Philippines nói va chạm với Trung Quốc ở Biển Đông là hiểu nhầm
(Dân trí) - Philippines không cân nhắc viện dẫn một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ sau các vụ va chạm với Trung Quốc trên Biển Đông.
Chủ tịch Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines Lucas Bersamin ngày 21/6 cho biết vụ va chạm giữa các thủy thủ hải quân Philippines và lực lượng hải cảnh Trung Quốc gần đây "có thể là một sự hiểu nhầm hoặc một tai nạn".
"Chúng tôi chưa sẵn sàng coi đây là một cuộc tấn công vũ trang. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng tôi có thể dễ dàng giải quyết và nếu Trung Quốc muốn hợp tác với chúng tôi, chúng tôi có thể hợp tác với Trung Quốc", ông Bersamin tuyên bố.
Ông Andres Centino, trợ lý tổng thống Philippines về các vấn đề hàng hải, cho biết việc viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines không được xem xét trong các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đã khuyến nghị với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. rằng các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines tới bãi Cỏ Mây tranh chấp nên được công bố và tiếp tục "được lên kế hoạch thường xuyên".
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines hôm 20/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken "đã nhấn mạnh những cam kết vững chắc của Mỹ với Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung".
Philippines có một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Các quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, đã tái khẳng định các cam kết phòng thủ "sắt thép" trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay và tàu của Philippines ở Biển Đông.
Philippines là đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á. Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ - Philippines ký năm 1951 thể hiện cam kết của Manila và Washington về việc hỗ trợ lẫn nhau khi một bên bị "tấn công vũ trang tại khu vực Thái Bình Dương".
Năm 2014, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Tại cuộc họp báo hôm 19/6, các quan chức quân sự cấp cao của Philippines cho biết các sĩ quan lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã "đổ bộ trái phép" lên các xuồng của hải quân Philippines, lấy đi 7 khẩu súng đã được tháo rời cất trong hộp đựng, "phá hủy" động cơ, thiết bị liên lạc và thiết bị dẫn đường và lấy đi các thiết bị cá nhân, điện thoại di động của các thành viên trên xuồng Philippines.
Ông Alfonso Torres Jr., chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) cáo buộc Trung Quốc "cố tình đâm thủng xuồng của Philippines bằng dao và các dụng cụ sắc nhọn khác".
Ông Torres xác nhận một quân nhân hải quân Philippines trên xuồng đã bị mất ngón tay cái bên phải trong vụ va chạm với hải cảnh Trung Quốc. Tổng cộng 7 quân nhân Philippines đã bị thương trong vụ việc.
Tướng Romeo Brawner Jr, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, xác nhận vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc xảy ra vào ngày 17/6 khi binh sĩ Philippines cố gắng tiếp vận cho các thủy thủ đóng quân trên tàu Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "các biện pháp thực thi pháp luật" do lực lượng bảo vệ bờ biển nước này thực hiện trong cuộc đối đầu là "chuyên nghiệp và kiềm chế" và "không có biện pháp trực tiếp nào được thực hiện đối với nhân viên Philippines".
Trong vụ việc hôm 17/6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết các biện pháp đã được thực hiện đối với các xuồng Philippines, bao gồm cảnh báo và ngăn chặn, lên tàu kiểm tra và buộc trục xuất vì các xuồng Philippines đã "tiến vào trái phép" vùng biển và "tiếp cận một cách nguy hiểm" một tàu Trung Quốc. Tuyên bố khẳng định trách nhiệm về "vụ va chạm hoàn toàn thuộc về phía Philippines".
Quân đội Philippines đã gia cố tàu BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ năm 1999.
BRP Sierra Madre từng là tàu đổ bộ dài 100m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến thành một tiền đồn đóng quân trái phép.