1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc thăng trầm do Trung Quốc trỗi dậy

Nhật báo The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc) số ra mới đây dẫn lời Giáo sư danh dự Masao Okonogi của trường Đại học Keio, một chuyên gia nghiên cứu về Hàn Quốc, cho rằng mối quan hệ Hàn-Nhật đang trở nên xấu đi...

Ảnh minh họa. (Nguồn:

Ảnh minh họa. (Nguồn: brecorder.com)

... Và hiện ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965, có thể là một “sản phẩm phụ” của tình trạng ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực Đông Á.

Theo ông Okonogi, tình trạng bế tắc về ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau của hai nước đối với việc Trung Quốc đang trỗi dậy trong khu vực. Ông nói: “Hàn Quốc coi Trung Quốc là một cơ hội cho hoạt động kinh doanh, còn Nhật Bản thì lại coi đây là một mối đe dọa."

Học giả này cho rằng người dân Nhật đã lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á kể từ năm 2010. Ông nói: “Từ bấy giờ, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường các tham vọng trên biển và đụng độ thường xuyên hơn với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư”. Đây là một quần đảo không có người ở nằm ở biển Hoa Đông do phía Nhật Bản kiểm soát và phía Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Giáo sư Okonogi còn nói một số người tin rằng Hàn Quốc đã đánh mất sự cân bằng trong quan hệ với các nước láng giềng và nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn những tranh cãi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến lịch sử, nhưng học giả này vẫn lạc quan về mối quan hệ lâu dài giữa hai nước khi tiên đoán rằng sẽ có những dấu hiệu của sự thay đổi sau ngày 15/8, tức là dịp kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Ông Okonogi còn cho rằng ít có khả năng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ công bố bất kỳ biện pháp nào có thể tạo ra một bước đột phá về mặt ngoại giao trong bài diễn văn nhân dịp đó. Tuy nhiên, Giáo sư Okonogi nhận định lãnh đạo hai nước sẽ có thể có cuộc gặp thượng đỉnh sau dịp trên vì cả hai phía đều hiểu rõ rằng mối quan hệ xấu đi sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Ông nói: “Vì vậy, hai bên sẽ tìm cách cải thiện quan hệ nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc."

Học giả này cho rằng kể từ khi Hàn Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao 50 năm trước, mối quan hệ song phương đã trải qua ba giai đoạn khác nhau, được thúc đẩy bởi điều mà ông gọi là những thay đổi mang tính hệ thống tách biệt. Trong giai đoạn thứ nhất kéo dài đến cuối năm 1989, tức là khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối quan hệ này phát triển rất tốt đẹp và đạt nhiều kết quả hơn mong đợi.

Trong giai đoạn thứ hai kéo dài đến năm 2010 trước khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành một cường quốc về kinh tế trên thế giới, mối quan hệ Hàn-Nhật không phát triển như mong đợi và vẫn còn một số yếu tố không đáng hài lòng trong mối quan hệ này nhưng dù sao thì đó cũng là một giai đoạn khá tốt so với giai đoạn thứ ba hiện nay.

Trong khi đó, tờ Đại Công báo (Hong Kong) cho hay tại Hội nghị Năng lực lãnh đạo châu Á được tổ chức gần đây tại Hàn Quốc, với tư cách là đại biểu Trung Quốc, ông Diêm Học Thông, chuyên gia chính sách đối ngoại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại thuộc Đại học Thanh Hoa đã có buổi trả lời phỏng vấn báo "Chosun", tờ báo có sức ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc. Ông Diêm Học Thông cho rằng “đồng minh Trung Quốc-Triều Tiên” đã tan vỡ, ở chiều ngược lại Trung - Hàn ngày càng có xu hướng kết thành đồng minh.

Trả lời câu hỏi “Quan hệ Hàn-Trung và đồng minh Hàn-Trung liệu có giống nhau không?” ông Diêm Học Thông cho biết: “Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ 'đồng minh' dùng để chỉ các đối tác có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong tất cả các lĩnh vực như quân sự, chính trị, kinh tế… Hiện nay không nhất thiết phải lý giải từ này với hàm ý tương đồng. Căn cứ theo tình hình hiện nay của hai nước cũng như vấn đề mà hai bên quan tâm lẫn nhau, có thể lựa chọn một lĩnh vực, cường độ hợp tác nhất định…, để liên kết thành đồng minh theo hình thức có thể điều tiết."

Khi được hỏi “Liệu đồng minh Hàn-Trung có xung đột với 'đồng minh thân thiết' được nhắc tới trong 'Hiệp ước hợp tác tương trợ hữu hảo Trung-Triều' hay không”, ông Diêm Học Thông nói trên thực tế quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tan vỡ, quan hệ giữa hai nước hiện nay không thể như trước. Ông nói: “Hiện nay quan hệ Hàn​-Trung tốt hơn nhiều so với quan hệ Triều-Trung.

Đại đa số người Hàn Quốc cho rằng quan hệ Triều-Trung đang ở mức độ đặc biệt mà quan hệ Hàn​-Trung rất khó vượt qua. Khó có thể giải thích tại sao người dân lại có quan điểm này. Về vấn đề hạt nhân, Triều Tiên luôn bất chấp lời khuyên bảo chân thành của Trung Quốc, quan hệ hai nước đang xấu đi. Từ tình hình hiện nay ở Triều Tiên có thể thấy khả năng Chủ tịch Kim Jong Un tới thăm Trung Quốc trong tương lai gần là rất thấp."

Trong khi đó, Ông Mộc Xuân Sơn, bình luận viên khách mời của “Đại Công báo”, lại cho rằng thời gian gần đây tình trạng “binh lính Triều Tiên đào ngũ, vượt biên và giết chết người Trung Quốc” là điểm nóng duy nhất trong quan hệ Trung-Triều.

Ông Mộc Xuân Sơn cho rằng những vụ thảm sát xảy ra nhiều lần này khiến lòng tin của người Trung Quốc đối với Triều Tiên sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Triều không bị vướng mắc bởi vấn đề lịch sử, không có gánh nặng tâm lý đối với lợi ích của Trung Quốc, nên sẽ được coi trọng hơn.

Chính phủ Trung Quốc lặng lẽ tiến hành “điều chỉnh ngoại giao” đối với Triều Tiên. Bắc Kinh cũng sẽ dùng phương thức rõ ràng hơn để hành xử trong mối quan hệ này. Có thể nói tình hữu nghị nhân dân Trung​-Triều được vun đắp từ thế hệ trước đang đối mặt với nguy cơ tan vỡ, mặc dù trước đó có người nói Trung Quốc là người bạn hiếm có của Triều Tiên.

Ông Mộc Xuân Sơn cho biết thêm, điều đáng vui mừng là Trung Quốc và Triều Tiên đang bắt đầu từ quan hệ “đồng minh thân thiết” không bình thường dần dần quá độ thành quan hệ bình thường giữa các quốc gia.

Trên thực tế, Trung Quốc về cơ bản đã chấp nhận cục diện chính trị và kinh tế quốc tế đang tồn tại hiện nay, đồng thời lấy đó làm cơ sở phát triển đất nước lớn mạnh, bên cạnh đó cùng các nước thành viên khác của cộng đồng quốc tế duy trì an ninh quốc tế nhằm đảm bảo những lợi ích đã đạt được của nước này ngày càng mở rộng hơn nữa./.
 
Theo NT (TTXVN/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/quan-he-nhat-banhan-quoc-thang-tram-do-trung-quoc-troi-day/329854.vnp