1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan chức NATO nêu trường hợp đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức NATO cho biết quân đội của liên minh sẽ đến Ukraine để chiến đấu chống lại lực lượng Nga nếu Moscow không có vũ khí hạt nhân.

Quan chức NATO nêu trường hợp đưa quân tới Ukraine - 1

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer (Ảnh: Getty).

"Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi đã có mặt ở Ukraine để đẩy lùi Nga", Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu Ủy ban Quân sự NATO, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng IISS Prague ở Séc hôm 10/11.

Theo Đô đốc Bauer, "nếu chiến đấu ở Afghanistan, điều đó không giống như chiến đấu với Nga ở Ukraine", vì Taliban không có vũ khí hạt nhân.

"Có một sự khác biệt lớn giữa Afghanistan và Ukraine", chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO nhấn mạnh.

Đô đốc Bauer hồi tháng 3 tuyên bố NATO đã chuẩn bị cho kịch bản một cuộc đụng độ trực tiếp tiềm tàng với Nga.

Quan chức quân sự NATO cho biết liên minh đã ý thức được sự thay đổi trong tình hình an ninh năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2019, NATO bắt đầu thay đổi chiến lược phòng thủ, kế hoạch tác chiến và lực lượng cần thiết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan tới an ninh tập thể.

Ông nói rằng tác chiến hiện đại sẽ có những chiến thuật mới, những cách đánh mới ví dụ như tấn công mạng hoặc các cuộc tấn công vào không gian.

Ông Bauer, người đứng đầu lực lượng vũ trang Hà Lan từ năm 2017 đến năm 2021, thừa nhận phương Tây tin rằng "nếu cung cấp cho Ukraine đạn dược và sự huấn luyện mà họ cần, họ sẽ giành chiến thắng". Tuy nhiên, tình hình thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng.

Mỹ và các đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Phương Tây đến nay chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Kiev. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là "cuộc tấn công chung" và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Sự thay đổi này ngụ ý rằng các quy tắc mới của học thuyết hạt nhân có thể áp dụng cho một cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.

Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi nhận được "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hoặc cuộc không kích do một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga.

Về lý thuyết, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu "sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa".

Nga và Mỹ là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng cộng, Moscow và Washington kiểm soát khoảng 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm