1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Philippines "vỡ mộng" sau 4 năm ngả về Trung Quốc vì lời hứa đầu tư

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bốn năm sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xoay trục sang Trung Quốc để đổi lấy các khoản đầu tư Bắc Kinh cam kết, Manila vẫn đang "loay hoay" với những lời hứa dang dở từ Trung Quốc.

Philippines vỡ mộng sau 4 năm ngả về Trung Quốc vì lời hứa đầu tư - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte gặp nhau tại Bắc Kinh năm ngoái (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines)

Năm 2016, sau khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte đã quyết định thi hành các chính sách có xu hướng xoay trục về phía Trung Quốc nhằm đổi lấy các lợi ích về mặt kinh tế cho Philippines.

Thậm chí, ông Duterte từng bày tỏ ý định "gạt sang bên" phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan để theo đuổi dự án hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bốn năm trước, Tòa án trên đã khẳng định rằng các đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Căng thẳng ở Biển Đông đã làm gia tăng tâm lý chống Trung Quốc ở Philippines, nhưng giới quan sát cho rằng ông Duterte dường như đã không quá chú trọng tới vấn đề này, và thay vào đó hướng tới cam kết đầu tư từ Bắc Kinh, cũng như thay đổi chính sách đối ngoại đã có từ hàng thập niên với đồng minh Mỹ để gần gũi hơn với Trung Quốc.

Lời hứa chưa trở thành hiện thực

Bốn năm sau, phần lớn những lời hứa mà Trung Quốc đưa ra đã không trở thành hiện thực. Trung tâm của chính sách kinh tế của chính quyền Duterte là chương trình "Xây, Xây, Xây" (BBB), bao gồm 20.000 dự án cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, đường cao tốc.

Ông Duterte coi nguồn vốn từ Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất để nâng cấp các công trình và trông mong Philippines sẽ tiến tới "kỷ nguyên vàng cơ sở hạ tầng".

Tuy nhiên, thực tế là mới chỉ có ít hơn 5% cam kết đầu tư 24 tỷ USD của Trung Quốc vào Philippines trở thành hiện thực. Chuyên gia chính trị Richard Heydarian cho rằng ông Duterte dường như đã bị thất hứa.

"Ông ấy làm nhiều thứ cho Trung Quốc nhưng ông ấy nhận lại được gì? Tới bây giờ hầu như vẫn chưa có dự án hạ tầng lớn nào được Trung Quốc đầu tư", ông Heydarian nhận định.

Một trong những dự án lớn là đập Kaliwa, công trình được xem là giải pháp cho ngập lụt ở vùng đô thị Manila và các vùng xung quanh. Nó bao gồm kế hoạch xây 3 đập để phục vụ cho 17,5 triệu dân. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị trì hoãn vì Trung Quốc "có quan điểm đàm phán cứng rắn" nhằm bảo đảm "các dự án đạt giá trị thương mại", theo chuyên gia Peter Mumford.  

Rủi ro bẫy nợ

Philippines vỡ mộng sau 4 năm ngả về Trung Quốc vì lời hứa đầu tư - 2

Dự án đập Kaliwa (Ảnh: CNA)

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng các khoản Philippines vay Trung Quốc để cấp vốn cho các dự án thuộc chương trình BBB là đắt đỏ và có lãi suất cao.

Trong thời gian qua, Trung Quốc bị chỉ trích vì được cho sử dụng chính sách "ngoại giao bẫy nợ". Khái niệm này ám chỉ việc nước giàu cho các nước nghèo hơn vay để phát triển cơ sở hạ tầng rồi buộc họ phải "xuống nước" để được giảm nợ. Chính sách này được cho sẽ giúp bên cho vay gia tăng tầm ảnh hưởng.

"Lợi nhuận luôn là điểm mấu chốt và đó là lý do vì sao Trung Quốc theo đuổi dự án đập Kaliwa. Chúng tôi đối mặt với rủi ro có thể phải trao hết tài nguyên cho Trung Quốc nếu chúng tôi vỡ nợ", chuyên gia môi trường Leon Dulce nhận định.  

Trong khi đó, Giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal cho rằng Manila nên cân nhắc những lựa chọn khác về nguồn ngân sách, ví dụ từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo ông Batongbacal, nếu Philippines ký thỏa thuận vay với 2 nước trên, thỏa thuận sẽ có các yêu cầu về việc chính quyền địa phương sẽ phải đồng ý với dự án chứ không chỉ chính phủ trung ương.

Thỏa thuận từ Trung Quốc không có các điều kiện đó, nên việc ký kết có thể dẫn tới việc các bên sẽ xây dựng các dự án mà không cần tính tới tác động lên cộng đồng địa phương.

Ví dụ, dự án đập Kaliwa do Trung Quốc rót vốn bị nhiều nhà hoạt động môi trường phản đối vì quan ngại hệ lụy của nó có thể mang lại với nhiều người dân sinh sống quay khu vực xây dựng dự án. Đề xuất cho vay từ Nhật Bản, trong khi đó, lại có hạng mục xây các công trình thủy điện cỡ nhỏ và khôi phục rừng nhiệt đới.

Ngoài ra, giới quan sát bày tỏ mối quan ngại về việc các dự án Trung Quốc rót vốn tuyển mộ phần đông các công nhân Trung Quốc làm việc thay vì thuê người địa phương.

"Thực sự là các công ty và người lao động Trung Quốc hưởng lợi, chứ không phải người Philippines", ông Heydarian cho hay.

Philippines "vỡ mộng"

Ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trái chiều ở Philippines về vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc bồi đắp phi pháp, quân sự hóa trái phép, khai thác quá mức đang làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái san hô ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Batongbacal nói rằng Trung Quốc đang tàn phá bãi cạn Scarborough từ năm 2012 và Philippines dường như đang không mấy quan tâm tới thực tế này để giữ hòa khí với Trung Quốc.

Sự chia rẽ trong chính sách xoay trục sang Bắc Kinh của ông Duterte ngày càng gia tăng khi công chúng muốn Manila cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ví dụ, Phó đô đốc hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo từng mạnh mẽ phản đối kế hoạch chuyển địa điểm một căn cứ hải quân để Trung Quốc xây sân bay tại đây.

Theo chuyên gia Gregory Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, ông Duterte dường như đang nhận ra "chính sách Trung Quốc của ông ấy đã không thành công".

"Ông ấy cần các khoản vay, đầu tư, hỗ trợ từ Trung Quốc và không có thứ gì xuất hiện. Ông ấy nhận ra, nếu ông ấy tiếp tục theo đuổi chiến lược này, nó sẽ chỉ khiến ông ấy bớt mạnh mẽ và làm ảnh hưởng tới thương hiệu chính trị của ông, cũng như người được ông chọn kế nhiệm trong cuộc bầu cử tới", ông Poling nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm