Quan chức Trung Quốc lợi dụng công tác nước ngoài mua ngà voi trái phép
(Dân trí) - Giới chức ngoại giao và quân đội Trung Quốc đã đổ xô mua ngà voi bất hợp pháp trong các chuyến thăm chính thức tới Tanzania, đẩy giá thành lên cao, một nhóm hoạt động môi trường ngày 6/11 cho biết.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Tanzania vào năm 2013, các thành viên chính phủ và phái đoàn doanh nghiệp của ông đã mua quá nhiều ngà voi tới nỗi giá tăng gấp đôi lên 700 USD/kg, Cơ quan điều tra môi trường (EIA) có trụ sở tại Anh, cho biết trong một báo cáo, dẫn lời những người buôn bán ngà voi tại Dar es Salaam, thành phố lớn nhất của Tanzania.
“Khi khách đến, cả phái đoàn, đó là lúc kinh doanh sôi động”, EIA dẫn lời một người bán hàng có tên là Suleiman, cho hay.
Họ nói rằng người mua đã lợi dụng sự kiểm tra an ninh lỏng lẻo đối với các vị khách ngoại giao nước ngoài để để vận chuyển lậu ngà voi trên máy bay của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các vụ mua bán tương tự cũng diễn ra trong một chuyến thăm trước đó của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, báo cáo cho hay. Đội ngũ nhân viên sứ quán Trung Quốc cũng được miêu tả là “các khách hàng lớn”.
Một chuyến thăm của tàu hải quân Trung Quốc tới Tanzania hồi năm ngoái sau các cuộc tuần tra chống cướp biển tại Vịnh Aden đã “thúc đẩy buôn bán ngà voi tại thành phố Dar es Salaam”, báo cáo cho hay.
Một công dân Trung Quốc có tên là Yu Bo đã bị bắt trong chuyến thăm của hải quân Trung Quốc khi anh này cố gắng vào cảng Dar es Salaam trên một chiếc xe chở 81 chiếc nhà voi, được giấu dưới các bức chạm khắc bằng gỗ mà ông ta dự định chuyển cho 2 quan chức hải quân của Trung Quốc, theo EIA.
Ông Yu đã bị một tòa án địa phương kết án 20 năm tù giam hồi tháng 3.
Tanzania là một đồng minh chủ chốt của Trung Quốc tại Đông Phi và Tổng thống Jakaya Kikwete đã ký kết các thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước.
Tanzania có khoảng 142.000 con voi khi ông nhậm chức hồi năm 2005. EIA cho hay, đến năm 2015, số voi đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 55.000 do nạn săn bắn trái phép.
Việc mua bán ngà voi hoàn toàn bị cấm vào năm 1989 theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) mà cả Trung Quốc và Tanzania đều ký kết.
Trung Quốc thường nói rằng nước này rất chú ý tới việc bảo vệ động vật hoang dã, và trong những năm gần đây đã tiến hành vài vụ bắt giữ những kẻ buôn lậu ngà voi số lượng lớn. Truyền hình cũng chiếu cảnh tiêu hủy ngà voi bị bắt giữ.
Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) ước tính khoảng 25.000 con voi châu Phi đã bị săn bắt để lấy ngà vào năm 2011. WWF dự đoán con số đó còn tăng và và số lượng voi còn lại có thể chỉ là 470.000 cá thể.
An Bình
Theo AFP