Quan hệ với Nga, điểm nhấn khác biệt mới giữa Obama và Bush
(Dân trí) - Mỹ và Nga vừa cam kết lật sang một trang mới trong quan hệ mà thời gian gần đây từng rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, và khởi động kế hoạch nhằm đạt được thoả thuận về vấn đề tên lửa hạt nhân chiến lược vào cuối năm nay.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo ở Geneva hôm qua.
Những bất đồng giữa họ không phủ bóng lên cuộc gặp đánh dấu một chặng mới trong nỗ lực của tân Tổng thống Barack Obama tiếp xúc với các nước và giúp chính sách ngoại giao của Mỹ hiệu quả hơn. Mặc dù cuộc gặp chưa đưa ra được những quyết định quan trọng, nhưng sự kiện này mở đường cho tiến trình làm dịu căng thẳng và thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trên những vấn đề quốc tế mà Washington rất quan tâm như Afghanistan, Iran.
Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng dưới thời kỳ tổng thống George Bush, đặc biệt là kể từ hồi tháng 8/2008, khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Gruzia. Chính quyền của đảng Cộng hòa lúc đó tìm cách cô lập Mátxcơva, còn Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ngừng các cuộc đối thoại trong khuôn khổ Hội Đồng NATO-Nga.
Chính quyền của tổng thống Obama đã có cách tiếp cận vấn đề khác và chủ trương đối thoại. Tháng trước, tại hội nghị quốc tế về an ninh ở Munich (Đức), phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden nói đến quyết tâm của Washington tạo một đà mới trong quan hệ với Mátxcơva. Vừa qua, trong bức thư gửi ngoại trưởng Nga, bà Hillary hy vọng sẽ mở ra một chương mới trong bang giao song phương.
Theo hướng này, Mỹ đã có những hành động cụ thể. Cách nay ba tuần, tổng thống Barack Obama đã gửi thư cho tổng thống Dmitri Medvedev đề cập đến hồ sơ hạt nhân Iran và dự án lá chắn chống tên lửa mà Mỹ muốn đặt tại châu Âu và bị Mátxcơva phản đối mạnh mẽ. Trong thư, ông Obama nói rõ: nếu Mỹ hạn chế được tham vọng của Iran muốn có vũ khí nguyên tử, thì điều này cũng sẽ làm giảm áp lực hay sự cần thiết phải có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Nga đã tích cực đáp lại mọi nỗ lực cải thiện tình hình của Mỹ. Gạt bỏ mọi tin đồn đổi chác giữa hai hồ sơ nói trên, Tổng thống Nga hoan nghênh đề nghị đối thoại của Mỹ và khẳng định lại là Mátxcơva sẵn sàng tham gia vào hoạt động phòng thủ chống tên lửa trong khuôn khổ một dự án chung.
Ngày 5/3, dưới áp lực của Mỹ, trong cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Brussels (Bỉ), NATO đã quyết định nối lại đối thoại với Nga. Theo lời ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner, một số nước nước khu vực Trung và Đông Âu có phản đối việc này. Tuy nhiên, Bà Hillary đã nói thẳng là không thể trừng phạt nước Nga bằng cách ngừng đối thoại và đã đến lúc phải tìm kiếm một bước khởi động mới, làm việc với Nga trong tinh thần xây dựng. Sau phát biểu này, toàn thể các thành viên chấp thuận nối lại hoạt động của Hội Đồng NATO-Nga.
Cho đến nay, Tổng thống Obama vẫn cho rằng không thể tiến hành dự án lá chắn chống tên lửa tại Đông Âu mà không thảo luận với Nga. Ngoài ra, Washington cũng nhận định là khối NATO đã đi quá nhanh trong việc mở rộng, đón nhận thành viên mới, như Ukraina, Gruzia - những nước nằm sát Nga.
Thái độ của Washington trên hai vấn đề này rõ ràng làm Mátxcơva rất hài lòng. Đáp lại, Nga đã để cho Mỹ và NATO sử dụng đường bộ chuyên trở viện trợ cho Afghanistan.
Theo tờ Washington Post, trong cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước, nhân hội nghị G20 sẽ được tổ chức vào đầu tháng Tư tới tại London (Anh), Tổng thống Obama sẽ nêu ra với Tổng thống Medvedev một loạt những đề nghị nhằm thúc đẩy trở lại quan hệ hợp tác với Nga. Trong số những sáng kiến này có việc đề nghị mở lại vòng đàm phán về giải trừ quân bị. Hiệp định về giảm trừ vũ khí chiến lược (START) năm 1991 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Ưu tiên của chính quyền Obama là ký kết được một văn bản mới thay thế cho hiệp định này.
Nguyễn Viết
Theo Reuters, AFP