Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:
Putin tung “đòn chí mạng” vào châu Âu?
Việc Nga ngưng dự án cung cấp khí đốt cho châu Âu đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho đây là thất bại của Moskva trước sức ép của phương Tây, số khác lại cho đây là đòn chí mạng mà ông chủ Điện Kremlin muốn đánh vào châu Âu.
Ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay hiện nước này không thể tiếp tục xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" để vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu. Trách nhiệm của việc hủy bỏ vô thời hạn này thuộc về châu Âu. Cụ thể là theo ông Putin, EU đã ép buộc Bulgari không cấp giấy phép cho việc xây dựng đường ống dưới biển.
Thậm chí phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich ngày 2/12 còn cảnh báo rằng những ai "phá vỡ" dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” phải tính tới những hậu quả của hành động này.
Hiện lãnh đạo châu Âu chưa có phát biểu gì trước thông báo của Nga mà đến nay chỉ có phản ứng từ Bulgari. Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev ngày 2/12 đã phủ nhận trách nhiệm của Sofia liên quan đến quyết định của Nga về việc ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Theo ông Plevneliev "Dòng chảy phương Nam" không chỉ là dự án giữa Nga và Bulgaria mà là giữa Nga với EU... Quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào Nga và EU. Chính phủ Bulgaria nói họ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Moskva về việc ngừng hẳn dự án “Dòng chảy phương Nam”.
Và để thay thế dự án vừa bị hủy bỏ, Tổng thống Putin đã đưa ra kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn ngầm dưới biển tới Thổ Nhĩ Kỳ kết nối với một trung tâm khí đốt ở rìa phía Đông nam của châu Âu trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, nhằm cung cấp khí đốt cho khu vực Nam Âu.
Nếu đúng theo những gì Moskva công bố thì đây có thể là thất bại của Nga. Đặc biệt là dự án "Dòng chảy phương Nam" nếu đi vào hoạt động sẽ đem lại cho Nga nhiều tỉ USD từ tiền bán khí đốt. Tuy nhiên, nếu đặt quyết định của ông Putin vào bối cảnh Nga và phương Tây đang đối đầu vì Ukraina, nhiều chuyên gia cho rằng việc ngừng dự án khí đốt có hại nhiều hơn cho châu Âu hơn là đối với Nga.
“Dòng chảy phương Nam” được thiết kế để vận chuyển đến 63 tỉ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới miền Trung và miền Nam châu Âu mà không đi qua Ukraina. Điều đáng nói là Nga không bỏ toàn bộ tiền ra xây dựng dự án này. Các cổ đông chính của hệ thống đường ống dẫn khí đốt bao gồm Gazprom với 50%, Eni của Italia với 20%, Wintershall của Đức với 15% và GDF của Pháp với 15% còn lại, họ đều là các công ty nhà nước của châu Âu. “Dòng chảy phương Nam” bắt đầu khởi công vào tháng 12/2012 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2015.
Thực tế, việc ngưng dự án này sẽ giúp Nga hạn chế được chi ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm và kinh tế Nga đang phải chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Mặt khác, “Dòng chảy phương Nam” hiện vẫn chưa đi vào hoạt động nên chưa đem lại tiền cho chính phủ Nga. Quyết định ngưng dự án này có thể nói là có lợi cho Nga về ngân sách trong ngắn hạn.
Nhưng các nước châu Âu đã có vẻ nháo nhào trước quyết định của Nga. Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev và người đồng cấp Áo Heinz Fischer đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nối lại dự án "Dòng chảy phương Nam".
Đối với những nước mà “Dòng chảy phương Nam” đi qua, dự án này được xem là một chính sách bảo đảm cho họ về việc không tái diễn sự kiện hồi tháng 1/2009 khi cuộc chiến về giá cả khí đốt giữa Nga và Ukraina đã khiến Kiev chặn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, đẩy nhiều nước vào tình trạng thiếu nhiên liệu thiết yếu trong mùa đông giá rét.
Dự án “Dòng chảy phương Nam” ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định cho nhiều nước châu Âu còn giúp các nước ở dọc tuyến đường ống dẫn khí có được những khoản tiền phí trung chuyển lớn và công ăn việc làm cho người dân.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là đòn đáp trả mạnh tay của ông Putin đối với EU vì Cựu lục địa đang phụ thuộc tới 1/3 nguồn cung khí đốt vào Nga. Theo nhiều nhà phân tích, bất kỳ động thái nào liên quan tới mặt hàng này cũng có thể là nguyên nhân khiến nội bộ EU lục đục. Đơn cử như “Dòng chảy phương Nam”, việc hủy bỏ dự án này có thể khiến Bulgaria mất đi nhiều lợi ích, trong đó, riêng nguồn thu ngân sách từ phí trung chuyển khí đốt sẽ đem lại cho Sofia 400 triệu euro/năm.
Việc chấm dứt dự án “Dòng chảy phương Nam” chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn các nước trên khắp châu Âu. EU đang tự làm tổn thương chính mình vì việc cản trở dự án của Nga. Đây rõ ràng là một kết cục thua cuộc cho tất cả mọi người. Một loạt nước châu Âu đáng ra đã thực sự có sự bảo đảm về vấn đề nguồn cung cấp khí đốt nhưng giờ họ không biết bám víu vào đâu.