1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "xuống nước" trước Putin?

Trang web của Kremlin, ngày 27/6, đăng trích đoạn thư của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan gửi tới người đồng cấp Nga Vladimir Putin với nội dung xin lỗi vì bắn hạ chiến cơ Nga và đề nghị bồi thường cho gia đình viên phi công xấu số.

Có thể những lý do kinh tế là động cơ dẫn đến lời xin lỗi bất ngờ này. Nhưng sự tương đồng về tính toán và lợi ích của họ trong việc thực hiện các thỏa thuận có thể đã góp phần khép lại bất đồng, theo nhà bình luận Leonid Bershidsky của hãng thông tấn Bloomberg.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ sẽ tiến lại gần nhau hơn. (Ảnh: Bloomberg)
Hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ sẽ tiến lại gần nhau hơn. (Ảnh: Bloomberg)

Máy bay Nga đã bị Ankara bắn rơi vì bay sang không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc làm nhiệm vụ ở biên giới Syria ngày 24/11 năm ngoái. Ngay khi đó, Tổng thống Nga đã đòi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi và bồi thường thiệt hại, nhưng ông Erdogan khẳng định chính Putin mới là người phải làm như vậy vì vi phạm không phận.

Cả hai bên cáo buộc nhau hậu thuẫn khủng bố ở Syria. Khẩu chiến hai bên có lúc leo thang đỉnh điểm, khiến cho bất đồng tưởng chừng không thể xóa bỏ.

Để trừng phạt Ankara, Moscow dừng mọi chương trình du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ, cấm cửa các hãng xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng nhập khẩu trái cây, rau củ và gia cầm từ nước này. Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu ước tính, cấm vận của Nga đã khiến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3-0,7 điểm phần trăm trong năm 2016.

Bất chấp thực tế đó, ông Erdogan vẫn không nao núng.

Tuy nhiên, không chỉ có người Nga mà cả người châu Âu cũng không muốn đến Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại an ninh. Tình trạng kéo dài như vậy có lẽ đã làm ông Erdogan thay đổi thái độ, nhưng tính toán của ông có thể còn tinh vi hơn.

Ngay khi Kremlin đăng tải lời xin lỗi của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel thông báo bình thường hóa quan hệ. Hai bên đã rơi vào căng thẳng 8 năm trước, sau khi 8 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc tập kích của Israel nhằm vào một nhóm tàu hướng tới Gaza.

Giờ đây, quan hệ tốt đẹp với Tel Aviv sẽ cho phép Ankara đa dạng hóa nguồn cung năng lượng: Israel có thể xây một đường ống khí đốt tới Cộng hòa Síp và dự án này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Hiện hãng quốc doanh Nga Gazprom đáp ứng khoảng 55% nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga phản đối gay gắt đề xuất đường ống khí kể trên.

Phía Israel biết rõ rủi ro đối với dự án nên có nhiều kế hoạch thay thế để đưa khí đốt tới Ai Cập, hóa lỏng khí tại đây và dùng tàu chở đi xuất khẩu. Để hiện thực hóa dự án, ông Erdogan cần đối thoại với Nga, có lẽ là để hồi sinh các kế hoạch đã "xếp xó" về một đường ống khí mới tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo ra một trung tâm để xuất khẩu xa hơn nữa tới phía nam châu Âu.

Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ như một "người gác cổng" ở Trung Đông cần đến mối quan hệ hữu nghị với các đối tác then chốt. Ông Erdogan là một chính trị gia lão luyện nên ông hiểu sẽ dễ dàng hơn nếu duy trì quan hệ thực dụng với Tổng thống Nga Putin.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet