Phiến quân Hồi giáo chiếm toàn bộ nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq
(Dân trí) - Các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni cho biết đã chiếm giữ được toàn bộ nhà máy lọc dầu tại Baiji, phía Bắc thủ đô Baghdad. Nhà máy này cung cấp tới 1/3 sản lượng nhiên liệu tinh lọc cho Iraq.
Suốt 10 ngày qua, nhà máy trên đã là mục tiêu của các vụ tấn công, với nhiều lần các phiến quân bị đẩy lùi.
Các phiến quân, do phong trào nhà nước Hồi giáo Iraq và cận đông lãnh đạo, đã chiếm giữ được một phần lớn diện tích lãnh thổ phía Bắc và Tây của Baghdad, bao gồm thành phố lớn thứ hai của nước này là Mosul.
Họ đang tiến đến một con đập có vai trò quan trọng nằm gần Haditha và đã chiếm giữ toàn bộ các cửa khẩu sang Syria và Jordan.
Một người phát ngôn của lực lượng nổi dây cho biết, nhà máy lọc dầu Baiji, tại tỉnh Salahuddin, giờ sẽ được bàn giao cho các bộ lạc địa phương quản lý. Người này cũng khẳng định việc tiến quân về Baghdad sẽ tiếp tục.
Theo phóng viên BBC tại Iraq, việc chiếm giữ nhà máy lọc dầu này có ý nghĩa rất lớn nếu các phiến quân muốn tiếp tục kiểm soát các khu vực họ đã chiếm giữ, và cung cấp năng lượng cho Mosul.
Trước đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết sẽ “hỗ trợ tích cực và lâu dài” cho Iraq sau cuộc họp với các chính trị gia chủ chốt tại Baghdad.
Ông Kerry cũng khẳng định ISIS chính là mối đe dọa tới sự tồn tại của Iraq, và những ngày sắp tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.
Vị ngoại trưởng Mỹ đã gặp thủ tướng Iraq Nouri Maliki và cũng đối thoại với các nhân vật chủ chốt của người Hồi giáo dòng Shia và Sunni.
Phát biểu tại đại sứ quán Mỹ, ông khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ “cho phép các lực lượng Iraq chiến đấu với ISIS hiệu quả hơn và khẳng định chủ quyền của Iraq”.
“Sự hỗ trợ sẽ là tích cực và lâu dài, và nếu các lãnh đạo Iraq đi những bước đi cần thiết để đoàn kết đất nước lại, sự hỗ trợ đó sẽ hữu ích”, ông Kerry khẳng định.
“Điều thiết yếu đó là giới lãnh đạo Iraq cần phải thành lập một chính phủ với sự tham gia của nhiều bên càng nhanh càng tốt”.
Ông Maliki, một thành viên của cộng đồng người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số, đã chịu nhiều chỉ trích khi tập trung quyền lực vào hầu hết các đồng minh Shia của mình, trong khi loại bỏ các cộng đồng người Sunni và người Kurd.
ISIS đã chiếm được 2 cửa khẩu then chốt tại tỉnh Anbar, vốn nối Iraq với Syria, và đang theo đuổi mục tiêu hình thành một nhà nước nằm trên cả biên giới hai nước. Về phía Nam, họ cũng chiếm được cửa khẩu Traybil, cửa khẩu chính thức duy nhất nối liền Iraq và Jordan.
Quân đội Jordan cho biết các binh sỹ của họ đã được đặt trong tình trạng báo động dọc tuyến biên giới 180 km, để ngăn chặn “bất kỳ mối đe dọa an ninh nào”.
Thanh Tùng
Theo BBC