Phiên bản của Bảo tàng Louvre ở Trung Đông
(Dân trí) - Một làn sóng phản đối đang dấy lên mạnh mẽ ở Pháp sau khi chính phủ nước này quyết định xây một chi nhánh của Viện bảo tàng Louvre ở Abu Dhabi - một nước thuộc Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).
Nếu dự án được triển khai, đây sẽ cơ sở tại nước ngoài đầu tiên của viện bảo tàng nghệ thuật lừng danh thế giới này.
Tranh luận không tập trung vào vấn đề chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực văn hóa vì người Pháp vốn coi việc mỗi năm trợ cấp 500 triệu euro (700 triệu USD) cho sản xuất phim là bình thường. Tuy nhiên, giới hoạt động mỹ thuật và người dân Pháp phản đối việc chính phủ định kiếm tiền từ thỏa thuận này.
Theo ước tính không chính thức, Abu Dhabi sẽ phải trả khoảng 700 triệu euro trong 20 năm để được quyền trưng bày tác phẩm nghệ thuật của các viện bảo tàng của Pháp.
Giới phê bình cho rằng việc này cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh các di sản mỹ thuật của Pháp.
“Các viện bảo tàng của chúng ta không phải để bán,” đây là khẳng định được nêu trong đơn kiến nghị trực tuyến có chữ ký của 4.700 người, trong đó có các nhà quản lý bảo tàng, sử gia nghệ thuật và các nhà khảo cổ.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Pháp cho rằng thỏa thuận này là một “cơ hội hiếm có” cho nền nghệ thuật Pháp.
Thỏa thuận sẽ được chính thức ký kết tại Abu Dhabi, giữa Bộ trưởng Văn hóa Pháp Renaud Donnedieu de Vabres và ông Sheikh Sultan bin Tannoun đại diện cho phía Abu Dhabi. Theo đó, một phiên bản của Bảo tàng Louvre sẽ xuất hiện tại Abu Dhabi vào năm 2013. Việc thiết kế sẽ do phía Pháp đảm nhiệm, còn kinh phí xây dựng do Abu Dhabi gánh vác.
Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là thỏa thuận này sẽ cho phép Abu Dhabi thuê các tác phẩm nghệ thuật của Louvre và nhiều bảo tàng khác của Pháp trong 2 năm - điều khiến cho nhiều người trong giới mỹ thuật Pháp thấy bị xúc phạm.
''Mục đích của một phòng trưng bày nghệ thuật không phải là kiếm tiền'', nhà phê bình mỹ thuật Didier Rykner nói. Ông cho rằng các bảo tàng của Pháp sẽ thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật lớn vì chúng sẽ được đưa sang Abu Dhabi để trưng bày “một cách tùy tiện và thiếu khoa học”. Ông còn lo ngại việc vận chuyển sẽ khiến hàng trăm tác phẩm gặp nguy hiểm.
Theo ông Rykner, dự án này hoàn toàn mang tính chính trị và ngoại giao vì UAE là khách hàng và cũng là đồng minh lớn của Pháp.
Ông cho biết hầu hết các sử gia và phụ trách bảo tàng đều nhất trí với quan điểm của ông trong khi nhiều nhân viên chính phủ không ký vào bản kiến nghị trực tuyến bị sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp.
Chính phủ Pháp hiện vẫn “kín tiếng” về thỏa thuận này. Chủ tịch Bảo tàng Louvre, ông Henri Loyrette, ủng hộ dự án, nhưng khẳng định rằng ông hiểu những lo ngại của giới mỹ thuật và người dân Pháp.
Nhật Linh
Theo BBC