1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan tham Trung Quốc hết đường trốn ra nước ngoài

Trung Quốc đã vận dụng chính sách đối xử khoan hồng đối với tội phạm bỏ trốn quay về tự thú, để không còn nơi nào trên thế giới trở thành “thiên đường tỵ nạn” cho các phần tử phạm tội tham nhũng.

Diêm Vĩnh Minh bị đưa từ New Zealand về tự thú.
Diêm Vĩnh Minh bị đưa từ New Zealand về tự thú.

Cú lừa “Viên nang Kỳ Thánh”

Diêm Vĩnh Minh sinh năm 1969, có tên khác là Lưu Dương, nguyên Chủ tịch tập đoàn công ty dược Kim Mã Thông Hóa, bị công an thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm lập án điều tra về phạm tội chức vụ và chiếm dụng của công.

Tháng 11/2001 Minh bỏ trốn ra nước ngoài; ngày 22/8/2015 bị Interpol phát lệnh truy nã quốc tế. Tháng 6/2016, Minh đã đạt được thỏa thuận với cảnh sát New Zealand: y sẽ giao nộp 43 triệu NZD tiền phạt (200 triệu NDT) để hòa giải việc cảnh sát New Zealand điều tra y về tội rửa tiền.

Ngày 12/11/2016, Diêm Vĩnh Minh trở về Trung Quốc tự thú sau 15 năm lẩn trốn ở nước ngoài. Ngày 12/1/2017 sau khi bị xét xử ở Trung Quốc, Minh được đưa trở lại New Zealand theo yêu cầu cơ quan pháp luật nước này rồi bị Tòa án Aukland đưa ra xét xử.

Theo kết quả điều tra của cơ quan pháp luật hai nước Trung Quốc và New Zealand, gày 30/6/1992 Diêm Vĩnh Minh cùng người khác đầu tư vốn thành lập công ty hóa chất Tam Lợi Thông Hóa (gọi tắt là “Tam Lợi Hóa công”) với vốn điều lệ đăng ký 460 triệu nhân dân tệ (NDT), trong đó cá nhân Minh chiếm 96%, trở thành một trong vài cự phú ở vùng Đông Bắc khi mới 21 tuổi.

Năm 1993, Xưởng chế biến dược sinh hóa Thông Hóa (viết tắt là Thông Dược) cổ phần hóa trước khi lên sàn chứng khoán, Tam Lợi Hóa công bỏ ra 10 triệu NDT góp vốn để trở thành cổ đông. Tháng 4/1997 cố phiếu phát hành trên sàn, năm 2000, Tam Lợi Hóa công tìm mọi cách thu gom cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn nhất của Thông Dược, Diêm Vĩnh Minh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trên cương vị Chủ tịch tập đoàn Thông Hóa Kim Mã (Thông Dược đổi tên), ngày 1/9/2000 Minh đã chi 318 triệu NDT mua đứt bản quyền viên nang tráng dương kỳ dược “Viên nang Kỳ Thánh”. Vụ mua bán bản quyền viên nhộng với giá trên trời này đã gây chấn động Trung Quốc khi đó.

Tháng 11/2000, Thông Hóa Kim Mã thông báo: “Viên nang Kỳ Thánh” đã mang lại lãi ròng 242 triệu NDT. “Viên nang Kỳ Thánh” lập tức trở thành “câu chuyện thần thoại trên thị trường dược Trung Quốc”, trở thành “máy hút tiền” siêu hạng. Thế nhưng sau khi được thổi lên đến đỉnh, nó rơi xuống rất nhanh, chỉ sau 1 năm nó đã thất bại thảm hại do không tiêu thụ được.

Năm 2001, việc làm ăn của Thông Hóa Kim Mã sa sút theo chiều thẳng đứng, thua lỗ tới 584 triệu NDT, 318 triệu NDT dùng để mua “Viên nang Kỳ Thánh” bốc hơi mất tiêu. Tháng 10 năm đó, Diêm Vĩnh Minh từ bỏ chức Chủ tịch tập đoàn, sau đó ôm theo số tiền lên tới 720 triệu NDT sử dụng hộ chiếu mang tên giả chạy trốn sang Australia rồi qua New Zealand.

Diêm Vĩnh Minh.
Diêm Vĩnh Minh.

Sau khi Diêm Vĩnh Minh bỏ trốn, cảnh sát Trung Quốc và Australia đã phối hợp truy kích liên tục, thu hồi được một phần tang vật. Tháng 11/2007, cảnh sát Australia đã thu hồi, trả về Trung Quốc hơn 2,84 triệu USD tiền tang vật do Diêm Vĩnh Minh chuyển sang Australia, sau đó số tiền này được chuyển trả lại tài khoản của Công ty Thông Hóa Kim Mã.

Bị cảnh sát Australia truy lùng, Diêm Vĩnh Minh trốn sang New Zealand. Tại đây, dưới tên giả, y ăn chơi phè phỡn, tiêu tiền như nước. Báo chí New Zealand từng kể: có lần Minh vào sòng bạc, chỉ sau 82 phút bị thua mất 5 triệu NZD (21 triệu NDT).

Tháng 4/2015, Diêm Vĩnh Minh bị Trung Quốc đưa vào danh sách truy nã quốc tế. Trong thông báo truy nã có nêu: Diêm Vĩnh Minh có 3 chứng minh thư cá nhân, 3 cuốn hộ chiếu trong đó ghi các năm sinh khác nhau là 6/1971, 6/1969 và 10/1972.

Ngày 30/5/2016, Tòa án cấp cao New Zealand tiến hành điều tra quy mô lớn về hoạt động rửa tiền, phát hiện ra hoạt động phạm tội của Diêm Vĩnh Minh - kẻ đứng thứ 5 trong bản “Danh sách 100 người bị Trung Quốc truy nã đỏ quốc tế". Cảnh sát New Zealand đã tiến hành bắt giữ Diêm Vĩnh Minh để phục vụ công tác xét xử.

Theo Tân Hoa xã, hôm 10/5, Bộ Công an Trung Quốc thông báo: Tòa án Aukland (New Zealand) đã kết thúc phiên tòa xét xử “Yong Ming Yan” (Diêm Vĩnh Minh, còn có các tên khác là Bill Liu, Yang Liu), nghi phạm người Trung Quốc nằm trong “Danh sách 100 người bị Interpol truy nã đỏ trên quốc tế” vì phạm tội rửa tiền trên lãnh thổ nước này.

Tòa án đã tuyên phạt Minh 5 tháng tù tại nhà “gia đình giám quản” cộng thêm 6 tháng giám quản sau khi hết hạn. Trước đó, chính phủ New Zealand đã chuyển trả cho Trung Quốc 27,85 triệu NZD (Dolllar New Zealand), tức 130 triệu NDT (429 tỷ VND) tang vật vụ án.

Hôm 10/5, cảnh sát New Zealand thông báo, Diêm Vĩnh Minh trước tòa đã thừa nhận phạm tội rửa tiền theo cáo buộc của công tố viên.

Theo báo Stuff, ông Craig Hamilton, sĩ quan cao cấp cảnh sát New Zealand cho biết, vụ án Diêm Vĩnh Minh rửa tiền bắt đầu điều tra từ tháng 8/2014, số tiền cực lớn, bị cáo có liên quan đến một loạt hành vi lừa đảo ở Trung Quốc vào các năm từ 1999 đến 2001.

Tháng 8/2016, cảnh sát New Zealand đã tịch thu sung công số tài sản 42,85 triệu NZD (202 triệu NDT) tài sản của Diêm Vĩnh Minh, trong đó chuyển trả Trung Quốc 27,85 triệu NZD (130 triệu NDT), giao nộp quốc khố New Zealand 15 triệu NZD (70,80 triệu NDT).

Không còn “thiên đường tỵ nạn”

Văn phòng “Hành động săn Cáo” của Bộ Công an Trung Quốc đã tiến hành hợp tác với cơ quan tư pháp Australia và New Zealand, vận dụng chính sách đối xử khoan hồng đối với tội phạm bỏ trốn quay về tự thú, thực hiện “bắt được người, thu được tiền, trừng phạt được tội”, tung “lưới trời” để không còn nơi nào trên thế giới trở thành “thiên đường tỵ nạn” cho các phần tử phạm tội tham nhũng.

Từ đầu năm 2016, cảnh sát Trung Quốc đã sang New Zealand phối hợp điều tra hoạt động phạm tội của Minh, chuẩn bị dẫn độ, đồng thời thuyết phục Minh chịu về nước tự thú để được hưởng khoan hồng. Do tác động của chính sách khoan hồng và lo sợ bị pháp luật trừng trị, Diêm Vĩnh Minh đã lựa chọn cách trả lại tang vật, nộp phạt, chấp nhận sự xét xử của pháp luật hai nước.

Được biết, tính đến ngày 8/5/2017 trong số 100 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế, đã có 40 người bị bắt quy án. Trong đó, đã xét xử 15 người, 2 người được quyết định không khởi tố, 1 người bị bãi án, tòa án đang xét xử nhưng chưa tuyên án 9 người, đang thẩm tra để khởi tố 13 người.

Thu Thủy (theo báo chí Trung Quốc)

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm