1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phía sau lời xin lỗi của Triều Tiên với phóng viên Hàn Quốc

(Dân trí) - Vốn không phải là quốc gia sẵn sàng nhượng bộ, song Triều Tiên sẵn sàng gửi lời xin lỗi hiếm hoi tới Hàn Quốc với tư cách là nước chủ nhà đón tiếp đoàn nghệ thuật của quốc gia láng giềng.

Quan chức Triều Tiên Kim Yong Chol (Ảnh: NK News)
Quan chức Triều Tiên Kim Yong Chol (Ảnh: NK News)

Theo Yonhap, một quan chức cấp cao của Triều Tiên ngày 2/4 đã gửi lời xin lỗi tới các phóng viên Hàn Quốc vì đã ngăn cản họ tác nghiệp tại chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ Hàn Quốc ở thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn tại Triều Tiên kể từ năm 2005 đến nay và cũng là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên xem chương trình nghệ thuật của quốc gia láng giềng.

Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, quan chức cấp cao phụ trách quan hệ đối ngoại với Hàn Quốc, đã đích thân tới gặp các phóng viên Hàn Quốc tại khách sạn Bình Nhưỡng và mong họ thông cảm về việc không được tạo điều kiện tác nghiệp tại Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng vào tối 1/4 - sự kiện mà cả ông Kim Jong-un và phu nhân cùng tham gia. Ngay trong lời giới thiệu với các phóng viên Hàn Quốc, ông nói: “Tôi là Kim Yong-chol, người mà Hàn Quốc gọi là thủ phạm chính của vụ đánh chìm tàu Cheonan”.

“Chúng tôi mời các phóng viên Hàn Quốc tới đây và chúng tôi có nghĩa vụ giúp đỡ để các bạn đưa tin tự do và ghi hình thuận lợi. Việc cản trở hoạt động ghi hình và quay phim tự do là sai sót. Sự kiện ngày 1/4 rất đặc biệt vì Chủ tịch Kim Jong-un cũng tham dự. Tôi nghĩ đã xảy ra sự hợp tác thiếu hiệu quả giữa các vệ sĩ an ninh của chủ tịch và những người tổ chức chương trình nghệ thuật”, ông Kim Yong-chol nói.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc vỗ tay khi xem chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc hôm 1/4. (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc vỗ tay khi xem chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc hôm 1/4. (Ảnh: AFP)

“Trước mặt các bạn, các phóng viên, và bộ trưởng (Hàn Quốc), tôi, đại diện cho Triều Tiên, xin gửi lời xin lỗi vì hành động sai sót. Chúng tôi không có ý định cản trở hoạt động của các bạn. Các bạn là khách do chúng tôi mời đến, và chúng tôi hứa sẽ không để chuyện này lặp lại”, ông Kim nhấn mạnh.

Ngoại trừ một phóng viên ảnh, tất cả các phóng viên Hàn Quốc đều không được vào Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng. Họ buộc phải đưa tin về buổi biểu diễn bằng cách xem qua màn hình phát sóng trực tiếp tại phòng thay đồ. Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc các nhà chức trách Triều Tiên gây khó khăn cho đoàn phóng viên Hàn Quốc trong khi không đưa ra lời giải thích rõ ràng.

Lời xin lỗi nhanh chóng và hiếm hoi của ông Kim Yong-chol, một tướng quân sự cấp cao với lập trường cứng rắn của Triều Tiên và là người bị cáo buộc đứng sau vụ đánh chìm tàu chiến Hàn Quốc hồi năm 2010, được cho là động thái gây bất ngờ. Trước đó, ông Kim Yong-chol từng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên tới dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang do Hàn Quốc đăng cai tổ chức hồi tháng 2. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Triều Tiên đích thân nói lời xin lỗi với Hàn Quốc.

Ẩn ý lời xin lỗi

Các phóng viên Hàn Quốc phải tác nghiệp tại phòng thay đồ do không được mời vào nơi tổ chức chương trình nghệ thuật (Ảnh: NK News)
Các phóng viên Hàn Quốc phải tác nghiệp tại phòng thay đồ do không được mời vào nơi tổ chức chương trình nghệ thuật (Ảnh: NK News)

Theo Quartz, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, những lời xin lỗi từ chính quyền Triều Tiên thực sự rất hiếm hoi, đặc biệt là xin lỗi Hàn Quốc. Hồi tháng 8/2015, Bình Nhưỡng cũng chỉ bày tỏ sự “tiếc nuối”, chứ không nói xin lỗi, sau vụ tấn công bằng mìn khiến hai trung sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cáo buộc các binh sĩ Triều Tiên đã vượt qua Khu phi quân sự liên Triều ở bên phía Hàn Quốc, sau đó đặt thiết bị nổ ở gần trạm canh gác.

Trong vụ tấn công nhằm vào tàu chiến Hàn Quốc khiến 46 thủy thủ thiệt mạng hồi năm 2010, Triều Tiên cũng không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào, thậm chí bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ việc này. Trong khi đó, một cuộc điều tra quốc tế đã kết luận tàu Hàn Quốc bị phá hủy bởi một quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm Triều Tiên.

New York Times nhận định lời xin lỗi hiếm hoi của quan chức cấp cao Triều Tiên đã cho thấy những nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc thúc đẩy bầu không khí hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là xu thế được nhà lãnh đạo Kim Jong-un khởi xướng từ hồi tháng 2 khi ông đồng ý cử đoàn vận động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội mùa Đông.

Sau khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang hồi năm 2017, ông Kim Jong-un bất ngờ chuyển hướng đối thoại với quốc gia láng giềng trong những tháng gần đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhất trí gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4, vui vẻ đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao và sau đó là đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng.

Hàng nghìn khán giả theo dõi các tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Hàng nghìn khán giả theo dõi các tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Việc ông Kim Jong-un chào đón các ngôi sao giải trí của Hàn Quốc và ông Kim Yong-chol gửi lời xin lỗi bất ngờ tới đoàn phóng viên của quốc gia láng giềng hoàn toàn trái ngược với lập trường của Triều Tiên trong những năm trước đây. Bình Nhưỡng từng chỉ trích các ca khúc K-pop được phát ở khu vực biên giới chung là chiến thuật chiến tranh tâm lý của Seoul. Quân đội Triều Tiên cảnh báo sẽ tiến hành chiến tranh toàn diện nếu Hàn Quốc không chịu tắt hệ thống loa phát những ca khúc này, thậm chí từng nổ súng cảnh cáo qua biên giới.

Việc Triều Tiên chủ động cử một quan chức cấp cao như ông Kim Yong-chol tới tận khách sạn của các phóng viên Hàn Quốc để gửi lời xin lỗi được đánh giá là chiến thuật “cao tay” để tăng cường mối quan hệ hòa giải giữa hai nước trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Xin lỗi không phải là chuyện hiếm gặp tại các nước khác, nhưng tại Triều Tiên - nơi các nhà lãnh đạo được tôn sùng là lãnh tụ tối cao và được coi là không bao giờ phạm sai lầm, một lời xin lỗi mang ý nghĩa rất lớn, đặc biệt khi nó được đưa ra trước thềm hai cuộc gặp lịch sử với Mỹ và Hàn Quốc.

Theo CS Monitor, trong các cuộc đối thoại khó khăn giữa các bên coi nhau là đối thủ, “các nhà đàm phán sẽ vượt ra khỏi lợi ích của một một quốc gia hoặc của một nhóm người, họ sẽ đặt cơn giận dữ và ý muốn trả đũa sang một bên để đưa ra những lời xin lỗi”. Sau 1/4 thế kỷ đàm phán thất bại với Triều Tiên, Mỹ và các nước đối tác có thể vẫn hoài nghi về việc liệu chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thực lòng đối thoại hay không. Tuy nhiên, sức mạnh của lời xin lỗi có thể giúp Bình Nhưỡng xóa tan nghi ngờ này.

Thành Đạt

Tổng hợp