1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

Dù đã to và mạnh hơn trước nhiều, quân đội và hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là lực lượng tầm ngắn và chỉ có ưu thế khi ở gần lãnh thổ nước này.

Dưới đây là phần dịch bài viết của tác giả David Axe đăng trên tờ Fiscal Times nói về thực lực và nhược điểm của quân đội Trung Quốc hiện nay:
 
***

Cả hai tuyên bố sau đây đều đúng

1- Trung Quốc sở hữu một lực lượng quân sự đang được cải tiến nhanh chóng. Trong các cuộc giao chiến ở trên lãnh thổ nước này và trong khu vực, quân đội Trung Quốc có thể sánh bằng, thậm chí đánh bại quân đội Mỹ.

2- Về mặt quân sự, Trung Quốc là một con rồng giấy. Cho dù bề ngoài trông oai phong lẫm liệt đến thế nào chăng nữa, Trung Quốc không có lực để can thiệp vào các sự kiện thế giới ở xa bờ biển nước này.

Lính Trung Quốc. (Ảnh:
Lính Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Nhận ra được sự khác biệt giữa hai ý này là chìa khóa để hiểu các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, các phương tiện quân sự của họ và mối đe dọa mà nước này đặt ra cho các nước láng giềng, Mỹ, cũng như trật tự thế giới hiện tại.

Chưa đủ lực để thành cường quốc quân sự toàn cầu

Theo báo cáo thường niên năm 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các mục tiêu của Bắc Kinh bao gồm “bảo đảm vị thế cường quốc lớn cho Trung Quốc, và cuối cùng là giành lại vị trí nổi bật của Trung Quốc trong khu vực”.

Trung Quốc vẫn chưa phải là một cường quốc quân sự toàn cầu. Trên thực tế, ngay cả bây giờ, họ vẫn chưa muốn mình trở thành như vậy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đất nước đông dân nhất thế giới này không tạo ra mối nguy nào đối với quốc gia giàu có nhất và hùng mạnh nhất của hành tinh hiện nay. Thực sự thì cả Mỹ và Trung Quốc xung khắc với nhau, chủ yếu là do tư duy bành trường lãnh thổ của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương và cách thức mà sự bành trướng đó đe dọa các đồng minh của Mỹ và trật tự kinh tế hậu chiến được tạo ra với phần đóng góp quan trọng của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không thể đương đầu với quân đội Mỹ trên mặt trận toàn cầu. Bắc Kinh thiếu kiến thức chuyên môn sâu, học thuyết quân sự và trang thiết bị để có thể làm được điều đó. Thời kỳ gần đây quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu, và do vậy các chế độ huấn luyện của quân đội này đều thiếu thực tế.

Tân binh Trung Quốc
Tân binh Trung Quốc

Hải, lục, không quân của Trung Quốc có thể được cung cấp nhiều trang thiết bị mới nhưng đa phần những thứ này là được chế tạo dựa trên các thiết kế mà theo tác giả David Axe, là do các tin tặc và điệp viên Trung Quốc lấy được từ phía Mỹ và các quốc gia khác. Đa phần các trang bị và vũ khí của Trung Quốc chưa được trải qua thực chiến (khác với Mỹ và Nga) nên không rõ là những thứ đó có thực sự hiệu quả hay không.

Tuy nhiên điều này không quan trọng vì Trung Quốc chưa quan tâm đến việc triển khai lực lượng và tác chiến trên quy mô toàn cầu như là Mỹ vẫn làm. Ngược lại Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc tác chiến dọc theo biên giới Trung Quốc và đặc biệt là ở các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc – một nhiệm vụ dễ hơn nhiều cho lực lượng binh sĩ thiếu kinh nghiệm của nước này.

Với các yếu kém quân sự của mình, Trung Quốc vẫn có khả năng đánh bại lực lượng của Mỹ nếu họ lựa chọn hoạt động trong khu vực của Trung Quốc hoặc gần Trung Quốc.

Phòng thủ chủ động

Việc Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng tàn bạo Trung Quốc trong thập niên 1930 và 1940 đã có dấu ấn sâu sắc đến sự phát triển của Trung Quốc hiện đại. Trước năm 1985, chiến lược quân sự của Trung Quốc tập trung vào một nỗi sợ hãi lớn – đó là nguy cơ một cuộc xâm lăng nữa, trong trường hợp này (theo cảm nhận của Trung Quốc) là một cuộc tấn công trên bộ từ phía Liên Xô (hồi đó Trung Quốc và Liên Xô bất hòa với nhau và đã từng xảy ra đụng độ vũ trang nhỏ lẻ ở biên giới giữa 2 nước -ND).

Trước nguy cơ nói trên, Trung Quốc tổ chức quân đội theo hướng ưu tiên các lực lượng lục quân tầm ngắn, thiên về phòng ngự. Thực chất, đó là một bức Vạn lý Trường thành gồm binh sĩ và kim loại.

“Mối nguy” từ Liên Xô giảm dần, và vào năm 1985, Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra chiến lược quốc phòng mới. Học thuyết “phòng thủ chủ động” nhằm hướng chiến sự ra xa vùng lõi của Trung Quốc. Học thuyết này hướng sự chú ý từ vùng biên giới trên bộ ở phía tây sang vùng biên giới trên biển ở phía đông, bao gồm Đài Loan, mà trong mắt của Bắc Kinh là một tỉnh ly khai.

Nhưng chiến lược mới này vẫn chủ yếu mang tính phòng ngự. Hải quân Trung Quốc khẳng định “Chúng tôi chỉ tấn công khi bị tấn công”. Lưu ý thêm, theo quan điểm của Trung Quốc, nếu Đài Loan tuyên bố độc lập hoàn toàn một cách chính thức thì đó sẽ là một cuộc “tấn công” vào sự toàn vẹn của Trung Quốc và Trung Quốc có thể tấn công trả đũa hòn đảo này.

Lính biên phòng Trung Quốc trên thao trường. (Ảnh:
Lính biên phòng Trung Quốc trên thao trường. (Ảnh: China Daily)

30 năm sau, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách phòng thủ ngoài khơi, dù là ở cự ly xa hơn. Giờ thì Trung Quốc đã đòi thêm nhiều vùng biển rộng lớn hơn mà trước đây họ không dám làm thế một cách xông xáo. Tuy nhiên chiến lược của Trung Quốc vẫn chưa mở ra tầm toàn cầu.

Chính vì vậy, với hàng trăm tỷ USD mà Bắc Kinh chi cho quân đội (kể từ khi kinh tế nước này cất cánh vào cuối thập niên 1990), và xét đến việc Trung Quốc tối ưu hóa khí tài quân sự cho một cuộc đổ bổ đường biển lên Đài Loan thì Bắc Kinh về cơ bản vẫn sắm vũ khí đa phần là tầm gần và thiên về phòng thủ.

Chỉ ưu thế khi ở “gần nhà”

Trung Quốc có thể sở hữu kho máy bay chiến đấu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ (1.500 của Trung Quốc so với 2.800 của Mỹ), nhưng họ chỉ có một số lượng rất nhỏ máy bay tiếp nhiên liệu trên không có khả năng giúp họ giao chiến ở cách xa căn cứ.

Trong khi đó, Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ đang vận hành tổng công hơn 500 phi cơ tiếp nhiên liệu trên không. Lý do là người Mỹ tham chiến khắp nơi trên thế giới.

Tương tự, hải quân Trung Quốc cũng “to”. Với khoảng 300 tàu chiến, hải quân Trung Quốc về lực lượng chỉ đứng thứ 2 so với 500 tàu đang hoạt động của hải quân Mỹ và bộ chỉ huy vận tải biển của Mỹ. Thế nhưng, hải quân Trung Quốc, cũng như lực lượng không quân của mình, là một lực lượng tầm ngắn. Hạm đội của Bắc Kinh chỉ có 6 tàu hậu cần có khả năng tiếp nhiên liệu và cung cấp hàng thiết yếu cho các tàu khác trên biển để mở rộng tầm vươn khơi của các tàu đó.

Trong khi đó, hạm đội của Mỹ bao gồm hơn 30 con tàu hậu cần như vậy.

Lính Trung Quốc triển khai ra nước ngoài trên tàu chiến. (Ảnh:
Lính Trung Quốc triển khai ra nước ngoài trên tàu chiến. (Ảnh: Stringer)

Hệ quả của việc Bắc Kinh nhấn mạnh đến các lực lượng tầm ngắn là khi quân đội nước này càng tác chiến xa đại lục Trung Hoa thì họ càng ít hiệu quả. Đã thế Bắc Kinh lại có ít đồng minh thân cận, nên gần như không có căn cứ hải ngoại nào mà họ có thể dựa dẫm trong trường hợp xảy ra xung đột. Ngược lại, Lầu Năm Góc có hàng trăm căn cứ ở nước ngoài.

Quân đội Trung Quốc đơn giản là không thể vượt đại dương để đối mặt với quân đội Mỹ ở sân sau của Mỹ. Ngược lại, các lực lượng Mỹ thường xuyên tuần tra quanh không phận và hải phận của Trung Quốc.

Tuy nhiên ở tây Thái Bình Dương, Trung Quốc thực sự đe dọa thế đứng quân sự của Mỹ. Thế mạnh của việc sở hữu một lực lượng hải quân và không quân phòng thủ tầm ngắn là Bắc Kinh có thể nhanh chóng tập trung một lực lượng lớn trên một khu vực địa lý tương đối nhỏ. Số lượng lớn giúp Trung Quốc bù trừ cho chất lượng nhìn chung là thấp của lực lượng quốc phòng nước này.

Ngược lại, do triển khai lực lượng trên cự ly xa và quy mô toàn cầu nên Mỹ thường chỉ có thể triển khai một số lượng nhỏ tàu và máy bay tới một khu vực cụ thể nào đó trong một thời điểm nào đó. Do bị áp đảo về số lượng nên lợi thế của Mỹ về chất lượng tàu và máy bay có thể không còn nhiều ý nghĩa nữa.

RAND, một tổ chức nghiên cứu ở California, trong phân tích của mình năm 2008 đã kết luận rằng Trung Quốc sẽ có lợi thế lớn về số lượng so với Mỹ trong một cuộc không chiến gần Đài Loan. Mức độ lợi thế sẽ phụ thuộc vào việc liệu quân Mỹ xuất kích từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản hay căn cứ không quân Andersen ở Guam.

Bản phân tích cảnh báo: “Trung Quốc có thể chỉ có lợi thế 3:1 về mặt số lượng chiến đấu cơ nếu Mỹ xuất kích từ Kadena. Nhưng nếu Mỹ xuất kích từ Andersen, thì lợi thế cho Trung Quốc sẽ tăng lên thành 10:1”.

Báo cáo phân tích của RAND lưu ý thêm rằng, dù chiến đấu cơ của Mỹ nói chung có ưu thế trước chiến đấu cơ Trung Quốc về mặt công nghệ nhưng sự ưu thế này chưa đạt tới mức độ gấp 10 lần (để bù lại bất lợi về số lượng-ND).

Chuỗi đảo thứ 2

Mỹ sẽ không tấn công vào lục địa Trung Hoa. Nhưng nếu các lợi ích của Mỹ bị tấn công thì điều này sẽ khác.

Trung Quốc có thể sẽ tấn công Đài Loan – đồng minh trên thực tế của Mỹ. Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, động chạm tới hàng loạt các quốc gia khác, bao gồm các đồng minh của Mỹ.

Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển ngày càng hung hăng. Vào cuối năm 2014, Trung Quốc đã leo thang đáng kể các tranh chấp lãnh thổ khi tiến hành nạo vét ở vùng Biển Đông, xây đảo nhân tạo trái phép ở đây, xây dựng cảng, sân bay... biến các đảo mà họ chiếm giữ [trái phép] ở đây thành các tiền đồn cho tham vọng bành trướng của họ.

Như đã phân tích ở trên, Trung Quốc có ưu thế ở “gần nhà”. Thách thức lớn đối với Mỹ là tránh để xảy ra chiến tranh với Trung Quốc nhưng lại vẫn phải ngăn vùng tây Thái Bình Dương khỏi bị Trung Quốc thâu tóm...
Theo Trung Hiếu/VOV.VN (dịch từ Fiscal Times)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm