1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Putin ra lệnh điều tra vụ tàu ngầm mắc cạn

Hôm qua, Tổng thống Nga Putin ra lệnh mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ chiếc tàu ngầm mini Priz bị kẹt dưới đáy Thái Bình Dương suốt 76 tiếng và chỉ được <a href="http://dantri.com.vn/Thegioi/2005/8/70320.vip">giải cứu</a> với sự giúp đỡ của nước ngoài.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga là Alexei Gromov cho biết, ông chủ Điện Kremlin yêu cầu đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov phải tiến hành cuộc điều tra một cách chi tiết.

 

Trước đó, giới chức Nga cũng bày tỏ sự cảm ơn tới đội cứu hộ của hải quân Anh đã sử dụng loại robot lặn sâu Scorpio 45 cắt đứt các dây cáp và mớ lưới quấn quanh chiếc tàu ngầm Priz, giúp nó trồi lên được mặt nước kịp thời, trước khi lượng dưỡng khí dự trữ cho các thuỷ thủ bị cạn kiệt.

 

Khi tàu vừa nổi lên, cả 7 thuỷ thủ lần lượt tự chui ra ngoài mà không cần sự hỗ trợ nào. Họ phải chống trọi với cái lạnh khoảng 6 độ C suốt gần 3 ngày với nguy cơ hết ôxy để hô hấp. Khoảng 5 tiếng sau khi được cứu, 6 thuỷ thủ được đưa về đất liền và nhập viện để kiểm tra. Người thứ bảy vẫn ở lại trên một con tàu y tế vì những lý do chưa được thông báo.

 

Chỉ huy tàu Priz Vyacheslav Milashevsky vẫn đủ sức giơ tay chào theo kiểu nhà binh khi về đến thành phố Patrovpavlovsk-Kamchatsky, trước sự chào đón của người thân và người dân địa phương. Trông anh nhợt nhạt nhưng bước đi một cách tự tin và khẳng định với các phóng viên rằng mình cảm thấy "khoẻ".

 

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov được cử tới bán đảo Kamchatka, thuộc vùng Viễn Đông, để thị sát chiến dịch giải cứu. Ông đã lên một chiếc tàu hải quân để tới hiện trường và gọi các thuỷ thủ tàu Priz bị mắc cạn là những "người anh hùng". Nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa có lời bình luận nào về sự kiện con tàu này lâm nạn và được giải cứu thành công.

 

Theo các nhà phân tích, có hai câu hỏi đặt ra hiện nay sau sự kiện trên. Thứ nhất là tại sao Nga vẫn không có một thiết bị cứu hộ hiện đại có khả năng lặn sâu, dù thảm kịch tàu ngầm Kursk làm 118 thuỷ thủ thiệt mạng đã trôi qua 5 năm.

 

Thứ hai là việc tại sao thông tin về vụ tai nạn này do phía hải quân thông báo lại một lần nữa bị chậm chễ và sau đó là hàng loạt những thông tin mâu thuẫn nhau.

 

Chiếc tàu ngầm mini có chức năng cứu hộ mang tên Priz bị mắc cạn dưới độ sâu 190 hôm thứ năm, khi đang tham gia một cuộc tập trận. Sau một vài nỗ lực kéo tàu lên vùng nước nông của lực lượng cứu hộ Nga thất bại, tàu ngầm không người lái của Anh Scorpio 45 vào cuộc và thành công chỉ trong vòng 2 tiếng hoạt động.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/Interfax, BBC