1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây dự đoán hồi kết xung đột Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm và Kiev cần sự hỗ trợ lâu dài để đối phó với quân đội Nga.

Phương Tây dự đoán hồi kết xung đột Nga - Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine tại Donetsk, Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế rằng, cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm. Chúng ta không thể từ bỏ việc hỗ trợ Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Đức hôm 19/6.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đồng tình với quan điểm của Tổng thư ký NATO. "Tôi e rằng chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài", ông Johnson nói.

Tổng tham mưu trưởng Lục quân Anh, Tướng Patrick Sanders, cũng tuyên bố quân đội Anh cần sẵn sàng cho khả năng "chiến đấu ở châu Âu".

"Nhu cầu cấp bách hiện nay là phải xây dựng một lực lượng lục quân có khả năng chiến đấu bên cạnh các đồng minh của chúng ta và đánh bại Nga trên chiến trường. Chúng ta là thế hệ phải chuẩn bị cho việc tác chiến trở lại trên lãnh thổ châu Âu", Tướng Sanders nói.

Các tuyên bố trên cho thấy, phương Tây tin rằng Ukraine không thể đạt được bước đột phá nhanh chóng về quân sự với Nga, dù nước này vẫn nhận được hàng loạt vũ khí từ NATO. Giới chức Ukraine cho đến nay vẫn tiếp tục kêu gọi các nước viện trợ quân sự nhanh chóng để đối phó với đà tiến công của quân đội Nga.

Lực lượng Ukraine vẫn phòng thủ ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Các cuộc giao tranh khốc liệt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở thành phố Severodonestsk. Ông Serhiy Haidai, tỉnh trưởng tỉnh Lugansk, cho biết Nga đang tập trung lực lượng nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố này sau nhiều tuần giao tranh.

"Hôm nay, ngày mai hoặc ngày kia, họ (Nga) sẽ triển khai toàn bộ quân dự bị. Đã có rất nhiều quân dự bị ở đây", ông Haidai nói với đài truyền hình Ukraine.

Nga đã kiểm soát phần lớn Severodonetsk và nếu lực lượng Ukraine mất quyền kiểm soát thành phố này, các cuộc giao tranh dự kiến sẽ tập trung vào thành phố Lysychansk lân cận.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/6 thông báo, tên lửa Iskander của nước này đã phá hủy khí tài do phương Tây viện trợ tại Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine ở phía tây bắc Lugansk. Một quan chức Bộ Nội vụ Ukraine cho biết, lực lượng Nga đang tìm cách tiếp cận Kharkov, nơi từng bị pháo kích dữ dội, và biến nó thành "thành phố tiền tuyến".

Ukraine đã kêu gọi một lượng lớn vũ khí từ phương Tây để có thể đẩy lùi cuộc tiến công của Nga, nhưng những gì được cung cấp cho đến nay vẫn ít hơn Kiev yêu cầu. Mỹ, Anh và Đức đã cam kết sẽ gửi 10 hệ thống rocket, trong khi giới chức Ukraine kêu gọi 60, thậm chí 300 hệ thống.

Giới chức Ukraine cho rằng việc giúp nước này giành được chiến thắng nhanh chóng trước Nga sẽ là cách giảm thiểu tổn thất trong dài hạn.

"Chúng tôi cần những vũ khí này vì mùa đông đang đến", Oleksandr Starukh, thống đốc khu vực Zaporizhzhia, cho biết, đồng thời cảnh báo Ukraine sẽ phải đối mặt với tổn thất kinh tế lớn hơn nếu chiến tranh kéo dài.

Theo ông Starukh, các vấn đề có thể vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Quan chức Ukraine cho rằng châu Âu có thể phải đối mặt với làn sóng nhập cư khác từ các nước châu Phi và Trung Đông, những nước từng phụ thuộc vào xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, nếu xung đột tiếp tục làm gián đoạn xuất khẩu hàng hải.

Thủ tướng Anh khẳng định, việc viện trợ vũ khí cho Ukraine phải tiếp tục và cần phải "duy trì khả năng sinh tồn của Ukraine" bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính "để trả lương, mở cửa trường học, cung cấp viện trợ và tái thiết đất nước".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, Đức đã "tập trung quá nhiều nguồn cung năng lượng vào Nga" đến mức khó có thể thay đổi tình hình. Ông ủng hộ chính sách của người tiền nhiệm Angela Merkel về việc cần tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Moscow.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải được sử dụng nhiều hơn như một biện pháp khẩn cấp để bù đắp sự sụt giảm nguồn cung khí đốt của Nga. Ông nói rằng, việc đưa các nhà máy nhiệt điện than trở lại là quyết định "đau đớn, nhưng đó là điều cần thiết" ở thời điểm hiện nay.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine