Qua cơn ảo tưởng sức mạnh
Cùng thời điểm tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn quan hệ đổ vỡ với Nga bằng lời xin lỗi được đánh giá là chân thành về vụ tấn công chiếc Su-24 của Nga. Ankara dường như đã “bừng tỉnh” sau cơn ảo tưởng sức mạnh khiến nước này lún sâu vào khủng hoảng toàn diện cả về đối nội lẫn đối ngoại...
Từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm bị chỉ trích bởi sự kiện này đã bộc lộ rõ chính sách đối ngoại cứng rắn và tham vọng của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, “gậy ông đập lưng ông”, lập trường cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ này càng làm tổn hại tới nỗ lực duy trì ảnh hưởng của Ankara ở khu vực.
Khi phong trào “mùa xuân A-rập” bùng phát năm 2010 với cao trào là cuộc khủng hoảng ở Syria, Ankara đã tự phong cho mình là người “điều khiển những trận cuồng phong ở Trung Đông” và có sức mạnh ảnh hưởng ở khu vực. Khi đó nước này từng công khai tham vọng “trở thành một quốc gia được thế giới lắng nghe, chứ không phải là một quốc gia buộc phải nghe lời các nước lớn trên thế giới”.
Còn nhớ sau khi xảy ra sự cố Su-24, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Ahmet Davutoglu đã tuyên bố đầy thách thức rằng: “Sẽ không để bất cứ ai sai khiến mình... Nga nên hiểu đây là khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Những người ở bên kia biên giới đều là anh em của chúng tôi, và nghĩa vụ của chúng tôi là bảo vệ các quyền lợi của họ cũng như bảo vệ biên giới của mình”.
Cùng với đó là những hành động can thiệp vào tình hình Syria của Ankara nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống al- Assad, nhưng không đạt được ý đồ. Thất bại ở Syria cũng chính là sự cáo chung cho những tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ Syria, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông bị đánh giá là “chìm xuống đáy vực” từ trước đó. Bằng các chính sách can thiệp của mình, chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã phá hỏng mối quan hệ với Iraq, Iran, Ai Cập và Israel. Có thể kể tới sự sụp đổ của chính phủ do phong trào “Huynh đệ Hồi giáo” lãnh đạo ở Ai Cập mà Ankara hậu thuẫn. Sau này, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trả giá bằng sự lạnh nhạt của chính phủ mới ở Cairo.
Không chỉ gây xích mích với các nước láng giềng, lập trường bị đánh giá là độc đoán của Tổng thống Tayyip Erdogan đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế đối đầu với châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Thực tế là trong mấy năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nếm trải “vị đắng” của sự cô lập sau khi chuyển từ chính sách “không có mối bất hòa nào với láng giềng” sang tình trạng không có nước láng giềng nào không có vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Asli Aydintasbas, chuyên gia về đối ngoại của Hội đồng châu Âu cho rằng “đây là thời điểm cô đơn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ”.
Sức ép bị quốc tế cô lập ngày càng gia tăng khiến Thổ Nhĩ Kỳ cùng lúc phải đối mặt với nhiều nguy cơ cả về đối nội lẫn đối ngoại, trong bối cảnh phân cực chính trị-xã hội gia tăng, kinh tế sụt giảm, leo thang căng thẳng ở cả trong và ngoài nước. T
ổn hại kinh tế và chính trị vì quan hệ đổ vỡ với Nga, quốc gia đang giữ vai trò nổi bật ở khu vực, đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, là điều không phải bàn cãi. Quan hệ đóng băng với Israel cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại không kém.
Israel là đồng minh quan trọng số 1 ở khu vực của Mỹ, một đồng minh lớn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang mong cải thiện quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ làm lành với Israel là điều Washington mong muốn và chính Mỹ là quốc gia đã đứng ra hòa giải để hai nước bình thường hóa quan hệ. Nối lại quan hệ với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ rất kỳ vọng vào dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Israel sang Síp đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm phụ thuộc vào Nga.
Thực tế là Ankara cần cả Nga và Israel cho nhu cầu năng lượng của mình vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng ấp ủ dự án đường dẫn khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ xuống phía Nam châu Âu mang lại lợi ích to lớn cho nước này. Vả lại, Ankara cũng không dại gì đẩy sự việc đi quá xa để khắc sâu thêm mâu thuẫn với hai nước đồng minh truyền thống quan trọng này.
Và điều không thể không nhắc tới, đó là thách thức an ninh nghiêm trọng của Thổ Nhĩ Kỳ do mối đe dọa tấn công khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các hoạt động chống đối chính quyền từ phong trào chính trị của người Kurd.
Trong khi đó, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo kéo theo những hệ lụy xấu cho khối, khiến cho EU kém phần hấp dẫn hơn trước đối với Ankara cùng những tác động xấu tới kinh tế thế giới, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải xem xét lại các bước đi ngoại giao của mình trong bối cảnh nước này đang trong quá trình đàm phán để gia nhập EU.
Trong cục diện rối như mớ bòng bong ấy, Ankara buộc phải lựa chọn giữa tham vọng chính trị có vẻ viển vông ở khu vực và lợi ích kinh tế cũng như an ninh trước mắt. Quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel và nỗ lực hàn gắn với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ankara theo hướng mềm mỏng và có phần thực dụng hơn cả trước đây.
Hòa giải với cả Nga và Israel, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố ở trong nước cũng như khu vực đang là mối lo ngại hàng đầu. Quan trọng hơn, nó sẽ góp phần cải thiện hình ảnh “ông bạn láng giềng xấu xí” nuôi tham vọng mở rộng vai trò bằng các chiêu bài hậu thuẫn chính trị và quân sự không được hoan nghênh. Đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước cởi mở, linh hoạt và có trách nhiệm hơn trong các vấn đề đối ngoại ở khu vực bất ổn mà nước này được đánh giá là đóng vai trò “mỏ neo”.
Dù thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực, được xem là mô hình cho các nước Hồi giáo khác bởi tương đối dân chủ và có nền kinh tế vận hành khá hiệu quả.
Đây là một bước đi khôn khéo của chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đang phải hứng chịu búa rìu dư luận bởi lập trường cứng rắn trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Chính quyền của ông từng bị công kích không chỉ bởi tham vọng trở nên vĩ đại kiểu khôi phục đế chế Ottoman, mà còn bị chỉ trích vì tham vọng củng cố quyền lực của tổng thống.
Trên thực tế, cách đây vài năm trước khi xuất hiện phong trào “Mùa xuân A-rập”, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là khôn khéo và hiệu quả khi Ankara chủ trương xây dựng các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và dần giành được vị trí chi phối trong khu vực. Ankara đã khéo léo khai thác “quyền lực mềm” thông qua dân chủ và cải cách kinh tế trong nước, cùng với chính sách ngoại giao sắc sảo giúp Ankara đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột khu vực.
Vì vậy, sau những tính toán chính trị sai lầm và bước đi chưa phù hợp, Ankara đang đi những bước sửa sai cần thiết, vừa góp phần bảo đảm những lợi ích sống còn, vừa giúp nước này từng bước giành lại sức mạnh ở khu vực.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội nhân dân