1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phương Tây thăm dò lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo châu Âu liên tiếp thăm hoặc lên kế hoạch thăm Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đề xuất kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine và Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nga.

Phương Tây thăm dò lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine - 1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chào đón Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 30/3 (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này. Ông Sanchez trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của một quốc gia châu Âu đến thăm Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19 vào năm 2022. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tới Bắc Kinh.

Ông Sanchez đã lên kế hoạch tham dự các cuộc họp về thương mại tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở đảo Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 30/3 trước khi tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 31/3. Quan chức Tây Ban Nha cho biết vai trò của ông Tập Cận Bình trong tiến trình hòa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine là lý do chính cho chuyến thăm của Thủ tướng Sanchez tới Trung Quốc.

Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết, ông sẽ "tìm hiểu trực tiếp lập trường của Trung Quốc đối với hòa bình ở Ukraine và truyền tải thông điệp rằng người Ukraine sẽ thiết lập các điều kiện cho hòa bình".

Ông Sanchez nói thêm rằng, việc ông Tập Cận Bình mời nhà lãnh đạo Tây Ban Nha tới thăm Trung Quốc đã chứng tỏ "sự công nhận quốc tế dành cho Tây Ban Nha trong thời điểm có những khó khăn địa chính trị phức tạp như vậy".

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Sanchez diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh đối với Ukraine. Một số chính trị gia phương Tây cho rằng kế hoạch này không khả thi, trong khi ông Putin nhấn mạnh kế hoạch của Trung Quốc có thể là cơ sở để chấm dứt xung đột Ukraine nếu phương Tây sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố sẵn sàng thăm Trung Quốc vào đầu tháng tới để thảo luận về tình hình Ukraine. Tổng thống Macron nói rằng ông đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng tới Trung Quốc vào ngày 4/4 để có "tiếng nói thống nhất" về vấn đề này.

Ngoài ông Macron và bà von der Leyen, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell cũng nói rằng ông sẽ sớm đến thăm Trung Quốc, mặc dù thời điểm diễn ra chuyến đi vẫn chưa được công bố.

Truyền thông Trung Quốc nhận định, việc các nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng đến thăm Trung Quốc đã làm nổi bật vai trò "thúc đẩy hòa bình" của Bắc Kinh trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

"Các nước châu Âu biết rằng Trung Quốc không chỉ có khả năng mà còn thể hiện thiện chí đưa ra đề xuất hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Họ muốn bày tỏ quan điểm của châu Âu về vấn đề này", ông Cui nói.

Theo Gao Jian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và châu Âu nhận ra rằng chính sách "tách rời" do Mỹ đề xuất (ý tưởng giảm sự phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực) có tác động tiêu cực đến châu Âu. Do vậy, ông Gao cho rằng EU nên tập trung vào việc củng cố quan hệ kinh tế và thương mại song phương với Trung Quốc.

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm