1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines sẽ mua vũ khí nào của Nga sau tuyên bố "chia tay" Mỹ?

(Dân trí) - Đầu tuần này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia tăng giọng điệu chỉ trích Mỹ, nói với Tổng thống Obama rằng “hãy xuống địa ngục” và rằng nếu Washington tiếp tục từ chối bán vũ khí cho Philippines, ông có thể quay sang Nga và Trung Quốc. Các nhà phân tích Nga đã lên tiếng về khả năng Moscow có thể bán vũ khí cho quốc gia Đông Nam Á.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Asianews)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Asianews)

Căng thẳng giữa Manila và Washington đang gia tăng. Trong một loạt các bài phát biểu trong tuần này, Tổng thống Philippines Duterte đã tuyên bố ông sẵn sàng “chia tay Mỹ” và điều chỉnh lại chính sách ngoại giao đối với các cường quốc vì Mỹ “đã thất bại với chúng tôi”.

Ông Duterte còn cảnh báo rằng nếu Mỹ từ chối bán vũ khí cho Philippines, Manila có thể dễ dàng quay sang Nga và Trung Quốc.

“Nếu họ không muốn bán vũ khí, chúng tôi sẽ tới Nga”. “Tôi đã cử các tướng lĩnh tới Nga và Nga nói “đừng lo, chúng tôi có tất cả những gì mà các bạn cần. Chúng tôi sẽ bán cho các bạn... Và với Trung Quốc, họ nói “hãy đến và ký kết và mọi thứ sẽ được chuyển giao”, ông Duterte tuyên bố.

Những bình luận mới nhất của ông Duterte diễn ra sau tuyên bố hồi tháng trước rằng Manila có thể tìm cách “xoay trục” sang Trung Quốc và Nga để đối trọng với Mỹ và lớn hơn là sự ảnh hưởng của phương Tây. Sau đó, ông Duterte có kế hoạch tới thăm cả Moscow và Bắc Kinh để tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với cả hai cường quốc, trong đó có đầu tư từ Nga và Trung Quốc, đặc biệt là ở lĩnh vực hàng không và viễn thông.

Moscow dường như bị bất ngờ với lập trường xoay chiều của ông Duterte. Hôm 3/10, bình luận về sáng kiến của Manila nhằm tăng cường quan hệ với Moscow, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov chỉ nói rằng “lâu nay, Nga vẫn tìm kiếm các mối quan hệ thân thiện, mang tính xây dựng và đôi bên cùng có lợi với Washington, Bắc Kinh và Manila trong tất cả các lĩnh vực”.

Nhà phân tích địa chính trị Sergei Aksenov, phóng viên của báo Nga Svobodnaya Pressa, tỏ ra thẳng thắn hơn, cho rằng đề xuất của ông Duterte hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Moscow nhằm thúc đẩy sự đa cực toàn cầu.

“Việc một đồng minh chiến lược của Mỹ tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng của nước này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của chúng ta”, ông Aksenov giải thích. “Đồng thời, điều quan trọng là ông Duterte không vội vàng chuyển từ đồng minh này sang đồng minh khác, mà tìm cách duy trì chính sách đa cực vốn là quan trọng nhất đối với lợi ích quốc gia của chính mình”.

Phát biểu với Svobodnaya Pressa, Dmitri Kornev - tổng biên tập trang tin tức và phân tích MilitaryRussia, cho rằng do Philippines là một đảo quốc nên Nga, với tư cách là một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tàu hải quân, có thể cung cấp cho Philippines các tàu nhanh và thậm chí là tàu ngầm diesel.

Ngoài ra, nếu Manila muốn khẳng định mình trong tranh chấp Biển Đông, Manila có thể mua của Nga các hệ thống phòng không, trong đó có các hệ thống tầm trung Buk và Tor và hệ thống tầm ngắn SAM.

“Đối với các hệ thống hiện đại hơn, trong đó có Vityaz và Morphei, chúng chưa được đưa vào sử dụng trong chính quân đội Nga, vì vậy Philippines khó có thể mua được chúng”, ông Kornev nói. “Các hệ thống hiện đại hơn, như S-300, sẽ không được chuyển giao, vì việc sản xuất chúng đã được tạm dừng. S-400 cũng đối mặt với số phận tương tự trong 1 hay 2 năm tới, và vẫn có một hàng dài đơn đặt hàng cho các hệ thống này”.

“Nhưng việc cung cấp các máy bay thì có khể”, ông Kornev nhận định. “Nga từng bán các máy bay Su-30 và MiG-29 cho quốc gia láng giềng của Philippines là Malaysia. Trong tương lai, chúng ta thậm chí cũng có thể cung cấp hệ thống tên lửa Iskander-E, mà Nga chỉ bán cho Mỹ trong quá khứ”.

An Bình

Theo Sputnik