1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phương Tây sẽ tiếp tục trừng phạt kinh tế Nga

Báo chí Nga dẫn các nguồn tin cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Nga và chúng có thể đụng chạm đến lĩnh vực chế tạo máy cũng như tăng cường cô lập các công ty Nga khỏi thị trường vay vốn bên ngoài. Tuy nhiên, ít có khả năng Mỹ xem xét cấm cung cấp dược phẩm cho Nga.

Phương Tây coi kinh tế là một vũ khí khả dụng để chống lại Nga (ảnh: AFP/TTXVN)
Phương Tây coi kinh tế là một vũ khí khả dụng để chống lại Nga (ảnh: AFP/TTXVN) 

Ông Richard Newcombe - Cựu Cục trưởng Cục kiểm soát các nguồn vốn nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ - đã tuyên bố về kế hoạch tăng cường cấm vận hôm 8/11, mặc dù không tiết lộ chi tiết. Các hãng thông tấn của Mỹ dẫn lời ông Richard dự báo trong tương lai ngắn hạn Mỹ không xem xét gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện đang áp dụng, ngược lại có thể mở rộng danh sách các biện pháp cấm vận đối với Nga. Người Mỹ đang coi kinh tế là thứ vũ khí có hiệu quả trong việc triển khai chính sách với điện Kremlin.

Trong khi đó, đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức cũng không phát đi tín hiệu sẽ giảm bớt lệnh trừng phạt tương tự. Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố với hãng Reuters rằng hiện Đức chưa nhìn thấy lý do chính đáng để gỡ bỏ các lệnh cấm vận này, khi miền Đông Ukraine tiếp tục đi ngược lại tinh thần các thỏa thuận đã đạt được tại Minsk. Bà Merkel nhấn mạnh Mỹ phải “làm gì đó” với các nhân vật lên nắm quyền ở miền Đông Ukraine bằng bầu cử bất hợp pháp.

Đáng chú ý, bà Merkel dự kiến có cuộc gặp với cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Nhà lãnh đạo Liên Xô thể hiện mong muốn bảo vệ lập trường của Nga và ông Putin, kêu gọi phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thống nhất các nỗ lực quốc tế cùng Nga giải quyết vấn đề Ukraine. Ông Gorbachev cho rằng đã đến lúc các bên liên quan cần chấm dứt đổ lỗi cho nhau và tập trung vào việc tìm kiếm các điểm tương đồng, trước hết là gỡ bỏ lệnh cấm một số quan chức Nga nhập cảnh châu Âu để họ được thực thi nhiệm vụ ngoại giao và trợ giúp kinh tế cho các vùng ở Ukraine bị thiệt hại nặng nề do nội chiến.

Về phía mình, các quan chức Nga không giấu giếm lo ngại phương Tây sẽ tiếp tục gia tăng cuộc chiến trừng phạt. Bộ Phát triển Kinh tế Nga thừa nhận nền kinh tế nước này sẽ bị suy yếu nếu trừng phạt kéo dài, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tỉ giá và lạm phát. Những nhân tố này sẽ kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống và làm mất giá đồng tiền, tiếp theo là làm chậm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế Nga. Theo Bộ này, các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2015 được đưa ra trên cơ sở các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ.

Vì vậy, nếu cuộc chiến thương mại vẫn được phương Tây tiếp tục tiến hành thì Bộ Phát triển Kinh tế Nga buộc phải soạn thảo lại dự báo, đồng thời có tính tới các hậu quả tiêu cực có thể xuất hiện muộn hơn ở giai đoạn 2016 - 2017. Mặc dù trong bản báo cáo gần đây, người đứng đầu Bộ này khẳng định nền kinh tế Nga đủ sức trụ vững trước những cú sốc lớn nhất, song ông cũng không quên cảnh báo triển vọng đầu tư nước ngoài giảm, thu nhập thực tế người dân giảm, lạm phát tăng và có nguy cơ sẽ phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để chống sốc cho nền kinh tế.

Giới quan sát cho rằng khả năng phương Tây tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga là hoàn toàn hiện thực và có thể đi theo hai hướng. Một là chống các cá nhân có dính líu đến những quyết sách của Điện Kremlin. Hai là tiếp tục phong tỏa và cô lập Nga khỏi tất cả các hệ thống thanh toán quốc tế. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng hậu quả tâm lý từ các biện pháp này cũng nghiêm trọng không kém hậu quả vật chất, khi giới đầu tư quốc tế xem Nga là thị trường đầy rủi ro. Vì vậy, không loại trừ khả năng trong thời gian tới không những luồng đầu tư nước ngoài mới dừng đổ vào Nga, mà giới đầu tư đang làm ăn ở đây cũng đồng loạt tháo chạy về những nơi an toàn hơn.

Theo TTK/ Tin tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm