Quan hệ quân sự kiểu mới Mỹ - Trung: Bức tranh tương phản
(Dân trí) - Ông Chuck Hagel đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến đi vừa thể hiện bước tiến, vừa cho thấy điểm lùi trong quan hệ song phương khi các điểm thống nhất và khác biệt giữa hai bên ngày càng bộc lộ rõ.
Về mặt tích cực, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết chuyến thăm đã giúp Washington hiểu rõ hơn về Trung Quốc và tiềm năng quân sự của họ. Cụ thể là ngay khi vừa đặt chân tới Trung Quốc, ông Hagel đã được Bắc Kinh mời thăm tàu sân bay Liêu Ninh, theo đề xuất của Mỹ. Động thái này được cả hai bên cho là một sự kiện quan trọng, tạo bước đi tích cực trong việc minh bạch hoá khả năng quân sự của Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Trong động thái đáp lại, dù thừa nhận hai bên còn nhiều khác biệt song ông Hagel vẫn cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ quân sự mang tính xây dựng và hiệu quả với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ Mỹ - Trung đóng vai trò quan trọng đối với sự đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như sự phát triển thịnh vượng của hai cường quốc kinh tế này trong thế kỉ 21.
Ông Thường Vạn Toàn cũng nhấn mạnh đây sẽ là mối quan hệ “quân sự kiểu mới” trên cơ sở tôn trọng các lợi ích căn bản của các bên và hợp tác cùng có lợi.
Đáng lưu ý hơn là những cam kết không chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng. Trước đó, hôm 24/3, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng:“Trung Quốc sẵn sàng xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, đồng thời cùng Washington xây dựng quan hệ song phương trên cơ sở không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”. Tuyên bố này đã làm rõ những gì hai bên cùng hướng tới trong tương lai. Đó là một quan hệ nước lớn kiểu mới trên cơ sở lợi ích và phạm vi chi phối là toàn cầu.
Nhưng bên cạnh các mặt tích cực, chuyến đi cũng bộc lộ những mặt trái trong quan hệ Mỹ - Trung khi càng khoét sâu hơn những khác biệt quan điểm trong giải quyết các tranh chấp ở khu vực. Trong một năm qua, Mỹ không ngừng lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong chuyến thăm này, ông Hagel cũng tái khẳng định quan điểm không bằng lòng với các hành động gây hấn của Bắc Kinh khi thẳng thừng tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông là hành động “khiêu khích đơn phương, làm gia tăng căng thẳng tại một trong những khu vực địa chính trị nhạy cảm nhất”.
Trong phát biểu tại Tokyo trước đó, ông Hagel cũng đã công khai bảo vệ Nhật Bản, một đồng minh lớn của Mỹ và là nước đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc ở Hoa Đông. Ông khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược Nhật – Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và Mỹ sẽ tương trợ Nhật Bản khi nước này bị đe doạ. Đây là thông điệp thẳng thắn hiếm có của người đứng đầu Lầu Năm Góc và hẳn nhiên không thể làm Bắc Kinh hài lòng.
Chính vì vậy, khi đón tiếp ông Hagel ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã khẳng định: "Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hay nhượng bộ (về vấn đề chủ quyền lãnh thổ -Pv). Không có giao dịch, thậm chí không một mảy may vi phạm được cho phép… Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các nước liên quan trực tiếp”. Ông Thường Vạn Toàn cho rằng chính Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, là nhân tố gây bất ổn chính trị trong khu vực và Mỹ không nên “tiếp tay” cho các hành động này. Ngoài ra, ông cũng phản đối việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Những tuyên bố trên cho thấy dù quan hệ hợp tác Mỹ - Trung đã có nhiều dấu hiệu tích cực, song những bất đồng vẫn còn rất lớn do khác biệt về lợi ích. Ông Hagel đến Trung Quốc với thông điệp coi Bắc Kinh là “bạn” của Washington, nhưng với hai bên, chuyến đi không chỉ là chuyến thăm giữa hai người bạn mà còn mang đầy những lo ngại về sự khác biệt quan điểm đòi hỏi phải có thêm nhiều nỗ lực từ cả hai bên.
Hai nước sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể cải thiện quan hệ đối tác, điều hoà những quan điểm khác biệt và tránh nguy cơ có thể dẫn đến đối đầu trong tương lai. Nói theo lời của nhà nghiên cứu Zhao Xiaozhuo thuộc Học viện khoa học quân sự Trung Quốc, "quan hệ quân sự có tác động đòn bẩycho quan hệ Mỹ - Trung. Một bước tiến nhỏ trong lĩnh vực này sẽ nâng tổng thể quan hệ giữa hai nước”.
Khánh Hà