1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Putin trải lòng về những ký ức không bao giờ phai nhạt về Thế chiến II

(Dân trí) - Ngày Chiến thắng luôn là một ngày trọng đại đối với người Nga, không phải bởi sự huy hoàng của chiến thắng, mà bởi hầu như mọi người Nga, trong đó có gia đình Tổng thống Vladimir Putin, đều phải chịu hệ quả sâu sắc của Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Putin trải lòng về những ký ức không bao giờ phai nhạt về Thế chiến II

Người phụ nữ cầm ảnh của cha đẻ và cha chồng, các cựu chiến binh sau Chiến tranh Thế giới II. (Ảnh: AP)

Trên tạp chí Russkiy Pinoner tháng này, Tổng thống Vladimir Putin  kể lại câu chuyện đau lòng về những khó khăn của gia đình ông khi gắng gượng vượt qua những ngày khốc liệt của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thời kỳ đầu của cuộc chiến, cha của Tổng thống Putin, cũng tên là Vladimir Putin, đã tham gia một biệt đội có nhiệm vụ phá hủy cầu, đường sắt và các địa điểm chiến lược khác. Nhưng do bị phản bội, biệt đội nhanh chóng bị quân phát-xít phát hiện và họ rơi vào ổ mai phục.

Khi người Đức truy đuổi các chiến sĩ Nga, ông Putin cha đã tìm cách thoát được. Ông mất nhiều giờ đồng hồ lẩn trốn trong một bãi lầy, thở qua một cọc sậy, chờ cho đến khi tên địch cuối cùng rời đi.

Ngay sau đó, Putin cha được cử đến Nevsky Pyatachok, một trong những chiến trường đẫm máu nhất lúc bấy giờ. Ông trúng đạn bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Suốt phần đời còn lại, mảnh đạn luôn nằm trong chân ông.

Trong khi đó, con trai ông, tức anh trai của ông chủ điện Kremlin Vladimir Putin, mất do bệnh bạch hầu. Anh được chôn tại nghĩa trang Piskaryovskoye của thành phố, cùng với khoảng 470.000 công dân và chiến sĩ khác trong hàng chục ngôi mộ chung khổng lồ.

Khi Putin đến thăm St. Petersburg (thành phố mang tên Leningrad trước đây), ông thường đặt hoa lên một trong những ngôi mộ chung của nghĩa trang, nơi được cho là có di hài của anh trai ông.

Tổng thống Putin kính cẩn đặt hoa tại nghĩa trang St.Petersburg. (Ảnh:

Tổng thống Putin kính cẩn đặt hoa tại nghĩa trang St.Petersburg. (Ảnh: AFP)

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Leningrad trở thành chiến trường tang thương nhất trong lịch sử. Nạn đói tại đây đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người từ 1941 – 1944.

Khi trở về từ bệnh viện, Putin cha nhìn thấy những người lính cứu thương đang chuyển các xác chết từ tòa nhà của ông đi chôn cất. Chợt nhận ra vợ mình vẫn đang thoi thóp thở trên một chiếc cáng cứu thương, ông chống nạng đến bên, kêu lên rằng bà vẫn còn sống. Những người lính cứu thương nói với ông rằng cái chết với bà chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng ông cương quyết yêu cầu họ đưa bà quay vào nhà.

Và nhờ vậy người vợ được cứu thoát, năm 1952 bà hạ sinh vị tổng thống tương lai của nước Nga. Bà qua đời năm 1999, chỉ  một năm sau khi Putin cha ra đi năm 1998.

Nhiều năm qua, nhiều nhà phân tích cho rằng tác động của cuộc chiến tranh đối với gia đình đã góp phần chủ yếu định hình thế giới quan của Tổng thống Putin, tạo nên nỗi sợ bị phản bội, đồng thời củng cố lòng trung thành của ông với một nhóm bạn bè và đồng minh thân cận.

Thế chiến II để lại dấu ấn không thể phai nhòa cho nước Nga

Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm trưng cầu dân ý Levada tại Mátxcơva, 52% số người Nga nói rằng ít nhất một người thân của họ đã chết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Rất nhiều người khác đã từng nghe cha mẹ, ông bà kể những câu chuyện về khó khăn và hỗn loạn thời kỳ đó.

Không có gì đáng ngạc nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng 42% người Nga coi Ngày Chiến thắng là một trong những dịp quan trọng nhất trong năm, cũng giống như những ngày có ý nghĩa gia đình như đêm giao thừa và sinh nhật.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra người Nga ngày càng tin tưởng vào vai trò của nước Nga trong cuộc chiến. Khoảng 60% số người Nga tin rằng Liên Xô có thể giành chiến thắng mà không cần sự trợ giúp của các đồng minh thời chiến, tăng 12% so với 5 năm trước.
 
Cuộc khảo sát có sự tham gia của 1.600 người với xác suất sai số dưới 3.4%.

Lễ diễu binh hùng tráng

Lễ diễu binh tại Mátxcơva ngày 9/5 sẽ có những loại vũ khí mới nhất của Nga. (Ảnh:

Lễ diễu binh tại Mátxcơva ngày 9/5 sẽ có những loại vũ khí mới nhất của Nga. (Ảnh: AP)

Với niềm tự hào sâu sắc, Mátxcơva đã sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lớn nhất trong lịch sử hậu Xô-viết.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Sergei Ivanov, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga và cũng là Chủ tịch Hội đồng tổ chức Ngày Chiến thắng, cho biết 28,5 tỷ rúp (khoảng 562 triệu USD) đã được huy động cho lễ kỷ niệm, trong đó phần lớn được dành cho các cựu chiến binh.

 “Tôi muốn nhấn mạnh một điểm cực kỳ quan trọng: Phần lớn số tiền được huy động không phải chỉ dành riêng cho lễ kỷ niệm, mà cho các cựu chiến binh. Chính xác là 12,5 tỷ rúp được dùng để xây nhà cho các cựu chiến binh và 12,3 tỷ rúp là các trợ cấp xã hội cho cựu chiến binh. Số tiền nhỏ còn lại mới là toàn bộ ngân sách cho tất cả các sự kiện khác”, ông Ivanov nêu rõ khi trả lời phỏng vấn.

Kênh tin tức RBC ước tính khoảng 7 tỷ rúp sẽ được chi cho quảng cáo, pháo hoa, các buổi hòa nhạc, các công trình kỷ niệm, huân huy chương và các màn diễu binh hoành tráng trên toàn nước Nga.

Theo hãng tin RIA Novotis, màn diễu binh tại Mátxcơva sẽ có những loại vũ khí mới nhất của Nga, bao gồm hệ thống tên lửa di động RS-24 Yars có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, 732 binh sĩ nước ngoài cũng sẽ tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ.

Theo Vladimir Gelman, một giáo sư về khoa học chính trị của Đại học Châu Âu tại St. Peterburg, Nga cần thể hiện sức mạnh quốc gia, thứ mà sách vở không thể mô tả hết, nhưng màn diễu binh thì có thể.

“Cách duy nhất để Nga có thể đảm bảo được nhìn nhận như một cường quốc hùng mạnh chính là thể hiện sức mạnh rõ ràng của chúng ta”, ông Gelman nói với The Moscow Times trong một cuộc phỏng vấn.

Nghi Phương
Theo The Moscow Times, RBC, RIA