháng.

“Bằng cách bắt một người Canada, đây là trò chơi quyền lực và Quốc hội Mỹ sẽ không nổi đóa. Các cuộc đàm phán thương mại sẽ vẫn tiếp tục vì Trung Quốc vẫn đang thực thi cam kết tại G20 với ông Trump”, ông Rein nhận định.

Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn chưa gắn vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu với các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh.

Bạn bè mô tả ông Kovrig là một người thân thiện, tử tế và yêu mến Trung Quốc. Tại Hong Kong, ông đang làm việc tại cho ICG, một tổ chức nổi tiếng với sứ mệnh nghiên cứu các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột toàn cầu.

Nhiệm vụ của Kovrig là nghiên cứu và phân tích các vấn đề đói ngoại cũng như các vấn đề an ninh mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt, đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên.

ICG đã phải đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ban hành luật có hiệu lực từ đầu năm 2017 nhằm kiẻm soát chặt chẽ hơn các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 12/12 cho biết ICG đã không đăng ký hoạt động tại Trung Quốc và các nhân viên của tổ chức này có thể “vi phạm” pháp luật nếu họ tham gia vào các hoạt động tại Trung Quốc.

Theo cựu Đại sứ Saint-Jacques, ông Kovrig giữ vị trí nhân viên chính trị tại đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh từ năm 2014-2016. Ông đã gặp những người bất mãn và tới vùng Tân Cương xa xôi ở Trung Quốc.

“Anh ấy là người thực sự tốt, nói chuyện nhẹ nhàng và có tư cách đạo đức tốt”, Tiến sĩ David Zweig, một người bạn của Kovrig, nói, đồng thời cho biết cựu nhân viên ngoại giao Canada là người được kính trọng tại Hong Kong.

“Họ đã bắt được con tin và hy vọng họ sẽ sớm thả anh ấy”, tiến sĩ Zweig, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định.

Thành Đạt

Theo AFP