Phương Tây thất vọng sau khi Kiev "tự bắn vào chân"?
Việc Kiev liên tục "chạy lại" với "những người anh em xa" có thể sẽ bị chặn lại sau khi chính quyền Poroshenko tự bắn vào chân mình.
Phương Tây lo ngại Ukraine sụp đổ
Sau khi chính quyền Tổng thống Poroshenko quyết định cắt đứt giao thông, phong tỏa kinh tế với Donbass, ngay lập tức phương Tây đã cảnh báo Kiev về hậu quả của quyết định tai hại này. "Những người anh em xa" lo ngại Ukraine sẽ bị chia rẽ sâu sắc sau nước đi sai lầm của Kiev.
Báo Süddeutsche Zeitung của Đức cho biết, chính phủ Đức – quốc gia được cho là quan trọng nhất “Bộ tứ Normandy” trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột cho Ukraine – đã làm một việc chưa từng có trong hoạt động ngoại giao quốc tế của mình, đó là cảnh báo Kiev về nguy cơ sụp đổ của Ukraine.
Đại diện Bộ Ngoại giao Đức, ông Martin Schaefer đã thể hiện quan điểm của Berlin : "Sự chia rẽ ở Ukraine đang có xu hướng ngày càng gia tăng, thực tế đó đòi hỏi cần phải được quan tâm thực sự nghiêm túc. Song quyết định phong tỏa Donbass chỉ càng làm cho sự chia rẽ ngày tăng thêm mà thôi".
Theo nhà ngoại giao Đức, thay vì chống lại hành động phong tỏa của các tổ chức mang tư tưởng bài ngoại thì chính quyền Ukraine lại quyết định cấm vận giao thương với Donbass - Điều đó chẳng khác nào cộng hưởng sự phong tỏa cho các đối thủ của Kiev. Hậu quả là giúp cho đối thủ có được cả lợi thế lẫn ưu thế.
Truyền thông phương Tây cũng đồng loạt mổ xẻ, phân tích quyết định được cho “sai lầm chiến lược” của chính phủ đương quyền tại Ukraine.
Hãng AP nhận định, chính quyền Poroshenko đã thực hiện một hành động mang tính bước ngoặt khi quyết định phong tỏa Donbass. Hãng tin của Anh bình luận : "Sự nhu nhược của chính quyền Kiev trước các lực lượng cực đoan ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình chính trị của đất nước Ukraine".
Báo Neue Zürcher Zeitung của Đức cho rằng chính quyền Poroshenko đã đưa đất nước Ukraine đi lầm đường. "Kiev phải cẩn trọng, không nên để đất nước trở thành đất sống cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan… Kiev phải tập trung trước hết vào vấn đề nội bộ - không nên trượt sâu vào việc cải tổ, bởi có thể gây tan rã đất nước", Neue Zürcher Zeitung phân tích.
Tờ New York Times – tờ báo lớn và được xem là đồng minh của Kiev trong giới truyền thông phương Tây – thì nhận định rằng : "Quyết định cấm tất cả các hoạt động thương mại với Donbass, ngoại trừ hoạt động nhân đạo tại khu vực ly khai, đã giáng một đòn chí tử vào việc thực thi nội dung Hiệp định hòa bình Minsk".
Tạp chí Politico của Mỹ thì dự báo những tthiệt hại mà Ukraine sẽ phải nhận lãnh khi phá vỡ mối quan hệ thương mại với Nga và Donbass : "Nga là một đối tác thương mại quan trọng với Ukraine, dù vai trò đó đang giảm dần. Còn việc Kiev cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Donbass và rời xa người dân đã làm phức tạp thêm việc tái hòa nhập với khu vực trong tương lai".
Có thể thấy rằng, hành động “giận cá chém thớt” của chính quyền Poroshenko qua quyết định phong tỏa Donbass đã gây hậu quả tai hại cho người dân và đất nước Ukraine. Với sai lầm mang tính bước ngoặt, chính quyền Kiev không có cơ hội sửa chữa, khi sự đoàn kết dân tộc của Ukraine, tính thống nhất của nhà nước Ukraine đã bị phá vỡ sau hành động của Kiev.
Còn với "những người anh em xa" thì có lẽ sự thất vọng với chính quyền Poroshenko đã lên tới mức không thể chịu đựng được nữa. Bởi lẽ Kiev đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan với ván cờ Ukraine, mà lời cảnh báo Ukraine có thể sụp đổ của đại diện Bộ Ngoại giao Đức, đã tỏ rõ điều ấy.
Chính quyền Poroshenko đã biến Ukraine thành gánh nặng với phương Tây
Với những yếu kém trong quản lý và điều hành đất nước, thể hiện qua việc gây mất đoàn kết dân tộc, làm suy giảm kinh tế cả về quy mô và tiềm lực, với những yếu kém trong thể hiện chủ quyền quốc gia khi biến Ukraine thành nơi thể hiện tầm ảnh hưởng của các ngoại bang, với những yếu kém trong quan hệ quốc tế khi không thể xác lập được niềm tin chiến lược, chính quyền Kiev đã khiến "những người anh em xa" từ chỗ bất ngờ đến thất vọng.
Việc phải trừng phạt Moscow, cấm vận Nga sau sự kiện Crimea là chẳng đặng đừng với Washington và đồng minh vì nó luôn là lợi bất cập hại. Mà nguyên nhân chính dẫn đến hành động đó là do yếu kém của chính quyền Poroshenko khiến Tổng thống Putin có thể thực hiện một nước cờ quyết định, đưa Ukraine trở thành ván cờ tàn với phương Tây.
Nỗi cay đắng chưa thể nguôi ngoai thì những hành xử của chính quyền Ukraine thời hậu Yanukovych ngày càng khiến Washington và đồng minh thất vọng. Nạn tham nhũng và đấu đá nội bộ khiến phương Tây cảm nhận tiền họ đổ vào Ukraine sẽ như đổ vào hang chuột, vì vậy tháng 3/2015 họ đã phải tạm ngừng viện trợ tài chính cho Kiev, theo Reuters.
Vậy nhưng dường như Kiev “chưa tỉnh" sau động thái đó, mà họ vẫn kỳ vọng quá nhiều vào "những người anh em xa" và họ hiện thực hóa kỳ vọng bằng việc gia tăng xung đột với phe ly khai, tăng cường gây hấn với người láng giềng Nga. Điều này vô hình trung biến Ukraine trở thành mặt trận đối trọng tuyệt vời với Nga cho phương Tây và Kiev đã được thưởng rất nhiều bánh vẽ.
Những tưởng như vậy là chính quyền Poroshenko sẽ thay đổi cách hành xử, nhất là khi Tổng thống Trump – một người được cho là có quan điểm gần gũi với Nga – bước vào Nhà Trắng, song Kiev vẫn liên tiếp thực hiện những hành động làm phương Tây nản lòng. Việc Kiev liên tục "chạy lại" với "những người anh em xa" có thể sẽ bị chặn lại sau khi chính quyền Poroshenko "tự bắn vào chân mình".
Bởi như The New York Times đã bình luận, sự thành công của tiến trình Minsk sẽ là bước đầu tiên để cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, song chính Kiev đã làm cho điều đó ngày càng trở nên xa vời.
Theo Ngọc Việt
Đất Việt