1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ - Philippines nồng ấm trở lại

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines nống ấm trở lại với việc khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998, cho phép triển khai binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Philippines.

Đây có thể là một trong những kết quả quan trọng trong hàng loạt các hoạt động ngoại giao sôi nổi của Mỹ trong thời gian gần đây tại Đông Nam Á - khu vực mà Mỹ khẳng định là cốt yếu trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quan hệ Mỹ - Philippines nồng ấm trở lại - 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại Malacañang. Ảnh: Malacañang

Việc khôi phục hoàn toàn thỏa thuận được thực hiện hơn 1 năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo với phía Mỹ về việc sẽ hủy bỏ thỏa thuận do bất bình đối với việc một thượng nghị sỹ nước này bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh Mỹ. Tuy nhiên thời gian qua Philippines đã hai lần đình chỉ quyết định hủy thỏa thuận.

Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang ở thăm khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh, việc khôi phục hoàn toàn thỏa thuận cho thấy mối quan hệ giữa hai nước vẫn đang đi đúng hướng: "Tổng thống Philippines đã quyết định thu hồi hoặc rút lại thư hủy bỏ đối với Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng. Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng hiện có hiệu lực hoàn toàn và chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với Mỹ về các cuộc diễn tập tương lai theo khuôn khổ Thỏa thuận".

Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng đặt ra những quy định về việc luân chuyển hàng nghìn binh sĩ Mỹ vào và ra khỏi Philippines để tham gia các cuộc tập trận và diễn tập. Nếu chấm dứt thỏa thuận sẽ là đòn giáng mạnh vào liên minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, trong bối cảnh cạnh tranh và ảnh hưởng với Trung Quốc gia tăng trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh quyết định này sẽ củng cố hơn nữa liên minh Hiệp ước 70 năm của hai quốc gia: "Các quốc gia đang phải đối mặt với một loạt thách thức, từ khủng hoảng khí hậu đến đại dịch. Trong bối cảnh đó, một liên minh Mỹ - Philippines mạnh mẽ, kiên cường sẽ vẫn là yếu tố quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng được khôi phục hoàn toàn sẽ giúp chúng ta cùng nhau đạt được mục tiêu đó".

Đông Nam Á, nơi sinh sống của 650 triệu người với một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, là một khu vực quan trọng của thế giới và do đó cũng quan trọng đối với Mỹ. Có một số ý kiến cho rằng kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa thực sự có bước đi mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Để một chiến lược châu Á hay cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả hơn, Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa ở khu vực này. Vì vậy đang diễn ra hàng loạt các hoạt động ngoại giao cấp tập tại Đông Nam Á nhằm gửi đi thông điệp về tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chuyến thăm của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và mới nhất Nhà trắng hôm 30/7 thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ công du Đông Nam Á. Trong thông báo Nhà trắng khẳng định chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, xây dựng lại các mối quan hệ đối tác toàn cầu và duy trì an ninh quốc gia.

Với các hoạt động ngoại giao sôi nổi của mình, Mỹ đang muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực quan trọng này, truyền tải thông điệp là "một đối tác đáng tin cậy và là một người bạn luôn xuất hiện khi cần" như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin phát biểu trước báo giới mới đây. Các nhà phân tích nhận định, với chính sách ngoại giao của Mỹ nhằm xây dựng lại quan hệ với các nước đồng minh và đối tác nhằm đối phó với các thách thức, trọng tâm của Mỹ cũng đang hướng tới khu vực châu Á. Vì vậy trong những tháng tới, sẽ có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, với việc thúc đẩy chính sách kết hợp giữa khía cạnh ngoại giao và thương mại để đảm bảo hiệu quả trong chiến lược của Mỹ tại khu vực.