1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ ra sao khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống?

Sau khi ông Donald Trump đắc cử, dư luận đã có nhiều đồn đoán về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Theo thông báo của Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump, lãnh đạo Nga–Mỹ ngày 14/11 đã có cuộc điện đàm thảo luận về nhiều vấn đề trong đó bao gồm các nguy cơ chung, các vấn đề kinh tế chiến lược cũng như quan hệ hai nước.

Quan hệ Nga-Mỹ được cho là sẽ khởi sắc sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Ảnh: AP
Quan hệ Nga-Mỹ được cho là sẽ khởi sắc sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Ảnh: AP

Hai bên cũng bày tỏ mong muốn hợp tác nhằm bình thường hóa quan hệ cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lập trường chung về quan hệ song phương thông qua hoạt động thương mại.

Đây được xem là động thái quan trọng nhất cho thấy chính quyền Mỹ mới và Nga đều không muốn quan hệ hai nước tiếp tục rơi vào suy thoái. Trong các tuyên bố khi tranh cử của mình, ông Trump cũng thể hiện cách tiếp cận mới đối với Nga, về cơ bản là khác so với quan điểm của phần lớn các nhân vật chủ chốt trong Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ, cụ thể là Mỹ nên giảm bớt giám sát thế giới, trừ phi có ảnh hưởng đến lợi ích của nước Mỹ.

Các tuyên bố này có nhiều điểm có lợi cho chính sách an ninh quốc gia mà Nga công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều tuyên bố mới sau khi đắc cử lại đang quay 180 độ so với trước đó, ví dụ như cam kết liên minh với NATO, ủng hộ quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính vì thế, các dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga cho đến nay mới chỉ dừng lại ở mức lời nói chứ chưa có động thái cụ thể nào.

Trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng tuyên bố Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với chính quyền mới tại Nhà Trắng, song cũng thừa nhận Nga chưa biết nhiều về các chính sách của Tổng thống đắc cử Trump. Dường như phía Nga đang giữ một thái độ khá thận trọng về triển vọng quan hệ với Mỹ.

Thận trọng là một thái độ chung của đa số các quốc gia trên thế giới chứ không riêng đối với Nga. Nhưng có thể nói, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng như nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin với ông Trump đã thể hiện kỳ vọng quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực và bền vững.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã có nhiều phát biểu liên quan đến quan hệ với Nga cũng như giải quyết các vấn đề nóng của thế giới có nhiều quan điểm phù hợp với Nga. Nhưng cho đến nay, ông Trump vẫn chưa đưa ra một chính sách ngoại giao cụ thể nên Nga cũng khó có thể có một thái độ rõ ràng cũng như một lộ trình ngoại giao cụ thể với chính phủ mới do Trump làm Tổng thống.

Một trong những nội dung mà phía Nga coi là cơ bản trong thỏa thuận với Mỹ là “phiến quân ôn hòa ở Syria tách khỏi các tổ chức khủng bố ở Aleppo” vẫn chưa được phía Mỹ tuân thủ cam kết. Thực tế này, đã từng được Thứ trưởng ngoại giao Nga Ryabkov tuyên bố: "liệu chính quyền Mỹ đã sẵn sàng đi theo con đường giải pháp ngoại giao hay không, hay là họ đã xóa bỏ tất cả".

Có thể nói, quan điểm của Nga đã được thể hiện trong những cam kết với Mỹ và Nga không dễ từ bỏ những quan điểm này. Một khi những quan điểm này của Nga không được tuân thủ như đã cam kết thì Nga sẵn sàng hành động đơn phương một cách quyết liệt nhất để duy trì quan điểm của mình

Nga hy vọng ông Trump sẽ đoàn kết với Nga và đặt dấu chấm hết cho xung đột Syria. Thực tế này cũng được ông Fabien Bossar, người đứng đầu Trung tâm chính trị và quan hệ quốc tế Pháp khẳng định: "Ông Donald Trump sẽ gần gũi với Nga về vấn đề giải quyết xung đột Syria, theo tôi cuộc xung đột sẽ chấm dứt và tôi hy vọng trong thực tế điều này xảy ra khi nguồn tài trợ các nhóm cực đoan Hồi giáo trên lãnh thổ Syria bị cắt".

Cho đến thời điểm hiện nay, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về Syria cũng như về cáo buộc của Nga nhằm vào Mỹ.

Quan điểm của Nga và quan điểm của Mỹ về các nhóm xung đột tại Syria hiện nay khác nhau, chính vì thế, hai bên sẽ tiếp tục chỉ trích lẫn nhau về các hành động hiện nay tại Syria. Ngay sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Tổng thống đắc cử Mỹ, Nga tuyên bố mở màn chiến dịch không kích mới tại Syria nhằm vào các vị trí mà Nga cho là căn cứ của các tay súng khủng bố.

Trong khi đó, các thông tin do truyền thông Mỹ tiết lộ cho thấy các lựa chọn sắp tới cho cuộc xung đột này, đối với chính phủ Obama là thiết lập vùng cấm bay tại Syria, đối với Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence là chuẩn bị việc sử dụng không quân tấn công các vị trí quân sự của Tổng thống Syria Assad.

Cả hai lựa chọn này đều khiến mâu thuẫn Nga-Mỹ về Syria gia tăng. Trong thời gian tới, Chính phủ mới tại Mỹ sẽ tập trung củng cố nội các và chú trọng đến các vấn đề đối nội. Do vậy, chính sách đối với Syria của Mỹ dường như sẽ duy trì theo hướng hiện nay và chưa có các điều chỉnh lớn trong ngắn hạn.

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Với những gì mà ông Trump đưa ra trong tranh cử và nếu sẽ được thực thi trong thời gian tới thì hy vọng nước Nga sẽ nắm bắt cơ hội này để không chỉ khôi phục lại mối quan hệ, mà còn sẽ cùng với Mỹ xây dựng một nền tảng quan hệ mới phù hợp hơn với một thế giới đang thay đổi chóng mặt và điều đó sẽ giúp cho mối quan hệ này bền vững trong tương lai.

Lãnh đạo Nga-Mỹ đều đã đưa ra các tuyên bố tích cực, tuy nhiên khả năng cải thiện quan hệ hai nước trong ngắn hạn là hết sức khó khăn. Đa số đội ngũ cố vấn chính sách về Nga của ông Trump đều là những nhân vật diều hâu, có quan điểm chống Nga quyết liệt.

Một lực cản quan trọng trong cải thiện quan hệ hai nước nữa là quốc hội Mỹ, hiện do Đảng Cộng hòa vốn có quan điểm cứng rắn với Nga chiếm đa số tại cả hai viện. Ngoài ra, quan điểm về các mâu thuẫn chính như mở rộng NATO, xung đột tại Trung Đông, kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ vẫn khác nhau nên việc tìm kiếm tiếng nói chung không phải là vấn đề dễ dàng./.

Theo Điệp Anh-Phạm Huân/VOV-Moscow, Washington