Quan chức Anh: Biến đổi khí hậu có thể hủy hoại sinh kế của 30 triệu người tại Việt Nam
(Dân trí) - Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh Nick Bridge cho biết nếu không giảm khẩn cấp phát thải khí các-bon, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể bị lụt và hủy hoại sinh kế của 30 triệu người.
Ông Nick Bridge, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh, có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 14/5. Trước thềm chuyến thăm, ông Bridge đã viết một bài bình luận về biến đổi khí hậu và hành động mà Anh - Việt Nam có thể thực hiện để giảm thiểu tác động của thách thức toàn cầu này.
Trong tháng này, Nghị viện Anh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và biến đổi khí hậu. Một số nước khác cũng đang tiếp bước chúng tôi. Liên Hợp Quốc cho biết chúng ta chỉ còn 11 năm để hạn chế những thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và hơn một triệu loài sinh vật đang đứng trước khả năng tuyệt chủng vì hoạt động của con người. Chúng ta đang làm xói mòn nhiều nền kinh tế, sinh kế của nhiều người, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng sống trên toàn cầu và chúng ta cần tiến hành những thay đổi nhanh chóng vượt bậc.
Giới trẻ toàn thế giới đang kêu gọi các chính phủ cần thực hiện nhiều hơn và hành động ngay lập tức để ngăn ngừa thảm họa về sau. Đó là lý do vì sao tôi đến Hà Nội vào tuần này. Tôi muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu. Chúng ta có trách nhiệm để con em chúng ta sống trong một thế giới không bị tàn phá bởi các hoạt của con người. Tất cả các quốc gia phải phối hợp cùng nhau để làm cho nền kinh tế xanh hơn và sạch hơn, cho hiện tại và cho các thế hệ tương lai.
Tôi biết rằng người dân Việt Nam cũng quan ngại về tác động của biến đổi khí hậu bởi những ảnh hưởng nặng nề mà nó có thể mang lại. Nhiệt độ có thể tăng thêm hai độ C nếu chúng ta không giảm khẩn cấp phát thải khí các-bon có thể khiến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị lụt và hủy hoại sinh kế của 30 triệu người. Ngập lụt và thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng nông nghiệp và duyên hải ở Việt Nam.
Chúng ta có thể làm gì? Câu trả lời phần lớn nằm ở việc giảm phát thải khí các-bon bằng việc đầu tư nhanh chóng vào tăng trưởng xanh. Năng lượng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp sạch và bền vững đồng nghĩa với năng lượng giá rẻ hơn, nhiều công việc chất lượng tốt hơn, không khí sạch hơn, sức khỏe và dinh dưỡng tốt hơn, nhiều thành phố và thị trấn đáng sống hơn và môi trường tự nhiên dồi dào, phong phú.
Vương quốc Anh, với tư cách là nước tiên phong trong vấn đề khí hậu, đã giảm 43% lượng phát thải kể từ năm 1990 trong quá trình tăng trưởng thêm hai phần ba nền kinh tế. Chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh quá trình này. Ủy ban độc lập về Biến đổi Khí hậu của Vương quốc Anh trong tháng vừa rồi đã khuyến nghị pháp lý hóa ngay việc không phát thải khí nhà kính hoàn toàn cho đến năm 2050, đưa Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thông qua luật để chấm dứt hoàn toàn sự đóng góp vào quá trình nóng lên toàn cầu.
Tất cả các nhà máy điện điện than của chúng tôi sẽ đóng cửa trước hoặc trong năm 2025. Tuần trước Vương quốc Anh công bố vừa có một tuần không hề sử dụng than để sản xuất năng lượng. Đó là một điều tuyệt vời. Mới chỉ bảy năm trước, than là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra 40% năng lượng tại Vương quốc Anh (khá tương đồng với con số 49% của Việt Nam ở thời điểm hiện tại).
Với chiến lược tham vọng về tăng trưởng sạch và đầu tư mạnh mẽ cùng cam kết cho năng lượng tái tạo, thay đổi mang tính căn bản là hoàn toàn có thể và hiệu quả về mặt kinh tế. Điều đó sẽ mang lại lợi ích tới cho cả khí hậu và nền kinh tế. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ước tính rằng cho đến năm 2020, trên toàn thế giới ,năng lượng tái tạo sẽ có giá thành thấp hơn năng lượng hóa thạch không được trợ cấp.
Điện gió ngoài khơi ở Vương quốc Anh (chiếm 40% tổng lượng điện gió toàn thế giới) đã có giá thành thấp hơn điện than, năng lượng hạt nhân và khí mới. Ấn Độ cũng đang đầu tư mạnh vào năng lượng gió và mặt trời - từ 50 lên tới 225 giga-oát trong vòng bốn năm tới. Nam Phi và Chi-lê cũng thành công trong việc loại bỏ điện than.
Tôi được biết Việt Nam đang ngày càng nhận thấy rõ tiềm năng to lớn của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời (hơn rất nhiều so với nước Anh), năng lượng gió và biomass, mặc dù các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam đặt ra vẫn còn khá khiêm tốn - chỉ 6.5% đến năm 2020 và 11% đến năm 2030. Nỗ lực đầu tư nhiều hơn vào ngành năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện năng tăng hàng năm ở mức 11% của mình và cũng như mang đến các cơ hội và phát triển về kinh tế.
Nếu không có sự đầu tư này, có khả năng Việt Nam sẽ phải tăng gấp đôi số nhà máy điện than và do đó sẽ trở thành quốc gia sử dụng than nhiều thứ 4 trên thế giới đến năm 2030 (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia). Điều này cũng khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu giảm phát thải các-bon trong dài hạn, gặp rủi ro về bất ổn tài chính do tài sản mất giá, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng (năng lượng điện than đã gây ra khoảng 8 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm, chủ yếu ở châu Á).
Nick Bridge - Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh