1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines "bật đèn xanh" cho Trung Quốc vào Bãi Cỏ Rong của Việt Nam?

Tờ Inquirer ngày 14/1 cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tỏ ý ủng hộ nguyện vọng tham gia tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của một công ty Trung Quốc với các công ty của Philippines tại Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV).

Philippines 'bật đèn xanh' cho Trung Quốc vào Bãi Cỏ Rong của Việt Nam?


Tuy nhiên, ông Aquino nhấn mạnh, kế hoạch này phải thực hiện theo quy định pháp luật của Philippines.

“Phía đối tác tiềm năng, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) phải công nhận Bãi Cỏ Rong là một phần của lãnh thổ Philippines”, ông Aquino nói.

“Nếu họ muốn tham gia thì tại sao lại từ chối? Philippines mở cửa cho các nhà đầu tư nhưng họ phải tuân thủ pháp luật của chúng tôi”, Tổng thống Philippines Aquino nói trong một buổi đối thoại với các phóng viên Đài phát thanh Mindanao hôm 10/1.

Trước đó, bà Mã Khắc Thanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines đã lên tiếng “gợi ý” hai nước cần thúc đẩy một kế hoạch khai thác dầu khí (trái phép - PV) chung tại Bãi Cỏ Rong, nơi được cho là có trữ lượng tiềm năng lên tới 3,4 nghìn tỷ feet khối khí và 440 triệu thùng dầu.

Bước đầu, theo bà Mã Khắc Thanh, hai nước cần tạo điều kiện cho CNOOC với tập đoàn Forum Energy của doanh nhân Manuel V. Pangilinan và Enrique Razon ký kết một thỏa thuận để xác nhận và tối đa hóa tiềm năng khai thác khoáng sản ở Bãi Cỏ Rong.

"Gợi ý" của Bắc Kinh thực tế cũng không phải là ý tưởng mới mẻ gì bởi trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn nhấn mạnh chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng.

Tuy nhiên, quan điểm này đã nhiều lần bị nghi ngờ về tính công bằng cũng như bị cho là “cái bẫy” mà Bắc Kinh đặt ra để “nhử” các nước láng giềng, bởi một mặt Trung Quốc rêu rao “giải quyết hòa bình” nhưng mặt khác lại ra sức củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự; đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương.

Theo Minh Châu
Petrotimes