1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Putin: Không thấy thất bại nghiêm trọng nào khi làm tổng thống

(Dân trí) - Trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống, Putin đã giãi bày tất cả, từ tin tưởng vào sự đi lên của nước Nga, tố cáo phương Tây đang làm sống lại cuộc Chiến tranh lạnh, đến hi vọng sẽ là một thủ tướng quyền lực lâu dài, sau khi mãn nhiệm.

Hơi cúi người vững chãi trên chiếc bàn họp báo, đối diện với hơn 1.000 nhà báo từ khắp nước Nga và thế giới, nhà lãnh đạo Putin có một cuộc “trình diễn” cuối cùng đối với "thương hiệu" tổng thống Nga của mình.

 

Trong bộ vest màu xanh sẫm, ca vát kẻ sọc, như thường thấy Putin đặt hai tay lên bàn khi nói chuyện. Những câu trả lời của ông ngắn gọn, đơn giản, sắc nhọn, và thường cũng rất hóm hỉnh, đôi khi còn “tán tỉnh” các phóng viên, khiến buổi họp báo thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười và những tràng pháo tay.  Nhà lãnh đạo lúc đó lại nhấp ly trà.

 

Tự tin và thoải mái, Tổng thống Putin đã dành tổng cộng 4 giờ 40 phút để trả lời các câu hỏi. Đây là thời gian kỷ lục đối với một cuộc họp báo của nhà lãnh đạo Nga. Nó như chứng tỏ, ông vẫn còn chưa vội xa rời chính trường.

 

Không có thất bại nghiêm trọng nào

 

“Tôi không thấy bất cứ thất bại nghiêm trọng nào”, Putin nói trong phòng họp ở điện Kremlin. “Tất cả các mục tiêu đặt ra đều đã đạt được, và các nhiệm vụ đã được hoàn thành”.

 

Và Tổng thống Putin cũng lật lại chủ để xuyên suốt nhiệm kỳ hai của ông: rằng Mátxcơva một lần nữa là một cường quốc thế giới, nếu không được yêu mến, thì nhất thiết phải được Mỹ và châu Âu tôn trọng.

 

Putin khẳng định năm 2007 là năm “rất thành công” đối với kinh tế Nga. “Tăng trưởng kinh tế Nga đạt 8,1% trong năm ngoái, và sức mua sắm đứng thứ 7 trong các nền kinh tế thế giới. “Chúng tôi đã lấy lại được nền móng cho nền kinh tế Nga trên cơ sở kinh tế thị trường hoàn toàn mới và đang nhanh chóng hướng tới trở thành một trong những “ông lớn” của nền kinh tế thế giới”.

 

Sẽ là thủ tướng lâu dài, quyền lực

 

Người dân Nga sẽ đi bầu cử chọn tổng thống mới vào ngày 2/3 này và Putin sẽ từ nhiệm vào tháng 5. Tuy nhiên, người bạn lâu năm đồng thời cũng là đồng minh thân cận của Putin, Medvedev, chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ông Putin cũng đã đồng ý sẽ trở thành thủ tướng Nga.

 

Chính vì vậy có nhiều lời đồn đoán rằng Putin sẽ chỉ làm thủ tướng tạm thời. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông khẳng định, ông đã hứa với mình sẽ tại vị cho đến khi hoàn thành được nhiệm vụ mà ông đã nhận.

 

“Vị trí thủ tướng không phải là vị trí chuyển giao”, Putin nói. “Nếu tôi có thể thấy ở cương vị này tôi đạt được những mục tiêu đã đặt ra, tôi sẽ làm việc trong thời gian lâu nhất có thể”.

 

Khi được hỏi về vai trò của ông trên cương vị là thủ tướng sau khi mãn nhiệm tổng thống, Putin cho biết Nga sẽ sắp xếp lại một cách hợp lý mối quan hệ giữa tổng thống và chính phủ.

 

Ông nhấn mạnh rằng sẽ lãnh đạo chính phủ theo Medvedev. Trong khi Tổng thống đặt ra đường lối cho đất nước, thì “quyền lực quản lý cao nhất của đất nước thuộc về chính phủ Liên bang Nga” – mà ông sẽ là người đứng đầu với tư cách là thủ tướng.

 

Không muốn đối đầu

 

Khi nói về khả năng Ukraine gia nhập NATO, Putin cảnh báo Nga có thể sẽ chĩa tên lửa về phía Ukraine. “Chúng tôi sẽ phải chĩa tên lửa của chúng tôi vào những vị trí mà theo chúng tôi có thể đe dọa đến an ninh của nước chúng tôi”.

 

Tuy nhiên, Putin khẳng định Nga không có ý định tìm kiếm sự đối đầu với bất kỳ nước nào và không muốn trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh. “Chúng tôi sẽ không bao giờ muốn đối đầu, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền chiến đấu cho quyền lợi của chúng tôi, chỉ như các đối tác đã làm”.

 

“Giả thuyết rằng chúng tôi muốn trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh là một giả thuyết trâng tráo. Chúng tôi không có hứng thú với điều đó”, ông khẳng định.

 

Về vấn đề Kosovo, Putin cho biết việc ủng hộ việc tuyên bố độc lập đơn phương là “phi đạo đức” và “bất hợp pháp”. Putin kêu gọi các bên liên quan tuân thủ theo đúng nghị quyết của LHQ và kêu gọi EU từ bỏ tiêu chuẩn nước đôi đối với Kosovo.

 

Khi nhắc đến nước Mỹ, Tổng thống Putin bày tỏ cảm thông đối với trọng trách của Tổng thống Mỹ. Theo Putin, đó có thể là một trọng trách khó khăn hơn trọng trách của ông, và ít người có thể hiểu được gánh nặng mà Tổng thống Bush đang mang trên vai.

 

Tuy nhiên, Putin cũng liên tục chỉ trích Mỹ và NATO hiếu chiến trong nhiều vấn đề, khiến Nga buộc phải hành động.

Ông cáo buộc NATO đang xâm lấn thêm về phía biên giới Nga bằng cách lôi kéo Ukraine và chỉ trích kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu. Tổng thống Nga cho rằng, hai hành động này sẽ buộc điện Kremlin phải tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng hạt nhân.

  

Tuy nhiên, bất chấp những bất đồng, Putin cho biết sẵn sàng hợp tác với tổng thống tiếp theo của Mỹ, dù người đó là ai. Ông cho biết Nga và Mỹ có chung lợi ích trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, phi vũ khí hạt nhân, chống nghèo đói và bệnh tật.

 

Tuy nhiên, cựu điệp viên KGB có vẻ như công kích Thượng nghĩ sỹ Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, khi có một phóng viên trích dẫn lời bà rằng các cựu điệp viên KGB đều không có tâm hồn. “Ít nhất thì một cái đầu của quốc gia (người đứng đầu quốc gia) cũng có đầu”, Putin hóm hỉnh trả lời.

 

Là người giàu nhất thế giới

 

Khi được hỏi liệu ông có phải là người giàu có nhất châu Âu không, ông nhẹ nhàng trả lời, ông giàu trong tình yêu của người dân nước Nga.

 

“Sự thật tôi là người giàu nhất không chỉ ở châu Âu mà toàn thế giới. Tôi giàu vì người Nga đã hai lần tin tưởng và giao cho tôi điểu khiến một đất nước vĩ đại như nước Nga. Đó là tài sản lớn nhất của tôi”, Putin khẳng định.

 

 

Phan Anh

Theo AP, Reuters